Bao đời nay, người Thái ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) tồn tại một tục cưới độc đáo, đó là tục cưới hai lần. Lần đầu cưới, chú rể phải ở lại nhà cô dâu để kiếm tiền làm đám cưới lần 2 to hơn, sau đó mới được đón cô dâu về nhà.
Trong lần cưới đầu tiên, gia đình nhà trai và nhà gái chỉ ăn trầu,
hút thuốc và nói chuyện với nhau
|
Phong tục độc đáo
Ở các huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa như: Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, phong tục độc đáo này vẫn còn lưu giữ ở người Thái, thế nhưng thể hiện rõ nhất là mảnh đất Quan Hóa. Nơi này người dân tộc Thái chiếm hầu hết dân số với nhiều phong tục độc đáo, thú vị trong đó có tục cưới hai lần.
Theo người dân, tục cưới hai lần trở thành một phong tục tập quán của người Thái tại đây. Cứ đời này sang đời khác, họ đều làm theo những phong tục, lâu dần trở thành bản sắc văn hóa mà không ai có thể phá vỡ.
Tìm gặp một số già làng, các cụ đều nói rằng, từ khi lớn lên dựng vợ gả chồng đã thấy có tục đó rồi. Già làng Phạm Bá Ngoằng, năm nay đã ngoài 70 tuổi, ở bản Phai, xã Trung Thành cho biết: “Ngày xưa điều kiện kinh tế khó khăn, các cụ cưới lần đầu xong sau đó cả chục năm mới làm đám cưới lại. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì việc cưới hai lần vẫn phải được thực hiện. Tục lệ này nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là khi lễ cưới lần thứ hai diễn ra là khi người đàn ông chứng tỏ được vai trò, khả năng lao động của mình có thể nuôi được vợ con. Người đàn ông chứng tỏ được rằng họ có thể làm trụ cột trong gia đình, khi đó nhà gái mới yên tâm để giao con gái mình cho người đàn ông đó”.
Tục cưới lần đầu của người Thái chỉ là làm cho có lệ rồi hai người đưa nhau về ở tại nhà gái, cho đến khi nào chú rể kiếm được nhiều tiền có thể mua đồ kỷ vật cho cô dâu và những sính lễ mà nhà gái thách cưới thì mới được đón cô dâu về. Trong lễ cưới lần đầu, cô dâu và chú rể phải mặc đồ truyền thống, đồ lễ mà bên nhà trai mang sang chỉ là vài chai rượu, thuốc lá và trầu cau.
Sau đó, gia đình nhà trai nói chuyện với bố mẹ bên nhà gái về việc nhận con gái họ làm con dâu. Kết thúc tiệc cưới đầu tiên là chú rể và cô dâu cùng một số họ hàng hai bên ngồi quây quần uống rượu cần, hút thuốc nói chuyện.
Lễ cưới lần thứ hai có thể cách vài tháng, một năm hay có những trường hợp cả chục năm, khi họ có con cái khôn lớn mới có thể cưới lần thứ hai, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Lần này, chú rể phải sắm cho cô dâu một bộ váy áo, vòng cổ, vòng tay, một số đồ trang sức khác. Ngoài ra còn phải sắm đầy đủ những lễ vật mà nhà gái đòi hỏi như trâu, bò hay lợn gà, rượu… Còn nhà gái thì chuẩn bị một con lợn để đón tiếp họ hàng nhà trai.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, chu tất thì bắt đầu thống nhất ngày, giờ cưới. Trong lễ cưới lần này, cô dâu và chú rể được tùy chọn trang phục, không nhất thiết phải mặc trang phục truyền thống. Tất nhiên, đám cưới ở đây không chỉ độc đáo ở chuyện cưới hai lần mà còn vô số những nghi lễ khác rất lạ, nhưng cực kỳ độc đáo và nó lý giải vì sao đám cưới lần thứ hai đối với họ là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa hơn bất cứ sự kiện nào trong đời.
Trong đám cưới, người ta còn hát đối đáp giao duyên, làm lễ trừ tà, cúng ma nhà, mời trầu, hay qua cầu không phải rải tiền lẻ như tục của người Kinh... Đặc biệt, quan trọng nhất là tục rửa chân cho cô dâu khi bước vào nhà chồng. Người Thái thường cư trú trên các nhà sàn vì thế khi cô dâu chuẩn bị về nhà chồng thì đã có sẵn một chậu nước đặt ngay ở chân cầu thang. Người làm nhiệm vụ rửa chân cho cô dâu là mẹ chồng.
Theo quan niệm của người Thái, việc mẹ chồng rửa chân cho cô dâu là muốn cô dâu gột sạch những bụi ần trước đây, cô dâu bước vào ngôi nhà mới với sự thánh thiện, từ nay trở về sau sống một cuộc sống mới bên nhà chồng, chăm lo làm ăn, hướng đến một gia đình hạnh phúc.
Bản sắc văn hóa đang ngày càng mai một
Tục cưới hai lần là một bản sắc văn hóa đẹp và có ý nghĩa với người dân tộc Thái. Dù vậy, theo thời gian cùng với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, kinh tế không còn khó khăn, việc người đàn ông chuẩn bị những sính lễ nhà gái yêu cầu không còn quá khó. Hay việc thách những lễ vật của nhà gái cũng không còn quá đòi hỏi và ngày nay những đồ lễ đang dần được thay thế bằng tiền mặt nên tục cưới hai lần của người Thái vẫn diễn ra song nó diễn ra như một hình thức.
Tục lệ cưới lần thứ hai của người Thái mới là quan trọng nhất trong cuộc đời họ và chú rể cô dâu được mặc trang phục tùy thích.
Nếu như ngày xưa, các cụ già cưới nhau giữa lần thứ nhất và lần thứ hai cách nhau ít nhất cũng vài ba năm, còn nhiều cũng phải đến cả chục năm. Nhưng ngày nay, các cặp vợ chồng người Thái chỉ cưới lần đầu và lần cuối cách nhau vài tháng. Dần dần, tục lệ này nó giống với tục ăn hỏi rồi cưới của người Kinh. Không những thế, ngày nay, ngay khi cưới lần đầu, chú rể không nhất thiết phải ở nhà cô dâu như ngày xưa mà có thể đưa cô dâu về ngay trong lần cưới đầu tiên.
Chị Lương Thị Hồng Nhung, người dân tộc Thái ở đây cho biết: “Thời bố mẹ tôi thì các cụ lấy nhau mãi tới hơn 10 năm mới có tiền cưới lần thứ hai, mãi tận lúc đó bố tôi mới đưa mẹ tôi về nhà làm dâu được. Nhưng đến bây giờ thì rất ít vùng còn giữ được việc cưới hai lần theo như phong tục. Tôi và chồng tôi cưới nhau giữa lần thứ nhất và lần thứ hai cách có một tháng và ngay lần cưới đầu thì tôi đã được về ở nhà chồng”.
Một số địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa của huyên Quan Hóa như Hiền Kiệt, Hiền Sơn, Trung Thành,… điều kiện kinh tế còn khó khăn nên dường như việc giữ tập tục này nguyên vẹn hơn so với những xã có điều kiện kinh tế khá giả hơn.
Ông Hà Văn Tuyên - Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa cho biết: “Tục cưới hai lần của người Thái là một tục cưới có truyền thống từ lâu đời, có từ hàng trăm năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, phong tục này không còn được nguyên vẹn nữa, xuất phát từ việc kinh tế người dân ngày càng được nâng cao, việc cưới hỏi không còn quá nặng nề, khó khăn đối với mỗi gia đình”.
(Theo Dân trí)