(Dân Việt) - Giữa núi rừng điệp trùng của xứ Mường Tây Bắc, chúng tôi bị mê hoặc bởi những nốt nhạc phiêu bồng của bản hòa tấu nhạc bát âm. Ngạc nhiên hơn, bản hòa tấu đó lại do những người nông dân vốn quen đi nương, đi rẫy làm nên.
Ban nhạc của núi rừng
Theo giới thiệu của Chủ tịch xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) Bùi Văn Dềnh, chúng tôi tìm đến ban nhạc bát âm đã từng 3 lần vô địch lễ hội khai hạ Mường Bi ở xóm Đon (Mỹ Hòa). Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà sàn, ông Đinh Công Tính - Chủ nhiệm Ban nhạc bát âm xã Mỹ Hòa chia sẻ: Ban nhạc bát âm của ông được hình thành từ nhiều đời nay, thành viên của ban nhạc chủ yếu là người trong gia đình.
|
Ban nhạc bát âm của gia đình ông Đinh Công Tính.
|
Hiện tại, ban nhạc gồm có 8 người, người trẻ nhất là em Đinh Công Thiệp (18 tuổi) và nhiều tuổi nhất là cụ Đinh Công Nhỏ đã bước sang tuổi 80. Cứ đến trước lễ hội khai hạ Mường Bi (mùng 7 và 8 tháng Giêng), ngày nào mọi người cũng đến để luyện tập chuẩn bị đua tài với các ban nhạc khác trong huyện. Ngoài ra, những gia đình trong vùng có việc, nhất là việc hiếu, ban nhạc thường được mời đến dùng tiếng nhạc để đưa tiễn người quá cố...
Hiện gia đình ông Tính đang lưu giữ rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống dân tộc. Chúng đều được làm thủ công và bằng chất liệu có sẵn của địa phương. Chiếc sáo ôi là loại nhạc cụ hơi, có âm sắc sáng nhưng không gắt, như tiếng gió vi vu, rất hợp với những giai điệu buồn man mác. Chiếc đàn bầu của người Mường là một loại nhạc cụ hết sức độc đáo, khi gẩy lên nghe thật thiết tha, say đắm lòng người.
Một loại nhạc cụ nữa không thể không nhắc đến trong phường bát âm đó là cò ke, một loại nhạc cụ gần giống đàn nhị của người Việt. Cò ke là nhạc cụ dành cho nam giới, nó không có các bản dành riêng để độc tấu mà chỉ là chơi lại các bài dân ca, hoặc tòng theo giai điệu của các bài dân ca khi đệm cho hát.
Trăn trở lưu truyền
Nhạc bát âm của người Mường độc đáo và thu hút là vậy, nhưng khi được hỏi về việc lưu giữ và trao truyền môn nghệ thuật này, những người lớn tuổi như cụ Nhỏ, ông Tính đều không khỏi trăn trở. Ông Tính tâm sự: “Mỗi lúc ban nhạc chơi thường có rất đông người xem, cũng rất nhiều người muốn học, nhưng ngặt một nỗi cuộc sống mưu sinh bận rộn mà việc học nhạc cũng đòi hỏi sự công phu và kiên nhẫn nên số người theo học thực sự rất ít. Ngay cả số lượng thành viên trong ban nhạc giờ đây cũng không được đẩy đủ. Mọi người chỉ tập trung đông đủ và chơi được trong những ngày tết và lễ khai Mường Bi.
Cụ Nhỏ mong muốn có thêm nhiều cháu bé cũng như những người tâm huyết với âm nhạc truyền thống tìm đến với ban nhạc. Cụ sẵn lòng chia sẻ và truyền dạy lại cách chơi cho bất kỳ ai muốn học.
Cụ Nhỏ tâm sự: Nhạc bát âm đối với dòng họ của cụ là một thứ “bảo vật” nên dù thế nào cũng phải quyết giữ cho bằng được. Trước hết, những người lớn tuổi sẽ dạy cho con em trong dòng họ mình tập những loại nhạc cụ ngay từ khi còn rất nhỏ. Em Đinh Công Thiệp chia sẻ: “Em học chơi những nhạc cụ này ngay từ khi mới học cấp 1, vì thế giờ đây em đã chơi khá thuần thục và rất tự tin mỗi khi tham gia hòa tấu cùng ban nhạc”.
Hiếu Anh