Thì đại văn sĩ Vũ Bằng, Nguyễn Tuân đã dùng hết cái tài nhả ngọc phun châu ca tụng món phở rồi đấy. Đã gọi món phở là đứng cao hơn hết mọi sự.
Ông có làm gì bây giờ không? Đi với mình một lát đi! Nhà văn Xuân Cang nói rồi kéo tôi đi. Thì ra, ngày mai Xuân Cang đi Thái Nguyên công tác mấy hôm. Và đã thành thói quen, trước khi xa Hà Nội, thế nào anh cũng mời một người bạn cùng đi ăn phở. Ăn để dư vị Hà Nội còn lưu luyến mãi trong những ngày chia xa.
Phở! Phở Hà Nội! Dù có đi đâu thì cũng không thể quên.Vì đây không phải là sự đói khát đứng trước cái thèm muốn trần tục của con tỳ con vị cụ thể đâu. Không! Phở là một nỗi niềm rung động đến tận tâm cảm người ta. Phở là một kỷ niệm, một nỗi nhớ quay quắt. Một cố nhân ngày nào cũng cần gặp mặt.
Phở! Hãy nhìn các thực khách và nhìn vào bát phở để thấy hết cái kỳ lạ đến mức kỳ quái của cái món ăn độc đáo, độc nhất vô nhị ở đất Hà thành này! Trời ạ! Hút hồn ta là cái gì thế này? Là cái thìa sắt hớt lên một chút nước dùng và chao ôi, mới chỉ xuỵt một hơi thôi mà đã lìm lịm cả tim gan rồi! Phở! Một nhúm bánh, mấy miếng thịt mềm, vài lát hành, tí hạt tiêu, dăm ba lát ớt, cùng với mắm muối, gừng sả... thường ngày; nghĩa là những thực thể rất đỗi tầm thường thôi, mà sao tổng hòa lại, lại hóa ra một chế phẩm của sáng tạo thiên tài. Một tổng hợp của các kỳ quan thiên tạo!
Thì đại văn sĩ Vũ Bằng, Nguyễn Tuân đã dùng hết cái tài nhả ngọc phun châu ca tụng món phở rồi đấy. Đã gọi món phở là đứng cao hơn hết mọi sự. Ăn bát phở ngon như đọc áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất khiến ta trầm mặc, nghĩ suy. Phở không còn là một món ăn, một thích thú khứu giác vị giác. Mà là một sự... phở, một đạo phở như đạo trà, hay nói đúng hơn là một vấn đề. Vấn đề phở!
Như vậy, còn gì mà nói về phở nữa? Vây mà không. Ông Richard Sterling chuyên gia ẩm thực Mỹ trong chuyến du lịch Việt Nam vừa rồi vẫn làm ta ngạc nhiên: “Việt Nam gói gọn trong một tô, đó là phở”. Trời, đó là một định nghĩa thần tình nữa về phở của ông. Phở còn đang là một khám phá. Vì phở đang còn biến hóa. Phở đã ra thế giới. Bây giờ có phở thịt bò Kôbê giá 500.000 đồng, cả triệu đồng.
Và như vậy phở đang biến hóa, trở nên xa cách cội nguồn bình dân của nó. Năm 2006, tôi sáng sáng đi ăn phở, giá 6.000 đồng. Năm nay 2012, lương tôi tăng gấp đôi, nhưng phở lên giá 30.000 đồng. Phở đắt dần. Vậy mà lạ chưa! Sáng sáng phở Hiền ở ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh vẫn cứ đông nghìn nghịt, Cái ngõ có phở Quyên nhỏ xíu, xe máy xếp ép mình vào bờ tường, không còn một kẽ hở. Và tuần vừa rồi, lại một hàng phở nữa mới khai trương ở ngõ 31 đường Nguyễn Chí Thanh nhà tôi. Thế mới biết dân ta mãi mãi không xa cách phở được.
(Theo PL&XH)