Từ chỗ là một loài vật có thật, có tên khoa học hẳn hoi, Cá Voi đã trở thành một linh vật, được các như dân ven biển và người đi biển gán cho những huyền tích đẹp, huyền ảo và đầy tính nhân bản. Sự thể hiện của tín ngưỡng thờ Cá Voi là một quần thể kiến trúc và một lễ hội thờ cúng riêng rất độc đáo.
Trước hết, tín ngưỡng thờ cúng Cá Voi gắn với một loại hình kiến trúc mà ngư dân làm nghề biển gọi là Lăng dinh Ông. Lăng Ông thường có ba phần. Phần chính lăng là nơi để xương Ông, một bên là bàn thờ tả thờ Lý Ngư (là một hộ vệ của Ông), một bên là bàn thờ hữu thờ Lý Lực (cũng là một hộ vệ của Ông). Bộ xương Ông bao giờ cũng là một bộ xương thật, chứ không phải là một vật tượng trưng. Người dân thường lấy bộ xương này ở con cá Ông bị chết mà họ trang trọng gọi là Ông hóa hay Ông lụy.
Theo ngư dân tỉnh Bình Thuận, nếu Ông chẳng may bị lụy ở ngoài khơi, lập tức có một Ông khác kề lưng dìu đưa thi hài Ông vào tới bờ. Ngư dân trông thấy, họ lập tức cho thuyền đón rước cung nghinh xác Ông về để làm đám, chôn xác Ông ở lăng Dinh Vạn.
Gắn với việc xây dựng các lăng thờ cúng cá Ông là một lễ hội của cư dân các làng ven biển. Ở đây, lễ cúng cá Ông rất được chú trọng và là lễ to nhất, vui nhất so với các lễ khác. Thủ tục lễ cúng ở các xã ven biển không có gì khác nhau, có chăng chỉ khác nhau ở thời điểm, quy mô to nhỏ, tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng làng.
Ngày cúng Ông bao giờ cũng được chia làm ba thời điểm: lễ nghinh Ông, lễ cúng tiên hiền, hậu hiền và lễ cúng chánh tế. Buổi cúng tổ chức ở ngay nơi thờ phụng Ông vào lúc 11 giờ đêm, có các nhà sư tụng kinh. Đúng một giờ sáng là lễ nghinh Ông. Một chiếc thuyền lớn trang hoàng lộng lẫy, có đặt bàn thờ và đồ lễ mặn (có heo quay) và các đồ vàng mã khác. Thuyền này trở các cụ cao niên nhất cùng các quan viên trong làng, dàn nhạc ngũ âm và các ca nhi. Một đoàn thuyền của các gia đình trong làng lướt theo chiếc thuyền lớn này, cùng nhau theo con sông tiến ra cửa biển rồi ra khơi, xa độ hai cây số. Tất cả đoàn dừng lại, chờ Ông lên vọi. Có năm, thuyền gặp Ông lên vọi, năm ấy được mùa cá. Nhưng nhiều khi không gặp. Sau khi đốt mã trong tiếng nhạc và giọng ca của các ca nhi, đoàn thuyền nghinh Ông trở về nơi thờ tự để làm lễ an vị. Hai bên sông, thuyền lớn thuyền nhỏ đều được chăng đèn màu rực rỡ. Trên bờ, trong các nhà dân, các bàn thờ đều được hương khói để đón tiếp Ông với sự hân hoan nồng nhiệt. Các chủ thuyền đều cúng tại thuyền của mình. Theo ngư dân ở một số làng, trong ngày hội này, có thể ngoài khơi có Cá Ông về dự. Nếu từ trong bờ người ta thấy ở xa có những tia nước bắn vọt lên cao, trong trường hợp này, người dân rất vui mừng. Sự hiện diện của Ông báo hiệu một năm thịnh vượng được mùa cá.
Trước khi vào lễ cúng chánh tế còn có sinh hoạt văn nghệ và các hoạt động vui chơi thể thao. Thông thường, dân làng rước những gánh hát bội về trình diễn.
(Theo Từ điển Lễ tục Việt Nam,
NXB Văn hóa Thông tin, 1996)