Dân tộc Si La (Số dân: trên 700 người)
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Si La cư trú chủ yếu ở các tỉnh lai Châu, Điện Biên. Tại đây, người Si La còn được biết đến với các tên gọi khác như Cú Dé Xử, Khà Pé.
Trang phục của phụ nữ Si La khá cầu kỳ. Mảng áo trước ngực áo may bằng vải khác màu với thân áo và được gắn những đồng xu bạc, xu nhôm. Khăn đội đầu của phụ nữ cũng có sự phân biệt khác nhau tuỳ theo lứa tuổi. Riêng các cô gái thường đeo thêm chiếc túi được làm bằng dây rừng, trang trí những tơ chỉ đỏ sặc sỡ.
Dân tộc Pu Péo (Số dân: trên 700 người)
Dân tộc Pu Péo sống chủ yếu ở vùng núi thuộc tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, ngoài ra có một số ít sinh sống ở tỉnh Đồng Nai. Trang phục của người Pu Péo thể hiện cá tính riêng trong chủng loại, cách sử dụng và hoa văn trang trí.
Phụ nữ Pu Péo thường để tóc dài quấn quanh đầu, cài bằng lược gỗ, hoặc đội khăn vuông phủ lên tóc buộc thắt ra phía sau gáy. Trong ngày cưới, cô dâu còn đội mũ xung quanh có trang trí hoa văn theo bố cục dải băng và đính các bông vải.
Phụ nữ thường mặc hai áo: áo trong là chiếc áo ngắn cài cúc nách phải, màu chàm không trang trí hoa văn, có đường viền điểm xuyết ở cổ áo; áo ngoài là loại xẻ ngực, cổ và nẹp trước liền nhau, không cài cúc, ống tay áo, nẹp áo và gấu áo có trang trí hoa văn nhiều màu.
Váy của phụ nữ là loại váy dài, màu đen, quanh gấu được trang trí hoa văn, hoặc có loại trang trí cả ở giữa thân váy. Phía ngoài váy còn có "yếm vải".
Dân tộc Rơ Măm (Số dân: trên 400 người)
Người Rơ Măm sinh sống rải rác ở các địa bàn thuộc Kon Tum, TP.HCM, Đồng Nai. Họ có phong cách riêng trong tạo dáng và trang trí trang phục, đặc biệt là trang phục nữ. Người Rơ Măm xưa kia có tục "cà răng, căng tai", đến tuổi trưởng thành, trai gái đều cưa cụt 4 hoặc 6 răng cửa của hàm trên. Hiện nay lớp trẻ đã bỏ tục này.
Trong trang phục, áo là loại cộc tay, vai thẳng (không khoét cổ như áo của người Brâu), thân áo thẳng, màu sáng (màu nguyên của sợi bông), hình dáng gần vuông giống áo Brâu. Các đường viền cổ và cửa tay cộc màu đỏ. Gấu áo có dải băng trang trí (cao 1/4 thân áo) bằng màu đỏ, hoa văn hình học.
Váy là loại váy hở màu trắng nguyên của sợi bông. Bốn tà váy ở phần dưới gấu và giữa thân váy có các đường viền hoa văn màu đỏ với mô típ hoa văn hình học và sọc ngang. Họ thường đeo hoa tai vòng to, nặng xệ xuống. Người khá giả đeo hoa tai bằng ngà voi, người nghèo đeo hoa tai bằng gỗ. Vòng tay là loại bằng đồng nhiều xoắn. Lý do được chọn của trang phục Rơ Măm chính là màu sắc và phong cách trang trí áo, váy phụ nữ.
Phụ nữ thường để tóc dài búi sau gáy, thích đeo khuyên, hoa tai, vòng tay và đeo những chuỗi cườm ở cổ..
Người Brâu (Số dân: trên 400 người)
Người Brâu cư trú tại địa bàn Kon Tum và TP.HCM. có trang phục đơn giản nhưng vẫn thể hiện cá tính trong tạo hình và trang trí. Phụ nữ để tóc dài hoặc cắt ngắn, đeo nhiều vòng trang sức (chuỗi hạt cườm ngũ sắc, hoặc vòng đồng, bạc) ở tay chân và cổ.
Trước đây, phụ nữ để mình trần, mặc váy hở, quấn quanh thân. Thân váy được xử lý mỹ thuật ở phần đầu váy và chân váy với lối đáp các miếng vải khác màu có các sọc đen ngang đơn giản chạy ngang.
Mùa lạnh họ mang chiếc áo chui đầu, cộc tay, khoét cổ. Đây là loại áo ngắn thân thẳng, tổng thể áo có hình gần vuông. Thân áo phía mặt trước và sau được xử lý mỹ thuật cũng theo nguyên tắc như váy. Toàn bộ thân trước màu sáng có đường viền đậm trên vai và gấu áo. Lưng áo được xử lý màu sáng có sọc ngang đơn giản nửa phía dưới áo.