Tất nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng điều này là không cần thiết, là thừa thãi, vì lâu nay, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cho đến cán bộ… nam vẫn thường sử dụng comple (Tây) và nữ vẫn mặc áo dài truyền thống trong các kỳ cuộc quan trọng. Không cần phải nghĩ ra thêm nhiều mẫu trang phục cho thêm cầu kỳ, rắc rối. Nhưng đa số ý kiến vẫn cho rằng sự cần thiết phải có Quốc phục, Lễ phục dân tộc Việt Nam là điều hết sức cần thiết! Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ông đã tham gia Hội đồng xét chọn Quốc phục Việt Nam mấy lần và kết quả là không chọn được mẫu nào để sử dụng, do không rõ về định hướng cho việc sáng tác và sử dụng như thế nào trong cuộc sống. GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhận xét: Thời bây giờ ai muốn mặc kiểu gì cũng được- Tây, Ta, Tàu, Nhật, Hàn… lẫn lộn trong những ngày lễ, trong dịp Kỷ niệm Quốc khánh, ngoại giao… nhiều khi thật xấu hổ.
Gần đây, vấn đề này được đặt ra gấp rút hơn với kỳ vọng việc sớm được tổ chức thi thiết kế mẫu Quốc phục và rộng hơn là Lễ phục. Trên cơ sở đó, để có những lựa chọn, chỉnh sửa cho phù hợp và đề nghị lên lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ công nhận. Nhưng để làm được những việc này, cần phải xây dựng được những tiêu chí thiết kế, lựa chọn. Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho rằng- các nhà thiết kế của ta thừa khả năng sáng tác được những bộ Quốc phục, Lễ phục, nhưng cần phải thống nhất được “đầu bài”.
Theo quan điểm của nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, ngoài âu phục đã rất thịnh hành, cần xây dựng Quốc phục Việt Nam gồm hai bộ Lễ phục và thường phục. Trong đó, thường phục có thể được sử dụng rộng rãi, phổ biến hơn với tính chất thông thường, còn Lễ phục là trang phục có tính chất quy định, bắt buộc trong các sự kiện lớn của đất nước. Ông cũng nhấn mạnh, nên căn cứ từ trang phục truyền thống dân tộc để cải tiến về chất lượng, chứ không cần thay đổi nhiều về hình thức. Trong khi đó, nhiều người tỏ ra đồng thuận với bộ áo dài truyền thống của nữ giới mà lâu nay gần như đã được mặc định là lễ phục của giới nữ Việt Nam. Còn Quốc phục, Lễ phục của nam giới, có những đề xuất nên khai thác từ áo dài khăn xếp hoặc từ bộ comple với những thiết kế hình dáng, chất liệu, màu sắc và chi tiết thể hiện nét riêng của Việt Nam. Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, không nên phân chia chức sắc, địa vị, hoàn cảnh…với Lễ phục; nhưng trong nghi thức ngoại giao, với cương vị Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, vận Lễ phục khi nhận trình quốc thư hoặc tiếp các Đại sứ, các Đoàn ngoại giao, thì nơi cổ áo có thể thêu hình con chim Lạc, hoặc thêu hình trống đồng trước ngực.
Vừa qua, trong Hội thảo “Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên yêu cầu Cục sớm xin ý kiến tổ chức, phát động cuộc thi để việc xây dựng Quốc phục đi vào hiện thực, chứ không nên bàn luận mãi. Mong rằng, nếu cuộc thi được phát động trong năm 2013 này, thì thời gian tới, những tiêu chí hợp lý nhất cho việc sáng tác, lựa chọn Quốc phục, Lễ phục sẽ được triển khai một cách hiệu quả nhất, để Việt Nam ta có Quốc phục, Lễ phục chính thức, như các quốc gia trên thế giới!
(Nguồn: Văn nghệ số 29/2013)
Theo Hội nhà văn Việt Nam