Tết Nguyên đán vốn được coi là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói riêng và nhiều dân tộc châu Á nói chung. Xuân về, khi người lớn tất bật lo cho cái Tết thì sung sướng nhất vẫn là lũ trẻ. Dù là quê nghèo hay nơi phố thị, Tết vẫn là điều gì đó để chúng háo hức mong chờ.
Ngày Tết trẻ con được nghỉ học, được đi chợ, được mặc áo mới và nhất là chúng được mừng tuổi bằng tiền trong phong bao đỏ chót.
Anh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
|
Không biết từ bao giờ tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác và đến giờ vẫn được gìn giữ. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.
Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.
Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...
Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn… Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
Những đứa trẻ "ngây thơ và sung sướng" nhận những phong bao mừng tuổi, với những đồng tiền đầu tiên chúng có quyền "chủ sở hữu" trong đời.
Minh Thúy (Vietnam+)