(Dân Việt) - Ai bị ném nhiều xôi vào người thì năm đó công việc hanh thông, gặp nhiều may mắn, tình cảm dạt dào.
Lễ hội Gạ ma thú được coi là sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm của người Hà Nhì ở vùng đất thượng nguồn sông Đà - Mù Cả (xã Toán Ma Tơ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Đây là nơi sinh sống của hơn 400 hộ dân người Hà Nhì Hoa (phân biệt với Hà Nhì Đen).
|
Một góc bản Mù Cả và cây nêu báo hiệu bản đang có lễ hội Gạ ma thú
|
Ông Lù Trọng Đại, Trưởng Phòng Văn hóa thể thao và du lịch huyện Mường Tè, cho biết: "Mù Cả là tên đọc trại của “Mò cá”, tên bản khởi nguồn của người Hà Nhì. Mù Cả là một trong hai nơi mà cộng đồng người Hà Nhì ở nước ta còn giữ nguyên bản lễ cúng Gạ ma thú".
Người Hà Nhì quan niệm, núi rừng, con thú, cây rừng cũng có cuộc sống như con người. Mỗi thứ đều có một vị thần làm chủ nhưng cai quản tất cả là thần rừng A Pố Xả Kha, con trai thứ 5 của Ngọc Hoàng. Thần rừng là phúc thần, nhưng cũng sẵn sàng trừng trị những ai phá hoại cuộc sống trong rừng. Vì vậy, vào dịp tháng hai âm lịch hằng năm, người Hà Nhì lại cúng Gạ ma thú, cầu mong một năm mới yên lành, no ấm, mùa màng tốt tươi, vật nuôi dồi dào.
|
Xôi nếp được vê thành viên nhỏ để ném vào nhau cầu may mắn.
|
Lễ cúng kéo dài trong 3 ngày với rất nhiều nghi lễ diễn ra đồng thời tại nhiều địa điểm như trong rừng, ngoài sông suối, tại bản. Không phải ai cũng được đến tất cả các nơi diễn ra lễ cúng. Riêng phụ nữ không được tham gia lễ cúng rừng. Trong 3 ngày lễ Gạ ma thú, người dân không được tự ý ra vào bản. Muốn đi ra hoặc vào, phải được già làng làm “lý” cho bằng những sợi dây chỉ màu buộc tay, đội mũ và đeo một quả trứng hồng trong chiếc rọ nhỏ xinh.
Tục lệ truyền thống của người Hà Nhì trong lễ hội nơi đây là ném xôi vào người khác. Xôi là món chính trong bữa ăn hằng ngày của họ nên rất được coi trọng.
Ném xôi vào người khác như một lời chúc may mắn, no đủ. Ai được ném nhiều xôi vào người là nhận nhiều lời chúc mừng nhất. Ném xôi không chỉ tạo nên không khí vui vẻ mà là mong muốn mùa sau thóc gạo dư thừa, luôn luôn no đủ. Nó tương tự như lễ té nước của người Lào vậy, người bị té nước nhiều luôn được coi là may mắn nhất”.
Theo Dòng Đời