Mới rồi, trong bản tin tường thuật của Đài truyền hình phát lên sóng hình ảnh trong hội trường đại hội đảng toàn quốc. Nhìn thoáng qua khuôn hình cận tả một vị nữ đại biểu trẻ rực rỡ trong áo khăn đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao phía Bắc, con gái út của tôi nắc nỏm khen:
- Cô diễn viên mặc đẹp quá bố nhỉ?
Thì ra con gái út đã nhầm vị nữ đại biểu đại hội Đảng với một diễn viên qua bộ sắc phục. Mà không nhầm sao được, bởi bây giờ những bộ áo mớ ba , mớ bảy của liền chị, cùng áo dài khăn đóng đĩnh đàng của liền anh, và nhiều nữa những áo khăn đặc trưng của từng vùng quê Việt Nam ...giờ như chỉ còn thấy trong viện bảo tàng hoặc thi thoảng xuất hiện trên sàn diễn ?!
Bảo là đẹp, mà đẹp thật! Cứ gọi là rực rỡ mỗi khi xuất hiện trên sân khấu. Hoặc như gần đây người ta còn mạnh dạn "xuất khẩu" ra thi thố trên sàn diễn thời trang quốc tế . Và ở những cuộc thi danh giá vậy, người ta khen lắm, mê lắm những váy áo Việt Nam. Mê đến như mấy cô hoa hậu các nước, sang Việt Nam ngày trước, thì ngày sau cũng đua nhau mua, đua nhau mặc và ...hãnh diện, trong khi ở xứ mình , những trai thanh, gái lịch , trong từ các hội làng đến lễ chùa , lễ đình ..cứ váy túm, quần soọc, ghin , rốp...xé te tua ...mới là ??
Nói không đẹp? Không đẹp sao ngưòi ta cứ trưng lên sàn diễn cho bàn dân thiên hạ thưởng và ...thức suốt đêm với trăn với trở rằng :
Ai làm chiếc nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh ...
Thì ra chuyện áo khăn xưa rày không chỉ là chuyện ...áo khăn. Chẳng thế đến giờ ngưòi ta vẫn đồng cảm với một Nguyễn Bính khi ông ray rứt: Nào đâu chiếc áo tứ thân...rồi thảng thốt...Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa...
Vâng , quê mùa chứ không quê kệch! Cha ông ta xưa ăn mặc tuỳ việc, tuỳ nơi, tuỳ địa vị xã hội, chỉn chu, nề nếp. Nói nôm na là mặc đúng cách, đúng điệu. Cũng chẳng riêng ta, nhiều vị nguyên thủ các quốc gia trên thế giới cũng như dân họ luôn xuất hiện trong các lễ hội , và cả khi tiếp khách với bộ quốc phục đằm đằm bản sắc của họ đấy thôi.
Trở lại với ta, không thể không có chút chạnh lòng. Một dân tộc từng tự hào với bốn nghìn năm văn hiến . Vậy nhưng nhiều khi ta cứ như không còn là ta ngay từ trong cách ăn, trong cách mặc. Đâu xa , ngay trong quốc giỗ vua Hùng..mà các con Lạc, cháu Hồng đứng vai chủ tế vẫn áo tây, mũ phớt ..mỗi ngưòi mỗi kiểu trông cứ ...thế nào ấy giữa các hào lão áo the, khăn đóng , cẩn trọng, cho dù chỉ với vai phụ lễ. Lại nữa, các cụ tuy không "hàm" không "cấp hiệu" .. nhưng để tâm quan sát, qua cách ăn vận của mỗi cụ, vẫn dễ dàng nhận ra vị thế, trạch bậc của mỗi người. Thật lòng, nhìn các cụ ta rạng sáng trong trang phục truyền thống cẩn trọng dâng hương, tiếp trà trước hương án tổ tiên thật ấn tượng và cảm động đến rưng rưng.
Bao giờ có quốc phục Việt Nam? Câu hỏi và là nỗi niềm đau đáu trong tâm của mỗi con dân đất Việt. Chuyện lớn hơn ta nghĩ, và mới đây, khi Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch mới vừa công bố mời gọi góp ý cho Quốc Phục, Quốc Hoa và Quốc Tửu Việt Nam... Chúng ta có quyền tin một ngày nào đó không xa...Còn bây giờ thay cho đoạn kết bài viết, xin được ngàn lần cám ơn nữ đại biểu nọ đã làm lung linh một nét chân quê, gợi bút ngày xuân.
Ai làm chiếc nón quai thao
Để cho tôi thấy cô nào cũng xinh
Thí sinh đến từ cộng hoà Séc "diện" áo dài nón lá Việt Nam
Các nữ võ sinh festival đất võ Tây Sơn nền nã với áo dài khăn đóng
chuẩn bị nhận danh hiệu Người đẹp đất võ
Ngô Phương Lan và Sam ..đăng quang Hoa hậu thế giới ngưòi Việt
với áo dài khăn đóng Việt
Nguyễn Thu Mây từ Đức trở về Việt Nam
đang thể hiện mình với áo dài truyền thống tại
cuộc thi Hoa hậu thế giới ngưòi Việt
Thiếu nữ pha trà
Nét duyên riêng của thiếu nữ vùng cao
Trong trang phục dân tộc Mèo
Việt Hà -Giải nhì Sao mai điểm hẹn 2009-
trong trang phục dân tộc vùng cao phía Bắc
Thiếu nữ Chăm trong trang phục Chăm
Lê Bá Dương