Những người nông dân sinh ra giữa ngút ngàn núi đá đang rạp mình trên lưng ngựa. Họ không có yên cương, cũng chẳng dùng bàn đạp chân, thứ duy nhất để điều khiển ngựa chính là dây cương làm từ thừng bện và một chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu để đảm bảo an toàn. Có lẽ không có kỵ sỹ vùng nào, nước nào lại đua ngựa một cách đơn sơ và mộc mạc như thế.
Hôm trước còn thồ hàng, hôm sau lên trường đua...
Quyết định đến sớm hơn 1 ngày trước khi khai mạc Lễ hội chợ tình Khau Vai lại là sự lựa chọn sáng suốt. Dù được chứng kiến nhiều cuộc đua ngựa đỉnh cao nhưng có lẽ sự độc đáo thì nơi đây là số một.
Trong khoảng đất trống nằm lọt thỏm giữa các dãy núi trùng điệp những “kỵ sỹ” đang hồn nhiên tranh tài xung quanh tiếng hò reo không ngớt của hàng nghìn khán giả.
Những người nông dân sinh ra giữa ngút ngàn núi đá đang rạp mình trên lưng ngựa. Họ không có yên cương, cũng chẳng dùng bàn đạp chân, thứ duy nhất để điều khiển ngựa chính là dây cương làm từ thừng bện và một chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu để đảm bảo an toàn.
Muốn giữ thăng bằng, những chàng kỵ sỹ phải ngồi đúng vào điểm lõm gần vai, hai chân kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa… Có lẽ không có kỵ sỹ vùng nào, nước nào lại đua ngựa một cách đơn sơ và mộc mạc như thế.
Khán giả đến với trường đua độc đáo này phần nhiều là những người dân sống trong huyện Mèo Vạc và vùng lân cận. Họ là bạn, là hàng xóm, là người thân của những kỵ sỹ “chân đất” kia. Điều khiến họ hứng thú không phải là giải thưởng nhất, nhì mà chính là những chú ngựa hàng ngày vẫn lầm lũi vượt qua muôn trùng núi đá để thồ hàng, chở nông sản đang tung vó phi nước đại theo sự điều khiển của chủ. Chúng chưa một ngày được luyện tập…
Những bất ngờ gay cấn liên tiếp được tạo ra trong suốt thời gian thi đấu của 13 nài ngựa. Chính vì chưa được làm quen với đường đua nên các chú ngựa chỉ biết cắm đầu mà phi. Có nài ngựa đang “bon bon” dẫn đầu tự dưng đứng khựng lại hoặc chạy lung tung ra đường khác do… giật mình vì khán giả vỗ tay to quá. Do vậy, kết quả của cuộc thi còn chứa đựng nhiều yếu tố may mắn.
Ở cái nơi ngửa mặt lên là núi, cúi mặt xuống là vực sâu, thời tiết quanh năm khắc nghiệt đã khiến con người ta cằn cỗi, già nua trước tuổi. Thế nhưng, những chàng trai dân tộc thiểu số vùng cao nơi biên giới địa đầu Tổ quốc đã chứng minh cho các khán giả miền xuôi thấy rằng tâm hồn họ, ý chí họ luôn mạnh mẽ. Dù cuộc sống khó khăn vất vả nhưng khi đã vào cuộc chơi họ là họ khẳng định được sức mạnh, lòng quả cảm, tinh thần phóng khoáng của mình một cách thật hồn nhiên, vô tư…
Bỏ xa các đối thủ phía sau, chú bạch mã duy nhất của giải đấu nhanh chóng hoàn thành vòng đua thứ tư và “cán đích” với thời gian kỷ lục. Nài ngựa số 10 sẽ còn được Ban tổ chức và người dân Mèo Vạc (Hà Giang) nhắc đến nhiều lần không chỉ vì danh hiệu vô địch trong giải đấu đầu tiên của quê hương mà còn được ca ngợi bởi khả năng “ khiển mã” điêu luyện trên đường đua…
Nhảy xuống khỏi lưng ngựa, chàng thanh niên dân tộc Mông vẫn chưa tin mình đã chiến thắng. Dưới hàng nghìn ánh mắt cổ vũ đang hướng về mình, anh Hy Nơ Hờ ( xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc) thật thà chia sẻ: "Tôi biết cưỡi ngựa từ năm 12 tuổi, gần 20 năm ngày nào cũng ngồi trên lưng ngựa, nhưng đua ngựa thì đây là lần đầu tiên. Thấy Ban tổ chức mời thì tôi tham gia thôi. Chiều qua, tôi vẫn cho ngựa thồ ngô xuống chợ bán mà".
Lời nói khiêm tốn pha chút rụt rè của “ vị quán quân” khác hẳn với hình ảnh của anh cách đó vài phút khi còn đang ngồi trên lưng ngựa. Với ánh mắt sáng, đôi tay nhanh nhẹn và giọng thúc ngựa sang sảng đầy dũng khí, anh đã thể hiện cho khán giả thấy hình ảnh của một kỵ sỹ chuyên nghiệp trong tương lai.
Bảo tồn đàn ngựa vùng cao…
Từ xưa đến nay, người Mông, người Tày, người Nùng, người Dao đã sống theo bản làng trên các sườn núi. Họ chủ yếu sống bằng nghề làm nương, làm ruộng và việc đi lại của họ cũng nhờ vào ngựa rất nhiều nên ngựa là con vật gần gũi, có vai trò quan trọng với cuộc sống của họ , được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ.
Ông Trần Kim Ngọc, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc, Trưởng ban tổ chức các ngày lễ lớn của huyện cho biết đối với người dân vùng cao thì con ngựa là "đầu cơ nghiệp," nó giúp cho người dân rất nhiều việc nặng nhọc mà con người không thể cáng đáng được.
Việc tổ chức đua ngựa không chỉ để rèn luyện sức khỏe và phát huy bản sắc văn hóa mà còn tạo động lực duy trì và nhân rộng đàn gia súc, đặc biệt là ngựa thồ. Hiện nay toàn huyện đã có gần 300 con ngựa. Đây là lần đầu tiên giải đua ngựa được tổ chức và sẽ diễn ra thường niên trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ văn hóa, du lịch chợ tình Khau Vai.
Theo kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc vùng cao, việc chọn được ngựa tốt không hề dễ. Ngựa khỏe và chạy nhanh phải có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn, chân thẳng và thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều và mượt như tơ lụa. Một chú ngựa chạy vài vòng quanh chân núi về mà không bị thở dốc được xem là có sức khỏe tốt.
Ngựa khỏe nhất là trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi. Người có kinh nghiệm khi chọn ngựa phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, con biết nghe lời và có con bướng bỉnh…
Thức ăn thường ngày của ngựa là cỏ, cám, nhưng muốn ngựa khỏe và chạy nhanh người ta thường cho ăn thêm ngô, thóc, đậu tương nhưng cần cho ăn điều độ để ngựa không được béo quá, dễ mất sức.
Trò chơi có tính dân gian ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ này từ nay sẽ trở thành một món ăn tinh thần bổ sung cho nét văn hóa độc đáo đầy tính nhân văn của người dân vùng cao cực bắc của Tổ quốc.
Vẫn là các chàng trai "chân đất" thật thà, vẫn những chú ngựa do chính họ nuôi dưỡng hàng ngày thồ lúa, thồ ngô… nhưng khi vào cuộc đua đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn thật hấp dẫn, ngoạn mục, để lại trong lòng mỗi du khách ấn tượng sâu sắc khi đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn./.
(Vietnam+)