ũng tại lễ khai mạc trưng bày “Đèn cổ Việt Nam”, Bảo tàng đã tiếp nhận sưu tập bản đồ và một số tài liệu liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đèn cổ Việt Nam
50 chiếc đèn cổ được trưng bày theo từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử khác nhau.
Đèn thuộc văn hóa thời sơ sử là sưu tập đèn sớm nhất Việt Nam, với niên đại từ khoảng thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 4 SCN, thuộc các nền văn hóa khác nhau với những đặc trưng riêng. Cụ thể: Đèn trong văn hóa Đông Sơn chủ yếu bằng chất liệu đồng, như một biểu tượng về cây vũ trụ với rất nhiều hình tượng người, tượng các con vật (voi, hươu, bò...). Đặc biệt, trong các cây đèn cổ thời Đông Sơn, có cây đèn hình người quỳ là một trong 30 cổ vật vừa được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia; Còn đèn trong văn hóa Sa Huỳnh được làm bằng chất liệu gốm, gắn liền với tập quán sinh hoạt và phương thức lao động của cư dân (chân đèn Hòa Diêm còn có thể sử dụng trên thuyền đánh cá). Cây đèn hình người tìm thấy ở Lạch Trường, Thanh Hóa thuộc văn hóa Đông Sơn và Rạch Giá, Kiên Giang thuộc văn hóa Óc Eo là bằng chứng về sự giao lưu với văn hóa phương Tây.
Sưu tập đèn giai đoạn từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 10 được chế tác chủ yếu bằng chất liệu đồng và gốm như đĩa đèn gốm, đèn gốm hình Tích tà, đèn đồng hình Tích tà... những hiện vật này chủ yếu được tìm thấy trong các ngôi mộ gạch cổ, với đặc trưng thể hiện sự giao lưu, ảnh hưởng với văn hóa phương Bắc khá rõ nét...
Chiếm ưu thế về số lượng trong trưng bày “Đèn cổ Việt Nam” lần này là bộ sưu tập đèn thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 20, gồm các giai đoạn: Từ thời Lý, Trần (thế kỷ 11-14), đến thời Lê sơ - Mạc (thế kỷ 15-16), thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18), thời Nguyễn (thế kỷ 19-20). Các loại đèn được chế tác trong thời kỳ này cho thấy sự phát triển cao cả về kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí, bằng nhiều chất liệu khác nhau như gốm, đồng, sắt, gỗ…
Tại lễ khai mạc phòng trưng bày “Đèn cổ Việt Nam”, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức công bố 11 bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2012 về việc công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1 cho 30 hiện vật và nhóm hiện vật thuộc các bảo tàng Việt Nam. Trong số đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có 11 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, tượng hai người cõng nhau thổi kèn, cây đèn hình người quỳ thuộc nền văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng 2.500 năm. Ấn đồng Môn Hạ Sảnh ấn, thời Trần (năm 1377); Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga, thời Lê Sơ (thế kỷ 15); Trống đồng Cảnh Thịnh, đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8, thời Tây Sơn (năm 1800); Các tác phẩm và di bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sách Đường Kách Mệnh xuất bản năm 1927, tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) năm 1942-1943, Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946.
|
Đặc biệt, từ cuối thời Trần về sau, nhiều loại chân đèn có kích thước lớn, vừa phong phú về kiểu dáng, vừa đa dạng về hoa văn trang trí, được chế tác qua nhiều công đoạn, bằng nhiều kỹ thuật phức tạp và tỉ mỉ khiến cho chúng không còn là một vật dụng thông thường mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đáng chú ý, nhiều chiếc chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán… có ghi, khắc minh văn về niên đại, nghệ nhân, địa điểm chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng. Những chiếc chân đèn này không những góp phần xác lập một hệ thống tiêu chí chuẩn để phân loại, giám định cổ vật mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội khác.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, những hiện vật nói chung và cuộc trưng bày này nói riêng đều mang rất nhiều giá trị, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Các hiện vật không chỉ chứng minh những giá trị lịch sử mà cha ông chúng ta sáng tạo nên, nó còn chứng minh một tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước trường tồn của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua.
Tiếp nhận nhiều bản đồ quý
Tại lễ khai trương, nhà sưu tập Trần Mạnh Tuấn (Hà Nội) đã hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia một sưu tập bản đồ và một số tài liệu liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sưu tập này gồm 23 bản đồ các loại và 10 tư liệu bằng tiếng Anh và tiếng Nhật Bản. Theo nhà sưu tập Trần Mạnh Tuấn, các bản đồ và tư liệu này là do ông sưu tập trong nhiều năm qua, các bản đồ đều có bằng chứng pháp lý rất chặt chẽ, trong đó, nhiều bản đồ được in tại Trung Quốc, hoặc in tại các nước khác nhưng được Trung Quốc sử dụng đều vẽ Trung Quốc không hề có Trường Sa và Hoàng Sa. Ông Trần Mạnh Tuấn cho biết, ông hiến tặng sưu tập này cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với mong muốn Bảo tàng có thể phát huy tốt nhất giá trị của sưu tập, đặc biệt nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tiến sỹ sử học Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khẳng định, 23 tấm bản đồ mà Bảo tàng tiếp nhận lần này là rất có giá trị, bởi sau tấm bản đồ do tiến sỹ Mai Hồng tặng, đây là lần đầu tiên Bảo tàng tiếp nhận số lượng lớn bản đồ liên quan đến chủ quyền của chúng ta về Hoàng Sa, Trường Sa đến như vậy. Cũng theo ông Cường, những tấm bản đồ này chứng tỏ không chỉ lịch sử chúng ta chứng minh, mà dư luận thế giới, những vấn đề pháp lý thế giới đều thấy rõ và công nhận Trường Sa, Hoàng Sa từ trước đến nay là của Việt Nam. Đó là bằng chứng để củng cố vấn đề pháp lý trong đấu tranh ngoại giao cũng như ý thức của người Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Được biết, tiếp nhận sưu tập bản đồ cổ này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ có kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa học; tiếp tục giám định giá trị tư liệu. Sau khi hoàn thành, Bảo tàng sẽ lên kế hoạch trưng bày rộng rãi tới công chúng trong cả nước và khách quốc tế.
Theo Phương Lan
Báo Tin tức