Một buổi tập luyện của đội cồng chiêng buôn Ea Bông,
Buôn Ma Thuột
|
Theo Vụ Văn hóa - Xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên), hiện đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn lưu giữ hàng nghìn bộ cồng chiêng quý, hạn chế được tình trạng "chảy máu" cồng chiêng. Chỉ riêng tại ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, đồng bào còn lưu giữ trên 9.760 bộ cồng chiêng.
Từ khi được Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (ngày 15/11/2005), các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng đề án, nghị quyết chuyên đề ưu tiên nguồn vốn để bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng mở hàng trăm lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại các buôn làng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, thành lập các câu lạc bộ, đội cồng chiêng trẻ.
Tại tỉnh Đắk Lắk, đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, Sê Đăng, Bru-Vân Kiều còn lưu giữ trên 2.300 bộ cồng chiêng, đây là một trong những địa phương mà đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất ở Tây Nguyên. Tỉnh cũng có kế hoạch đầu tư trên 48,8 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng.
Ngoài việc làm tốt công tác truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên, tỉnh đã thành lập 700 đội cồng chiêng ở các buôn làng, trong đó, có 330 đội cồng chiêng trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Đắk Lắk mua cấp cho mỗi nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số một bộ cồng chiêng. Tỉnh Đắk Nông thành lập chín câu lạc bộ cồng chiêng ở các buôn làng.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng duy trì thường xuyên liên hoan văn hóa cồng chiêng từ cơ sở đến cấp tỉnh, tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số liên quan đến văn hóa cồng chiêng như lễ cúng bến nước, lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khỏe, vào nhà mới, lễ cúng lúa mới, lễ cưới thu hút đông đảo các đội chiêng, nghệ nhân tham gia.
Các hoạt động trên đã góp phần tôn vinh văn hóa cồng chiêng, tôn vinh các nghệ nhân diễn xướng cồng chiêng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, giáo dục ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc khai thác, phục hồi các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng, sưu tầm, triển lãm hiện vật, tranh ảnh, sách báo băng đĩa về di sản văn hóa cồng chiêng còn hạn chế.
Công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa cồng chiêng từ Trung ương đến địa phương chưa được đặt ra một cách cụ thể, đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách về công tác này chưa được đào tạo bài bản. Việc dựa vào cộng đồng (nhất là các già làng) tuyên truyền cho đồng bào hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình để cùng nhau giữ gìn, bảo vệ, phát huy trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các tỉnh Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức./.
Quang Huy