(Petrotimes) - Một thể hiện, hay nói cách khác là minh chứng của yếu tố tinh thần trong việc xác lập quyền chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay chính là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm vào tháng 2, 3 âm lịch, trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
1. Đặt trong bối cảnh hiện nay, dựa trên luật pháp quốc tế thì sự chiếm hữu lãnh thổ phải bao gồm cả hai yếu tố vật chất lẫn tinh thần. Yếu tố vật chất được thể hiện qua lối hành xử chủ quyền trên lãnh thổ đó, hay nói cách khác là quốc gia chiếm hữu phải có sự hiện diện thường trực trên lãnh thổ được chiếm hữu và phải có những hành động hoặc hành vi có tính chất quốc gia đối với lãnh thổ ấy. Còn yếu tố tinh thần đồng nghĩa với việc quốc gia đó phải có ý định thực sự chiếm hữu mảnh đất đó.
Chỉ khi nào hội tụ đủ cả hai yếu tố vật chất và tinh thần thì sự chiếm hữu mới có hiệu lực.
Lý luận dựa trên luật pháp quốc tế này cùng những chứng cứ lịch sử và pháp lý về việc thực hiện chủ quyền một cách liên tục và hòa bình, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một thể hiện, hay nói cách khác là minh chứng của yếu tố tinh thần trong việc xác lập quyền chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay chính là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm vào tháng 2, 3 âm lịch, trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Thông qua lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để người dân hiểu rõ hơn cội nguồn về Hoàng Sa của nước Việt Nam
2.
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng Hai (Ba) khao lề thế lính Hoàng Sa…”
Câu ca não nùng lưu truyền từ bao đời nay, thấm vào không biết bao nhiêu thế hệ người Lý Sơn, Quảng Ngãi không chỉ là lời tóm tắt về số phận thê lương của người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở xa xưa mà còn nhắc nhở chúng ta về với cội nguồn, tưởng vọng và tri ân những binh phu Hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận quốc gia trên Biển Đông mà không trở về.
Không biết lễ thức này có tự bao giờ, nhưng chắc hẳn nó chỉ có khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên Biển Đông mà chúa Nguyễn và sau này là nhà Nguyễn giao phó. Tuy nhiên, đội Hoàng Sa được thành lập chính thức năm nào, lịch sử cũng không ghi rõ. Chỉ biết rằng, các sử sách Trung Quốc và Việt Nam đều chép: đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XVII). Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa bị ảnh hưởng, đến năm Gia Long thứ 2 (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Năm 1815, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở nơi đây. Đến năm 1816 vua bắt đầu cử đội thủy quân cùng với đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ này.
Bộ tư liệu chính thức đầu tiên của Nhà nước đề cập đến vấn đề này là bộ “Đại Nam thực lục phần Tiền Biên”, quyển 8 và quyển 10, được biên soạn vào năm 1821 và khắc in năm 1844. Trong đó, “Đại Nam thực lục Tiền biên” đã xác định khá rõ tính chất của quần đảo Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải trên vùng biển đảo nước ta thế kỷ XVIII: “…Tháng 7, mùa Thu, năm Giáp Tuất (1754), dân đội Hoàng Sa, gặp gió to, dạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh (Trung Quốc). Quan Tổng đốc nhà Thanh chu cấp cho đầy đủ rồi sai đưa về.
Chúa sai viết thư gửi qua (ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 130 cồn cát, cách xa hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa Châu, trên có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba. Hồi quốc sơ (đầu triều Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm cứ đến tháng 3 cưỡi thuyền ra đảo, 3 ngày đêm thì tới nơi, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân thôn Tứ Chính, Bình Cố hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra xứ Bắc Hải, Côn Lôn thu lượm hóa vật, cũng do đội Hoàng Sa cai quản luôn”.
Theo thời gian, nhận thức của triều Nguyễn về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng có sự phát triển không ngừng và song song với đó là sự thay đổi trong cách hành xử theo hướng tích cực nhằm khẳng định, củng cố chủ quyền ấy ngày một vững chắc.
Từ chỗ, suốt một thời gian dài, Hoàng Sa và Trường Sa được gọi bằng những tên chung như: Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, đến triều Nguyễn, mà cụ thể là trong bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (năm 1838) đã ghi rõ hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa” cho hai quần đảo ấy. Các tên “quần đảo Hoàng Sa” và “quần đảo Trường Sa” được dùng từ đó cho đến nay như một sự xác định cụ thể cho mỗi quần đảo.
Bên cạnh đó, để thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này, triều Nguyễn ngay từ giai đoạn khai quốc đã không chỉ cho người đi tìm kiếm sản vật mà còn làm nhiệm vụ xem xét, đo đạc, khảo sát địa hình tài nguyên và cắm cờ xác nhận quyền chiếm hữu vùng biển đảo nơi đây. Ban đầu nhiệm vụ đó được giao phó cho đội Hoàng Sa, về sau có thêm lực lượng thủy quân và dân binh 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Về điều này, “Đại Nam thực lục chính biên” đã viết rằng: “Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) vua Gia Long sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình… ”.
Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sĩ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracel (Hoàng Sa).
Có thể dẫn ra, trong bài “Thế giới, lịch sử và sự mô tả các dân tộc, tôn giáo của họ”, Dubois de Jancigny đã viết: “…Từ hơn 34 năm, Quần đảo Paracel, mang tên Cát Vàng hay Hoàng Sa, là một dải đảo quanh co của nhiều đảo chìm và nổi, quả là đáng sợ cho nhà hàng hải, đã do những người Nam Kỳ chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy tự mình phải đến đấy chiếm lấy và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Nam Kỳ”.
Như vậy, nếu cứ tạm xác định đội Hoàng Sa ra đời ở khoảng thời gian trên, theo lệ mỗi năm lấy 70 định suất, hoạt động liên tục 3-4 thế kỷ, thì cũng đã có hàng vạn người đã vượt sóng to, gió lớn, bất chấp hiểm nguy, cái chết cận kề, để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo theo lệnh của các chúa Nguyễn và sau này là vương triều Nguyễn.
3.
“Hoàng Sa đi có về không
Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi…”
Có lẽ chẳng ở nơi đâu trên thế gian này có một lễ hội vừa khao quân, vừa tế sống người sắp ra đi lại vừa tế lễ và tưởng nhớ người đã khuất vì thực hiện nhiệm vụ quốc gia giao phó như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn.
“Khao lề” chỉ là lệ khao định kỳ hằng năm (như hình thức cúng việc lề mà một số nơi trong nước còn gìn giữ), nhưng “thế lính” lại là nghi lễ tế sống, mang màu sắc phù phép của đạo giáo, dùng hình nhân đã “yểm” để thế mạng cho những người ra đi, bởi ai cũng biết cơ may trở về của người đăng lính Hoàng Sa rất mong manh.
Lễ thả thuyền trên biển trong ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Trong lễ khao lề thế lính truyền thống, trên những con thuyền lễ làm bằng tre, giấy ngũ sắc, có đủ buồm, cờ như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa, người ta đặt những hình nộm bằng bột gạo tượng trưng cho cai đội và binh phu. Chủ bái khi hành lễ là tộc trưởng, bồi tế là trưởng các chi. Những thanh niên trai tráng sắp lên đường ra Hoàng Sa sẽ đứng hầu thần suốt thời gian tế lễ.
Khởi đầu là nghi thức khấn mời anh linh của những cai đội và binh phu Hoàng Sa về minh chứng và phù hộ cho con cháu. Giữ vai trò điều hành lễ tế, thầy pháp trong trang phục mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài sẽ đọc lời phù chú lầm rầm trên nền nhạc bát âm hoặc ngũ âm xen lẫn tiếng mõ thị uy dềnh dàng suốt cả 2 ngày.
Những gia đình có người thân làm nhiệm vụ đi lính Hoàng Sa tin rằng thầy pháp có mối liên hệ với thần linh, có thể phù phép gửi linh hồn người sống vào hình nhân, để hình nhân gánh chịu mọi tai ương cho người sống trên dặm dài sóng nước. Kết thúc buổi lễ là nghi thức tiễn đưa. Ði đầu là những thanh niên mang cờ, phướn. Tiếp theo là thành viên các tộc họ khiêng thuyền lễ ra phía bờ biển để thả những chiếc thuyền có hình nhân đã được làm phép thế mạng xuống biển.
Khi buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết” và “hùng binh” ấy (như cách gọi của vua Tự Đức) có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa, dù sẽ trải qua muôn ngàn bất trắc trên biển. Do vậy, tuy còn mang nặng niềm tin vào thần thánh siêu nhiên, song Lễ khao lề thế lính là một truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện nguyện cầu, mong cho người lính Hoàng Sa được bình yên trong suốt 6 tháng trời lênh đênh trên biển với bao hiểm nguy chờ đón.
Bởi, như những gì mà sử sách và dân gian còn lưu truyền lại, những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa phải ròng rã 6 tháng trời lênh đênh sóng nước cùng những chiếc thuyền câu (điếu thuyền, tiểu điếu thuyền) để có thể di chuyển nhanh, dễ xoay trở trên những vùng biển nhiều rạn san hô. Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi binh phu can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu. Nếu không may ngã xuống, những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây.
Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển. Những người còn sống gửi lên trời cao lời cầu nguyện mong manh rằng, xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên, họ, quê quán của con người đã vị quốc vong thân. Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển rồi may mắn được đưa về được nơi bản quán. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm, như trường hợp của đội hải binh do Cai đội Phạm Văn Ảnh chỉ huy.
Ngày nay, hình ảnh bạt ngàn những nấm mộ không xác, chỉ có những hình nhân đất sét được “chiêu hồn nạp táng” của những hùng binh “bỏ lưới cầm gươm”, khiêm nhường ẩn mình trong cát trắng, trơ gan cùng tuế nguyệt, dãi dầu cùng nắng nôi, mưa gió, của những tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… trên đảo Lý Sơn đã trở thành minh chứng đầy bi hùng của quá khứ xa xưa, chứng nhân cho lớp lớp tiền nhân bao đời quyết tử cho đất nước trường tồn.
Mới đây, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tại huyện đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xét duyệt và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ rước và đón nhận Bằng di tích quốc gia Đình làng An Vĩnh và Bằng công nhận Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ diễn ra vào sáng 28/4, tại huyện đảo Lý Sơn.
Cùng với đó, từ ngày 25 đến 29/4, tại TP Quảng Ngãi và tại Lý Sơn diễn ra Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi - 2013 với nhiều hoạt động như: Lễ khai kinh, lễ cầu siêu, lễ hoa đăng, lễ nhật yết, lễ rước Bằng Di tích Quốc gia Đình làng An Vĩnh, lễ chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ đua thuyền tứ linh…
|
Thanh Phương
|