Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp về xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn tham dự buổi tập của Câu lạc bộ Hát then xã Quảng Lạc. Từ các cụ già cho đến các em nhỏ, ai ai cũng phấn khởi, say sưa với những làn điệu then cổ như: Cằn hẹn vằn xuân (Lời hẹn ngày xuân) hát theo làn điệu then Bản Sầm (huyện Văn Quan-tỉnh Lạng Sơn). Từng làn điệu then Bản Sầm cất lên chứa đầy cảm xúc làm nao lòng người.
Dưới sự hướng dẫn cần mẫn và tận tình của cô Nông Lê Na, từng lời hát then được cất lên một cách “tròn vành rõ chữ”. Cô ân cần chỉ bảo, chỉnh sửa từng lỗi nhỏ về làn điệu, lời hát hoặc “nhịp phách”, truyền dạy từng câu, từng chữ...
|
Ảnh minh họa/ Internet.
|
Bà Lê Thị Phượng, người dân tộc Tày, Chủ nhiệm CLB hát then xã Quảng Lạc cho biết: Chúng tôi tham gia CLB này nhằm góp phần nhỏ bé vào việc lưu giữ và truyền dạy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc, đặc biệt là các làn điệu then mang đậm bản sắc của đất và người xứ Lạng. Hiện nay, cả xã Quảng lạc có hơn 90% dân số là dân tộc Tày, Nùng sinh sống, tuy nhiên số lượng người biết hát then còn rất ít, chủ yếu là những người lớn tuổi. Do vậy, việc dạy hát then cho thế hệ trẻ là một việc làm rất cần thiết để qua đó truyền dạy cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và xứ Lạng nói riêng.
Nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, cuối năm 2011, xã Quảng Lạc đã thành lập CLB then, từ đó đến nay đã thu hút hơn 20 người trong đó có rất nhiều thanh, thiếu niên tham gia. Bà Mạc Thị Thu, 67 tuổi, thành viên CLB hát then xã Quảng Lạc cho biết: "Từ nhỏ, tôi đã được nghe kể, được đọc qua sách báo, xem truyền hình về những nét văn hóa độc đáo của người dân xứ Lạng, trong đó có hát then, tôi rất thích nhưng nay mới có điều kiện tham gia học tại CLB".
Anh Hoàng Văn Đức, 22 tuổi, thôn Quảng Hồng 3, xã Quảng Lạc, thành viên trong CLB chia sẻ: Vì muốn học những làn điệu then của dân tộc mình nên anh tham gia CLB. Những buổi học ban đầu thật khó khăn vì phải làm quen với cây đàn tính, học thuộc lời thuộc lời bài hát bằng tiếng dân tộc và sau đó phải hát đúng làn điệu, đúng “phách giọng”. Anh đã được cô giáo Nông Lê Na và một số thành viên trong CLB nhiệt tình hướng dẫn. "Cô giáo không chỉ dạy hát làm sao cho đúng giọng mà còn giải thích ý nghĩa từng lời hát, câu hát, giờ đây tôi đã có thể hát được một số làn điệu then", anh Đức phấn khởi nói.
Hoạt động của CLB bước đầu đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân. Tuy nhiên, hiện CLB vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hoạt động đều là các thành viên, người dân tự nguyện đóng góp nên có phần eo hẹp. Do vậy các thành viên CLB hát hát then xã Quảng Lạc luôn mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ để duy trì, xây dựng CLB ngày càng vững mạnh, thu hút được ngày càng nhiều người tham gia để gìn giữ những làn điệu then truyền thống làm say đắm lòng người của quê hương xứ Lạng.
Theo TTXVN
|