Lễ Hội cồng chiêng Tây Nguyên
|
Núi rừng Tây Nguyên thật hùng vĩ, nên thơ. Rảo bước trên những chiếc cầu dây bắc qua các con sông nước chảy cuồn cuộn, dòng nước chảy qua các khe đá, thân cây tạo nên âm thanh huyền diệu như lời ru của suối ngàn. Buôn Đôn là một làng trên cao nguyên nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xưa kia nói tới Buôn Đôn là nói tới cả một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Sêrêpôk – dòng sông chảy ngược - quanh năm nước chảy hiền hòa, con gái, con trai, người già, trẻ nhỏ say sưa với những vũ điệu dân gian trong lễ hội cùng nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng.
Nằm giáp với biên giới Lào, Campuchia, Buôn Đôn mang một sắc thái văn hóa độc đáo và đa dạng của nhiều dân tộc cộng cư như Lào, Khơme, Êđê, M'nông, Gia Rai... Buôn Đôn là gọi theo cách gọi của người Ê đê và Bản Đôn gọi theo người Lào. Buôn Đôn cổ xưa thịnh vượng được truyền tụng với những khu nhà mồ có kiến trúc, điêu khắc đẹp như những bức tranh hoành tráng, với nhiều huyền thoại về người lập làng, với những giai thoại làm say mê du khách, các nhà nghiên cứu... Buôn Đôn đã trở thành một địa danh có tiềm năng lớn trong các hoạt động du lịch.
Bạn đã một lần đến với Tây Nguyên, đến với Buôn Đôn mà không ghé tham quan Khu nhà mồ tù trưởng Khunjunob & R'leo K'Nul ở ĐăkLăk thì quả là thiếu sót lớn. Đến đây bạn sẽ được tìm hiểu thêm về những nét văn hóa và những người hùng săn voi của mảnh đất chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng.
Khunjunob tên thật là N'Thu K'Nul, sinh năm 1828, một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục. Ông là người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây. Ông đã săn được hàng trăm voi, trong đó có một con voi trắng mà ông đã mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861. Vua Thái Lan rất cảm phục và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob (Vua săn voi). Cả đời mình, ông đã sống, làm việc, lãnh đạo dân làng Buôn Đôn, rồi chọn chốn này làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Sau khi ông mất, việc hành lễ, bỏ mả, lập mộ cho ông do người cháu (gọi ông bằng cậu) tên là R’Leo đứng ra lo liệu. Buôn Đôn lúc bấy giờ đã là một nhóm cộng đồng đa sắc tộc mà thành phần chủ yếu là các dân tộc M’nông, Êđê và Lào, nên R’Leo và dân làng đã quyết định xây dựng mộ ông dựa theo kiến trúc của người M’nông kết hợp với kiến trúc của người Lào để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố. Kiến trúc nhà mồ theo văn hóa của người M’nông kết hợp với văn hóa người Lào thể hiện qua ngôi mộ của ông khá rõ qua mô-típ hình khối được trang trí bằng các búp sen trên bốn góc và đỉnh mộ.
R'Leo (cháu của Khunjunob) sinh năm 1877, là người kế tục quyền lãnh đạo buôn làng sau khi tù trưởng Khunjunob qua đời. R’Leo tỏ ra là một nhà lãnh đạo xuất sắc, biết phát huy các thế mạnh vốn có của địa phương, góp phần không nhỏ trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đặc biệt, ông đã góp phần làm cho mối quan hệ của buôn làng với các nhóm cộng đồng dân tộc lân cận và triều đại phong kiến đương thời (Bảo Đại) ngày càng khăng khít. Ông cũng đã tặng Bảo Đại một voi trắng và thành lập cho vị vua này một đội voi săn "Hoàng Gia Bảo Đại". Ông qua đời năm 1947, thọ 70 tuổi. Ba năm sau khi ông qua đời (1950), lễ bỏ mả cho ông được thực hiện và mộ ông được xây dựng theo kiến trúc đền tháp Campuchia.
Kế tiếp truyền thống cha ông, Ama Kông với biệt danh “Dũng sĩ săn voi” đã bắt và thuần hóa được trên 300 con voi, rất nhiều dụng cụ dùng để bắt và thuần hóa voi còn được lưu giữ tại nhà ông. Không chỉ có tài săn voi, mà ông còn có những bí quyết chế biến ra rất nhiều bài thuốc chữa trị bệnh, bổ dưỡng cơ thể, được nhiều người gần xa biết đến.
***
Chiều Buôn Đôn
|
Buôn Đôn về đêm tiết trời ấm áp, tĩnh lặng. Tiếng cồng chiêng bỗng vang lên làm xóa tan màn đêm yên tĩnh giữa núi rừng cao nguyên. Ánh lửa hồng vút lên mỗi lúc cao hơn và rực sáng hơn, các nghệ nhân bắt đầu trình diễn những điệu múa truyền thống. Được trực tiếp thưởng thức những nhịp điệu khỏe khoắn từ các điệu múa cùng với tiết tấu của giọng hát, tiếng cồng chiêng… làm cho ta cảm nhận tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người nơi đây. Bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng.
Cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió, với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết nối những thế hệ. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.
Chia tay Buôn Đôn, lòng đầy lưu luyến và ấn tượng bởi màu xanh ngút ngàn của những vườn cà phê, vườn trà cùng âm thanh vang động của tiếng cồng chiêng ngân vang. Đây đó vẫn đọng lại ký ức muôn hình muôn vẻ cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn, gắn liền với nhiều truyền thuyết văn hóa linh thiêng và huyền bí của mảnh đất này.
Trần Thắng
Theo Quehuongonline.vn