Trong ngày hội, độc đáo nhất là các điệu múa truyền thống, các động tác múa diễn tả khung cảnh tăng gia sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày được bà con mang đến lễ hội với mong muốn có được một cuộc sống an vui.
Trong buổi lễ, người ta dựng một cây chuối rừng phải có cả hoa và quả tại trung tâm nơi làm lễ, sau đó cắm các loài hoa vào thân cây chuối. Mọi người đi vòng quanh cây chuối để múa cầu mùa, dâng cúng cơm mới và các món đặc sản của núi rừng quê hương. Điệu múa còn được diễn tả các động tác như: gặt lúa, săn bắn, bắt cá…
Hội hoa chuối là nơi tụ họp vui chơi, cầu chúc, múa hát, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhớ ơn tổ tiên, cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, lao động của người dân tộc Xa Phó (Văn Bàn).
Trước khi tổ chức hội hoa chuối, các gia đình tham dự mang lễ vật đến góp cho gia đình chủ hội gồm: Gạo, gà, rượu, 3 con chim nướng, mắm cá ủ chua, muối ớt… Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày tất cả lên một chiếc mâm đan bằng mây và đem đặt thành từng dãy theo thứ tự trên khu đất đầu làng nơi tổ chức hội.
Trước khi chủ hội hành lễ, các gia đình thắp hương tại mâm lễ của mình và khấn chứng kiến tấm lòng của gia chủ với thần linh và những người đã khuất”. Khi hương tàn, chủ hội vái lạy rồi xin phép hóa vàng và ra hiệu cho các gia đình hạ lễ. Các món ăn được chia làm 2 mâm, mâm dành riêng cho đàn ông, những người họ hàng, khách mời là đàn ông và một mâm phụ nữ.
Khi đã ăn uống no say, chủ hội và một số nam thanh niên thực hiện nghi lễ trồng cây chuối trong khu vực hành lễ, xung quanh cây chuối cắm các loại hoa rừng, có cả hoa chuối đỏ biểu thị cho sự may mắn. Khi đã chuẩn bị xong, từng đôi thanh niên nam, nữ thực hiện các nghi lễ múa cầu mùa, diễn tả động tác cày, bừa, cấy, hái, gặt lúa, săn bắn… dâng cúng cơm mới và các đặc sản: Cá suối sấy khô, thịt chuột sấy khô, thịt chim rừng, khoai sọ...
Trong ngày hội hoa chuối, các gia đình Xa Phó kiêng không cho ai mang bất cứ thứ gì ra khỏi nhà. Những gia đình ở làng khác chưa tổ chức hội hoa chuối không được mời đến dự.
Theo Làng Việt