Ngoài vai trò là nhạc cụ, cồng chiêng còn là tài sản, thước đo sự giàu nghèo của mỗi gia đình, dòng họ, là vật thiêng trong tín ngưỡng, thành tố cơ bản tạo thành lễ hội, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Bộ Chiêng Tha của gia đình ông Thao La
đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum
|
Để góp phần giữ gìn di sản Văn hóa các dân tộc, trong những năm qua Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã sưu tầm và đưa về lưu giữ tại kho hơn một chục bộ chiêng các loại trong đó có 2 bộ Chiêng Tha, một loại chiêng quý hiếm, được người Brâu gìn giữ như báu vật của dân tộc mình.
Chiêng vợ, chiêng chồng
Một bộ Chiêng Tha có hai chiếc, đường kính khoảng 45 - 50cm, nhưng theo đồng bào có khi phải đổi tới vài ba chục con trâu. Bề ngoài, Chiêng Tha cũng có màu đồng thau xám, gần như không khác gì các loại chiêng khác, nhưng chỉ cần chạm nhẹ vào âm thanh đã vang lên vì có lẽ trong Chiêng Tha có pha hợp kim gì đó. Chiêng Tha thường được chơi trong các dịp đón khách, mừng nhà rông mới, lúa mới, trong các lễ hội…. Theo tư duy của người Brâu, Chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, người Brâu cho rằng Chiêng Tha là tổ tiên của họ. Vì vậy trong ngôn ngữ người Brâu không có từ đánh Chiêng Tha mà là gọi Tha pơi (mời Tha nói). Để mời Tha nói trước tiên phải làm lễ mời Tha ăn, mời Tha uống.
Trong bộ Chiêng Tha, chiếc nhỏ là chiêng vợ (chuar) và chiếc lớn hơn là chiêng chồng (Jơ Liêng). Cả hai đều không có núm. Mỗi chiêng có khoan 2 lỗ để luồn dây treo lên khi biểu diễn. Để đánh Chiêng Tha cần có 2 người với 4 dùi, gồm 2 dùi đực thẳng, dài khoảng 50cm, to bằng ngón tay út gọi là Tơ Lông Tha và 2 dùi cái ngắn hơn có dáng hình cổ ngỗng gọi là Giơ Ra. Ở đầu các dùi có bọc vải mềm nhiều lớp rồi cột chặt lại.
Khi đánh, 2 dùi ngắn hình cổ ngỗng đánh mặt lưng, 2 dùi dài, thẳng đánh mặt bụng, chiêng vợ lên tiếng trước, rồi mới đến chiêng chồng. Khi diễn tấu, Chiêng Tha được treo lên, có thể treo từ dây cột trên xà nhà thả xuống hoặc treo trên giá và treo theo cùng hướng, mép dưới của chiêng cách mặt đất khoảng 10cm. Nghệ nhân đánh chiêng ngồi đối mặt nhau, người cầm 2 dùi đực ngồi phía lòng chiêng, người cầm 2 dùi cái ngồi phía mặt chiêng. Họ ngồi bệt xuống đất. Người đánh mặt lưng khoanh chân bằng tròn. Người đánh mặt bụng ngồi bằng mông, 2 chân duỗi, bàn chân dựng, mũi chân đỡ (giữ) chiêng, áp sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm khi đánh.
Đoàn cán bộ Bảo tàng tỉnh Kon Tum đang làm việc với chủ hiện vật
|
Bịn rịn lúc chia tay
Tháng 6/2011, sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi đã đến gia đình ông Thao La, làng Đăk Mế, xã Bờ Y, Ngọc Hồi để sưu tầm bộ Chiêng Tha thứ 2 phục vụ chuẩn bị trưng bày Bảo tàng. Hôm đó sau khi thống nhất giá cả và hoàn thành các thủ tục mua - bán, gia chủ xin phép được làm một số nghi lễ trước khi đưa chiêng ra khỏi nhà.
Chủ nhà sai vợ con đi mời thầy cúng, già làng và ông cậu ở nhà bên. Người con trai của gia đình bắt một con gà trống lớn làm thịt. Ông chủ đi lấy một ghè rượu, đổ nước và đặt cạnh nơi treo bộ Chiêng Tha. Gà làm sạch, luộc cả con cùng với bộ lòng (trừ tiết), được đặt trong chiếc mâm nhỏ để cạnh ghè rượu chuẩn bị cúng. Thầy cúng đến, ông lấy tiết sống bôi vào lòng 2 chiếc chiêng, chiêng chồng bôi trước, chiêng vợ bôi sau,vừa bôi tiết gà - xoa tròn theo chiều kim đồng hồ trong lòng chiêng, ông vừa khấn (tạm dịch):
“Ớ Tha! Hôm nay mình đổi chỗ ở, cho Tha đi ở nhà khác. Vì hoàn cảnh gia đình mình nghèo khổ, vợ con ốm đau, nợ nần nhiều mình mới phải làm như vậy, chứ trong bụng mình không muốn xa Tha… Xin Tha đừng thắc mắc, đừng buồn, đừng trách, đừng giận mình. Tha đừng phạt, đừng làm mình ốm đau, xui xẻo…
Từ nay Tha đi đâu phải tự giữ gìn lấy bản thân, vợ chồng phải luôn ở cùng nhau, bảo vệ lấy nhau, mình không thể đi cùng bảo vệ cho Tha được. Dù đi đâu hồn Tha hãy luôn nhớ, quay về với gia đình nhà mình… Ớ Tha!”.
Sau đó ông hút rượu ghè tưới vào lòng 2 chiếc chiêng (mời Tha uống) và đọc lại lời khấn như trên. Trong lúc thầy cúng khấn, chúng tôi thấy bà vợ Thao La cứ đứng sụt sịt lau nước mắt. Chúng tôi cảm nhận một sự bịn rịn, chia tay, tiếc nuối thật sự chứ không phải chỉ là việc bán một bộ chiêng, một món đồ trong gia đình.
Cúng ở ghè rượu xong, tất cả vào trong nhà. Con gà đó được chặt nhỏ chia làm 7 phần trong một chiếc mâm nhỏ. Khi tất cả đã ngồi quây tròn xung quanh, thầy cúng khấn và chia thịt cho các thành viên ngồi quanh mâm (gồm 4 người mua chiêng, chủ nhà, thầy cúng, ông cậu và già làng).
Thầy cúng khấn 7 lần, với nội dung gần như trên. Nhưng khác với khi khấn lần đầu, khi thầy cúng cất giọng khấn thì ông cậu của chủ nhà, già làng cũng cất tiếng đồng thanh khấn cùng, giọng hòa âm lời khấn có vần, có điệu gần như hát đồng thanh. Mỗi lần khấn xong, thầy cúng lại chia thịt cho các thành viên ngồi quanh mâm. Sau khi khấn xong 7 lần thì cũng chia hết 7 phần thịt trong mâm.
Sau cùng còn phần thịt lớn giữa mâm, chủ nhà lấy 2 đùi gà biếu cho già làng và 1 người đại diện bên mua (nhạc sĩ A Đủ - người lớn tuổi nhất, được Bảo tàng mời đi giám định bộ chiêng), đầu gà cho thầy cúng, lòng mề, gan chia cho các thành viên bên mua để tỏ sự hiếu khách.
Sau khi hoàn tất các thủ tục trong nhà, mọi người cùng ra sân, nơi đặt giá treo bộ chiêng. Gia chủ xin phép cho một số thành viên gia đình được đánh một số bài với bộ Chiêng Tha như một sự chia tay lần cuối cùng. Một sự chia tay thật là bịn rịn, tiếc nuối, đầy cảm xúc như với một người thân trong gia đình.
(Theo LangVietOnline)