Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống gọi những mầm cây lên xanh mơn mởn khắp đại ngàn… Mạch nguồn của sự sống ầm ầm đổ ra từ các dòng suối, con khe. Các triền ruộng bậc thang no nước. Người Hà Nhì ở Mường Tè cũng tưng bừng đón một trong những cái Tết to nhất trong năm – Tết mùa mưa, người Hà Nhì Mường Tè gọi là Dlé k’hù trà(*).
Có khoảng 12.000 người, chiếm 57% tổng số người Hà Nhì ở Việt Nam, người Hà Nhì ở Mường Tè có nhiều phong tục đặc sắc, trong đó có Tết mùa mưa – một trong bảy cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền.
Tết mùa mưa được người Hà Nhì ở Mường Tè tổ chức định kỳ vào tháng 6 Âm lịch hàng năm khi cây lúa đã vào thì con gái. Ngày khai lễ bao giờ cũng là ngày Hợi đầu tiên trong tháng vì chỉ sau đó 1 tuần Hà Nhì (12 ngày) lại đến ngày Tết cúng gà (Ha chi chi) mà luật tục Hà Nhì quy định: hai ngày Tết này phải được tổ chức liền trong một tháng.
Trước Tết 3 - 4 ngày, các gia đình lo chuẩn bị gạo, rượu, thịt, quần áo mới. Đám thanh niên và những người già am hiểu lý lẽ lo dựng các cây đu, bập bênh, dọn dẹp và chỉnh trang bãi hội ở bãi đất trống giữa bản.
Trò bập bênh quay trong ngày hội
|
Để chuẩn bị cho Tết mùa mưa, người ta phải dựng 2 cây đu là đu lăng (a gừ gừ xú), đu quay (a gừ gừ pu) và 2 cái bập bênh là bập bênh lên xuống (a chú), bập bênh quay (a chú chú pu). Ông Pờ Lóng Tơ, nghệ nhân người Hà Nhì, cho biết: “Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về một sự phát triển tốt đẹp. Còn cái đu quay trông như cái guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ”.
Trong thời gian ấy, một số người đàn ông trong bản cũng chuẩn bị cho mình những cặp cà kheo thật tốt để thi thố tài nghệ trong dịp Tết. Đôi cà kheo được làm từ gốc của 2 cây sặt già, ruột đặc và đồng đều về kích thước. Cây cà kheo có đường kính vừa nắm tay cầm, cao ngang đầu người. Bàn cà kheo cao cách đất khoảng 30 cm.
Đám thanh thiếu niên cũng có các trò chơi riêng của mình trong những ngày Tết mùa mưa. Đó là trò đánh cù truyền thống. Cù (đọ lo thé) của người Hà Nhì có thân cù to cỡ bằng nắm tay, chân cù được gọt nhọn làm điểm quay. Thân cù tròn đều, chiều cao tương ứng với chiều rộng để giữ thăng bằng khi quay. Dây cù được se từ sợi đay. Đầu dây còn được gắn với một que gỗ nhỏ để tạo đà quăng.
Những gia đình có trẻ nhỏ 3-5 tuổi được gia đình làm cho một cái đu lăng ở trong nhà hoặc ngoài hiên nhà. Đu lăng của trẻ nhỏ có cấu tạo đơn giản với hai sợi dây dài đều nhau (khoảng 2,5-2,8m) buộc thả từ trên xà nhà xuống. Đầu dưới của dây được nối với hai đầu của một thanh gỗ dài khoảng 50cm, rộng 15cm làm ghế đu.
Ngày đầu tiên của Tết mùa mưa, nhà nào cũng dậy sớm đun nước, mổ lợn. Tiếng chày giã gạo cùng tiếng lợn kêu, tiếng dao thớt của các gia đình làm xao động cả núi rừng. Mâm cúng tổ tiên ngày Tết ngoài thịt lợn mới mổ còn có rượu, trà, mía, chuối và hoa mào gà… Sau lễ cúng, đồ lễ được để nguyên vị trong suốt ngày hôm đó. Con cháu trong dòng họ (3 đời) trong ngày hôm ấy về lạy tổ tiên xong đều ăn 1 - 2 miếng để “xin lộc” cầu may.
Bữa liên hoan trong ngày đầu tiên của Tết mùa mưa vui vẻ và ấm cúng bởi nó là bữa ăn có sự sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ. Chủ nhà thể hiện sự hào phóng của mình bằng mâm rượu thịt đầy ắp. Khi rượu đã chuếnh choáng, mọi người trong mâm cùng nắm tay thành vòng tròn. Chủ nhà dõng dạc hô to lời cầu chúc tốt lành tới ba lớp người, ba lứa lương thực và ba lứa vật nuôi. Mọi người hưởng ứng bằng ba tiếng “Sơ”quen thuộc.
Suốt từ chiều đến tận đêm khuya hôm ấy, mọi người trong bản đến chơi nhà nhau. Nhà nào có khách cũng bày mâm rót rượu. Chén rượu nồng sóng sánh trên tay chủ và khách như những sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng bền vững.
Ngày thứ hai của Tết mùa mưa là ngày khai hội. Chủ lễ là vị chức sắc to nhất trong cộng đồng. Ngoài ra, người ta còn phải lựa chọn một cặp vợ chồng cao niên, song toàn, khoẻ mạnh, con cháu đề huề để khợi sự các trò chơi. Đến giờ lành, ông chủ lễ dẫn cặp cao niên và cộng đồng dân bản đi làm lý khởi sự từng trò chơi.
Đồ lễ gồm có rượu, trà, vải trắng, tiền, vòng bạc, quả trứng, gạo và vài nhành lá, bông hoa của núi rừng... Ông chủ lễ trịnh trọng khấn thần tai nạn Lồ Núy, thần tay khoẻ Lạ Tò xin cho những người chơi được an toàn, dù có đu thật cao, bật thật khoẻ cũng không ai bị ngã, không ai bị thương.
Trong bãi hội, môn đu lăng luôn thu hút những đôi trai gái có tình ý với nhau. Ngày thường, họ ít khi được mặt chạm mặt, vai kề vai vì luật tục cộng đồng không cho phép, nhưng trong những ngày này hành động ấy được khuyến khích bởi người già bảo môn chơi đu không chỉ thể hiện sự sám hối của con người về những tội lỗi trong suốt thời gian qua mà còn là niềm mong ước về một sự phát triển, sự giao hòa của con người, của vạn vật, của thiên nhiên…
Vui trò chơi đu truyền thống
|
Trong khi đó, môn đu quay thu hút đám thanh niên của bản. Bốn người một đu - vòng quay quay tít theo đà đạp chân của những người chơi thể hiện niềm mong ước về một sự no đủ, bội thu của mùa vụ. Đám bập bênh quay, bập bênh lên xuống cũng không kém phần vui nhộn. Ba cặp chơi - một bên nam, một bên nữ thi tài với nhau xem bên nào bật cao hơn, tốp nào quay tít hơn. Niềm mong ước cho những cái xấu, cái không tốt trôi đi theo nước mưa được thể hiện trong các trò chơi càng làm tăng thêm sự hứng khởi của những người dự hội.
Ở một bãi chơi khác đang diễn ra các môn chơi ngày thường. Đó là trò chơi cù, chơi cà kheo vẫn thường được trẻ chơi mỗi khi đi chăn trâu gần bản từ sau vụ gieo trồng nhưng trong ngày này, những trò ấy vui hơn vì có sự tham gia của người lớn, của cả những vị khách từ các bản khác đến chúc tết bạn bè, họ hàng chung vui. Những thiếu nữ bạo dạn cũng hăng hái trổ tài đánh cù với cánh đàn ông con trai.
Bãi hội ồn ào bởi tiếng cười nói của những người chơi cùng tiếng cù bổ chan chát, quay vù vù và những tiếng hò reo, cổ vũ tạo nên những âm thanh náo nhiệt, khác hẳn với vẻ u tịch hàng ngày nơi thâm sơn cùng cốc.
Tối đến, sau bữa cơm thân mật của các gia đình, mọi người lại nhanh chóng tề tựu ở bãi hội để cùng vui đêm xòe. Thanh niên xếp một đống củi lớn giữa bãi. Ông chủ lễ trịnh trọng làm lý với trống, chiêng để cho tiếng trống thật dền, tiếng chiêng thật lảnh, đêm xòe thật vui.
Rồi lửa nổi lên sáng rực cả bãi hội, soi tỏ những gương mặt rạng ngời. Nhịp chiêng trống vang lên thúc giục, không ai bảo ai, mọi người cùng ùa vào quanh đống lửa, tay trong tay xếp thành vòng trong vòng ngoài. Điệu xòe truyền thống với các động tác nhanh, khỏe, uyển chuyển, đậm màu sơn cước được trình diễn một cách điệu nghệ bên ánh lửa bập bùng, tỏa sáng lung linh.
Hội vui cứ thế tiếp diễn cho đến hết ngày thứ năm. Ngày cuối cùng, các gia đình làm lễ cúng hồn lúa. Gia chủ chủ trì nghi lễ cúng. Đàn lễ được dựng bên nương lúa của gia đình. Đồ lễ có rượu, gà, chà, nước... Chủ lễ đứng trước đàn lễ khấn xin trời cho mưa xuống cho tràn các triền ruộng, tưới ướt các mảnh nương. Xin cho cây lúa khoẻ mạnh, không cho sâu bệnh, đừng để thiên tai.
Tết đã hết nhưng lũ trẻ con trong bản vẫn tíu tít bên các cây đu, cây bập bênh. Cù vẫn quay tít ở bãi đất giữa bản cho đến hết ngày Tết cúng gà - Các gia đình đã làm lý đuổi hết tai ương, tật ách ra khỏi nhà, người già mới sai thanh niên phá bỏ các cây đu, cây bập bênh, trẻ bỏ cù, thiếu nữ xếp áo vào hòm, các bản Hà Nhì trở lại cảnh yên tĩnh, thanh bình của miền sơn cước.
(Theo honvietquochoc.com)
(*) Người Hà Nhì Đen (Hà Nhì Ca Đu) ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai gọi Tết mùa mưa là Khô Già Già.