Chợ phiên ngày ấy…
Bên chén trà thơm nồng, ngùn ngụt khói và cảnh tấp nập nơi chợ phiên Thanh Nhàn (Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Nga, 70 tuổi, chủ quán nước, người gắn cả cuộc đời mình với chợ phiên kể cho tôi về cuộc đời ông với chợ phiên vùng núi Sóc này.
Ông kể, không biết chợ có từ bao giờ, chỉ biết thủa còn để chỏm ông đã lẽo đẽo theo mẹ đến chợ mỗi khi tới phiên. Chợ họp trên bãi đất trống, trước gọi khu đất này là gò Nhan, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng thôn Nga. Khi đó, cứ vào các ngày 3, 5, 8,10 chợ lại họp. Từ tờ mờ sáng, khi tiếng gà chưa xua hết bóng đêm người dân quang vùng lại háo hức tay bê, tay nải, gồng gánh những thứ sản vật nông sản tự có đến chợ. Tiếng cười, tiếng nói của người nông dân rôm rả trên khắp các con đường đến chợ, người bán, kẻ mua đều đậm chất quê, bởi họ là những nông dân chất phác. Người bán vài con gà, đàn chó mới tập ăn, chiếc chổi lúa được làm từ cọng rơm lúa nếp, người mua cuộn chỉ khâu áo, dũi lại chiếc liềm đã cùn… Ông bảo, đơn giản vậy mà ám ảnh cả cuộc đời.
Nhấp ngụm chè, ông lại trầm ngâm, dường như ký ức chợ quê thời xưa tràn về, trào dâng trong ông. Ông bảo, chợ ngày xưa tiêu điều lắm, lèo tèo có vài quán bán hàng xén lợp mái rạ, mỗi khi cơn gió thổi qua bụi của rạ cùng bụi đất bay tứ tung, cay xè mắt. Hàng hóa chủ yếu là những sản vật nơi đồng ruộng, con tôm, mớ tép, rau quả trồng được hay bán vài chiếc bánh đúc, kẹo lạc, kẹo dồi mua làm quà cho trẻ nhỏ. Mỗi khi lúa trổ đòng, mùi hương của lúa thì con gái thơm như gắn quyện với người nông dân ngay khi đến chợ như không muốn tách rời. Cũng do khi đó dân trong vùng thưa thớt và hàng hóa đều tự cung tự cấp nên các cụ ngày xưa tự họp chợ theo từng phiên theo chẵn lẻ song hành.
Ông kể tiếp, xưa mỗi khi chợ họp không được mẹ cho đi, ở nhà cứ đi ra, đi vào trông ngóng mẹ về cho quà, đơn giản chỉ miếng bánh đúc, khúc kẹo dồi, nhưng thích nhất được đến chợ vừa ngắm, vừa xem, hàng hóa, đặc biệt là dãy hàng xén. Những cô bán hàng xén răng đen, cười nói rôm rả, người bán người mua gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi thăm cấy giống lúa gì, trồng khoai nào nhiều củ, cứ râm ran, râm ran mãi. Chợ nằm giữa cánh đồng để khi tan chợ sớm, người đi chợ lại ùa xuống đồng làm ruộng. Các cụ ngày xưa tính cả đấy”, Ông Nga cười nói.
… Gìn giữ nét văn hóa chợ quê
Ông Nga cho biết, chợ phiên bây giờ không khác chợ ngày xưa là mấy, chợ vẫn họp theo từng phiên như trước. Mỗi khi đến phiên chợ, mọi người đều háo hức để được đến đây gặp gỡ, bán, mua hàng, bởi muốn lên chợ huyện phải mất gần chục cây số, vì thế chợ vẫn đông đúc.
Quán nước chè của ông vẫn người vào kẻ ra chẳng kém. Khách vào quán vừa uống nước vừa trao đổi giá cả các mặt hàng ở chợ, hay các sự kiện vừa diễn ra trong làng hay hỏi thăm sức khỏe của nhau. Chợ họp từ sáng sớm, đến 9 – 10 giờ vắng dần. Hàng hóa chủ yếu vẫn là hàng nông sản, nhưng đông, tấp nập hơn trước, người bán vài quả ổi, dăm quả khế, người đến chợ mua chiếc nón đội khi làm đồng, chỗ nhận dũa liềm, mài dao kéo tấp nập. Bà Nguyễn Thị Tươi (thôn Thanh Nhàn, Thanh Xuân, Sóc Sơn) có cây khế ngọt, vừa chín tới hái mang bán lấy tiền mua sắm vài chiếc liềm, vài cái chổi cọ, nhưng là cái cớ để đến chợ gặp mấy bạn già trò chuyện cho khuây khỏa tuổi già.
Người dân quanh vùng, ven chợ từ thôn Nga, thôn Thanh Nhàn cũng tranh thủ đến bán vài mớ rau trồng được, mớ cua hay tôm tép mới bắt. Bà Nguyễn Thị Nhài (thôn Nga, Sóc Sơn) thổ lộ, tôi làm ruộng không có nghề gì, tranh thủ đồng áng đang rảnh rỗi đi bắt mớ cua bán vào buổi chợ, để thêm đồng ra đồng vào cho gia đình.
Các quán hàng bây giờ được lợp bằng những tấm pro xi măng thay thế cho lợp rơm hay lá cọ trước kia. Người bán hàng cũng đông đúc hơn, có người từ Phúc Yên (Vĩnh Phúc) xuống, có người từ Phù Lỗ hay Đông Anh (Hà Nội) lên.
Chị Trần Thị Yên (Đông Anh, Hà Nội), hồ hởi, tôi làm công nhân về nghỉ chế độ một lần, không có việc làm nên mở quầy bán hàng xén, bán ở chợ quê nên hàng hóa đơn giản, rẻ tiền nhưng đắt hàng lắm. Người có thâm niên nhiều nhất ở chợ phiên quê này chỉ duy nhất cụ Nga bán nước thôi.
Chợ phiên Thanh Nhàn ngày nay vẫn thắm đượm tình quê, mộc mạc, giản dị như những người nông dân chất phác, thật thà nên vẫn giữ được cái hồn quê xưa và lưu giữ nét văn hóa chợ quê khi xưa, mặc dù chợ chỉ cách Hà Nội chưa đầy 30 cây số.
Ông Chu Văn Phương, Trưởng ban quản trị, Hợp tác xã Thanh Xuân, cho hay, chợ phiên Thanh Nhàn có từ thời các cụ ngày xưa, trên diện tích hơn 1 héc ta, hàng hóa chủ yếu là hàng nông sản tự cung tự cấp, người bán, người mua đều giản dị, chợ chỉ họp trong buổi sáng, được ấn định theo từng ngày cụ thể. Mới đây, để đảm bảo trật tự cho người đến chợ, xã thành lập Hợp tác xã Thanh Xuân để tiện cho việc quản lý chợ được tốt hơn.
(Theo LangVietOnline)