Theo quan niệm xưa, hàm răng đen được coi là chuẩn mực của cái đẹp không chỉ riêng đối với phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng vậy.
Những nụ cười răng đen ngày càng hiếm ở xã hội hiện đại
Thế nhưng, nét đẹp xưa ấy đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của hàm răng trắng muốt thời hiện đại.
Kỳ công với nét đẹp cổ
Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương dựng nước. Nó cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác. Cũng chính vì lẽ đó mà răng đen là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái. Trong bài "Mười thương" của ca dao Việt Nam có đoạn:"Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua…".
Tục nhuộm răng đen đã tồn tại từ rất lâu, trải dài theo mấy ngàn năm lịch sử của người Việt. Trong bài hịch của vua Quang Trung khi đưa quân ra Thăng Long đánh giặc Thanh (năm 1789) có câu liên quan đến tục nhuộm răng: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn...".
Chúng tôi tìm về bản Xóm Mới (xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) trong một ngày trời nắng của tháng 7. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường. Chẳng khó khăn để bắt gặp những phụ nữ nhuộm răng đen, vì ở đây hầu hết ai cũng nhuộm, từ những thiếu nữ tuổi đôi mươi cho đến những phụ nữ đã già móm mém, hàm răng không còn đủ. Từ đầu bản cho đến cuối bản, ở đâu cũng xuất hiện những nụ cười răng đen. Khi tiếp chuyện với PV, mế Sa Thị Mến, người đã nhuộm bộ răng đen trên 50 năm tủm tỉm cười cho biết: "Quy trình nhuộm răng của người Mường cũng có nhiều nét tương đồng với người Kinh, nhưng chất liệu để nhuộm răng lại khác hẳn".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, quy trình nhuộm răng của người Mường khá cầu kỳ. Khởi đầu bằng việc miệng và răng phải được làm vệ sinh thật sạch cho đến khi lấy tay sờ vào thân răng phải trơn láng mới tiếp tục công đoạn khác. Trong ba ngày đầu, người nhuộm răng đen phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn muối bột. Một ngày trước khi nhuộm răng, người đó phải nhai, ngậm chanh hoặc hạnh nhân, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh để lớp men răng "mềm" đi. Còn axít của chanh sẽ bào mòn, tạo thành những vệt lõm sần sùi trên men răng. Đây là công đoạn đau đớn nhất cho người nhuộm vì, răng, môi, lưỡi, lợi và niêm mạc trong vòm họng sưng tấy. Răng thì lung lay như muốn rụng. Thuốc nhuộm răng bằng nhựa cánh kiến được điều chế trước đó 7 - 10 ngày theo đúng công thức với tỷ lệ bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh tùy theo mỗi người. Chất sền sệt đó được trét lên một mảnh vải thô trắng hay lụa hoặc cũng có thể được trét lên lá dừa, cau hay lá ngái, sau đó mới áp lên hai hàm răng.
Việc áp thuốc nhuộm răng được thực hiện vào sau buổi ăn chiều, đến giữa đêm sẽ được thay bằng một lượt mới. Đến sáng, lớp trét đó sẽ được gỡ ra. Sau đó, người nhuộm phải súc miệng bằng nước mắm, có nơi dùng nước dưa chua để thải hết chất thuốc còn sót lại trên răng từ đêm trước. Người nhuộm răng phải ngậm miệng suốt đêm, tránh để miếng thuốc nhuộm bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm hai lần trong bảy đêm liên tiếp. Trong khoảng thời gian đó, người nhuộm răng chỉ được nuốt chửng thức ăn, chứ không được nhai. Khi thấy răng cóá màu đỏ già (màu của cánh kiến) thì việc nhuộm răng sẽ bước vào giai đoạn ba là giai đoạn nhuộm đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen lên răng.
Thuốc bôi đen là hỗn hợp phèn đen trộn với nhựa cánh kiến, dung dịch này được phết trong hai ngày. Phải súc miệng bằng thuốc xỉa nước. Giai đoạn cuối cùng là cố định bằng nhựa của gáo dừa được đốt hay nấu chảy, chất nhựa này tạo thành một lớp men trên thân răng gọi là "giết răng". Khi hoàn tất giai đoạn này, người nhuộm răng sẽ có một hàm đen bóng.
Tiếp tục câu chuyện, mế Sa Thị Muôn nhấn mạnh, để nhuộm răng được đen và đều, người Mường dùng quả sống (một loại quả rừng, lá xanh to bằng bàn tay, quả to như quả xổ và có vị chua), thái ra phơi khô, nấu lên ngậm nước để làm sạch, tê và mềm răng. Nước ngậm của quả sống có vị chua nên phải ngậm liên tục, hết vị chua lại nhổ đi, ngậm tiếp nước mới, cứ ngậm như vậy 4 - 5 tiếng đồng hồ để cho lớp men ngoài răng mềm và ngấm màu đen của thuốc nhuộm dễ hơn. Cầu kỳ như vậy nhưng có lẽ khó khăn nhất trong quá trình nhuộm răng phải kể đến thời gian dán quả mè lên răng. Qủa mè được dùng để nhuộm răng phải là mè non để có độ chát và dính răng. Mè non được đồ lên, đổ ra, tách lấy vỏ ngoài và giã nhỏ, phần mè vừa giã được đem lên dán vào các dụng cụ lao động bằng sắt đã được rửa sạch như cuốc, xẻng, dao với mục đích tạo phản ứng, độ đen cho thuốc nhuộm.
Các mảng mè sau khi dán lên cuốc xẻng đã khô lại được mang ngâm nước cho mềm rồi gói vào lá chuối tiêu, mỗi lá bằng ngón tay và được đem nướng lên. Theo lời kể của các mế, mè phải được gói vào lá chuối tiêu, vì lá chuối tiêu có vị khé, chát, hợp với mè. Quy trình chế biến mè không chỉ dừng lại ở đó mà sau khi được bọc lá chuối nướng xong, mè được bỏ ra giã lại một lần nữa rồi mới chính thức dính lên răng.
Phôi pha theo thời gian
Tay cuộn cuộn lá trầu, mế Diệu (xóm Chiềng 2, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hoà Bình) chia sẻ: Ngày xưa, ở quê tôi, chẳng cứ phụ nữ mà cả nam giới cũng nhuộm răng, tuổi bắt đầu nhuộm răng với thiếu nữ 16-18 tuổi, với nam giới thì độ tuổi cao hơn. Cứ tối đến là cả trai gái, già trẻ, từng tốp 5-6 người quây quần bên bếp lửa cùng nhau nhuộm răng, nhiều đôi yêu nhau còn nhuộm răng cho nhau. Nhuộm răng xưa như một nét đẹp, chuẩn mực, răng càng đen càng đẹp; đen nhánh, đều màu càng được khen là người khéo. Nhuộm răng vất vả lắm nhưng ai cũng hồ hởi. Nhuộm răng không chỉ vất vả lúc ngậm quả sống khi phải thưởng thức đủ vị chua, vị chát và tê buốt, khó chịu, nhức nhối nhất là khi ngậm mè.
Theo kinh nghiệm, người Mường khi nhuộm răng chỉ ngậm mè vào buổi tối - trời thật tối hẳn và ngậm 5 - 6 miếng mè vừa bằng ngón tay, thức suốt đêm khuya đến tận sáng mới bỏ mè ra. Quy trình dán mè như vậy, được tiến hành trong 3 đêm liên tục để răng nhuộm được đen và bền màu.
Cũng theo lời các mế người Mường thì để cho răng đen đẹp, người có hàm răng nhuộm đen phải thường xuyên ăn trầu để giữ màu, nếu muốn răng đen nhánh thì dùng nhựa ở thân cây sim phơi khô bôi vào răng. Nhuộm răng không chỉ là một truyền thống văn hóa mà còn giúp cho răng chắc, khỏe và thể hiện cái duyên của người Mường, đặc biệt là phụ nữ Mường. Phụ nữ Mường xưa mặc trang phục dân tộc, đầu quấn khăn trắng và ánh cười đen khỏe mạnh được coi như chuẩn mực của cái đẹp, của sự khỏe mạnh, đảm đang và khéo léo.
Đa số các địa danh cư trú của người Mường như: Mường Vang, Mường Thàng, Mường Bi, hay đến cả ở TP. Hòa Bình vẫn còn nhiều người Mường nhuộm răng đen. Họ là phụ nữ và đều ở tuổi bác, tuổi bà hay cụ, kị của chúng tôi. Nói đến nhuộm răng, những người phụ nữ Mường này đều tự hào, họ chính là những nhân chứng sống cho một thời kỳ và cũng là những người gìn giữ cái đẹp, gìn giữ một nét văn hóa cho đời sau.