(Petrotimes) - Sau hơn 20 năm vắng bóng, lần đầu tiên hình thức xẩm này được tái hiện trên sân khấu của bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào 19h30 tối qua (26/10).
Xẩm tàu điện được tái hiện trên sân khấu.
Trước giờ chương trình biểu diễn, khá đông khán giả chủ yếu là người cao tuổi đã có mặt tại sân khấu ngoài trời của bảo tàng Phụ nữ. Nhiều người đơn giản chỉ mong tìm lại chút gì trong ký ức Hà Nội xưa, được nghe lại những làn điệu xẩm quen thuộc trong lúc chờ tàu điện đến...
“Xẩm tàu điện” ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với hoạt động của tàu điện Hà Nội trong giai đoạn từ 1900-1992. Những chuyến tàu điện đã trở thành không gian diễn xướng lý tưởng cho Xẩm-một loại hình âm nhạc đường phố “độc nhất vô nhị”.
Trước giờ biểu diễn, NSƯT Thanh Ngoan đã chia sẻ: “Dù không có môi trường diễn xướng hợp cảnh, hợp người với câu hát nhưng nếu cứ đòi hỏi quá cao như vậy thì không thể phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Dù không có tàu điện chúng ta vẫn có thể hát xẩm tàu điện. Bởi xẩm đã đi một con đường âm thầm và gian để có ngày hôm nay. Các nghệ sỹ, nhà nghiên cứu của Trung tâm phát triển âm nhạc truyền thống đến từng vùng để phục dựng chiếu xẩm, dạy xẩm, gây dựng từng thế hệ hát xẩm...”.
Gọi là "xẩm tàu điện" nhưng lại biểu diễn trên một sân khấu đóng hộp, ánh đèn sáng, loa tăng âm bên cạnh. “Chúng ta đành phải chấp nhận sự thay đổi của các hình thức này. Không thể đòi hỏi trở lại thập niên 80 với các toa tàu điện nữa. Quan trọng là cốt cách của làn điệu xẩm tàu điện được giữ lại”, PGS - TS - Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo chia sẻ.
PSG - TS - Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo.
Nhạc sĩ Thao Giang, người dành 20 năm nghiên cứu về hát Xẩm cho biết, Xẩm có nhiều điệu khác nhau, trong đó Xẩm tàu điện là đặc sản của Thủ đô. Sở dĩ, Hà Nội “độc chiếm” Xẩm tàu điện là vì Xẩm phát triển mạnh hồi thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Những bến tàu điện, trên xe điện là địa điểm lý tưởng cho những người hát Xẩm. Những nghệ nhân đã “chế” tác bài thơ được ưa chuộng thời bấy giờ thành các bài hát Xẩm. Các làn điệu Xẩm tàu điện được phổ từ thơ của những tên tuổi như nguyễn Bính (Lỡ bước sang ngang, Trăng sáng vườn chè, Chân quê..), Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải (Anh Khóa, Gánh nước đêm, Cô hàng nước), Tản Đà… được các nghệ nhân tự sáng chế theo cảm xúc của mình. Nhiều bài còn dùng để quảng cáo bán hàng như tăm tre, thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là... với vần điệu và ca từ đầy dí dỏm.
Suốt gần một thế kỷ, “Xẩm tàu điện” trở thành món ăn tinh thần, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân thủ đô, gắn liền với những ký ức về âm thanh tiếng tàu điện. Khi tàu điện không còn, như một quy luật, hát xẩm cũng vắng bóng trong đời sống đô thị. Nhưng với cố gắng của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống hội nghệ thuật VN, những làn điệu Xẩm tàu điện đang được khôi phục.
Nghệ sĩ nhí Thanh Thanh Tâm mới 10 tuổi nhưng đã bắt đầu hát Xẩm từ năm lên 5.
Thanh Huyền
|