Nghi thức cầu mưa của người Cor ở Quảng Ngãi với trống đất
|
Nguồn gốc cổ xưa
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trống đất được coi là “thủy tổ” của các loại trống vì xuất hiện từ rất sớm, có thể trước cả trống đồng. Đó là sản phẩm được sáng tạo của những người lao động và được bồi đắp, bổ sung, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Trống đất theo tiếng Mường là “Toòng Tửng”. Theo truyết thuyết của người Mường vùng Phú Thọ, trống đất được sáng tạo trong quá trình chống ngoại xâm của ông cha từ thời Hùng Vương. Sau khi đánh trận trở về, quan quân hạ trại nghỉ ngơi và ăn mừng chiến thắng tại làng Thể Cần (làng Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Trong quá trình đào hố chôn cột trại, những âm thanh vang lên từ lòng đất chính là gợi ý cho sự sáng tạo nên nhạc cụ độc đáo này. Từ nguồn gốc đó mà trống đất thuở ban đầu là nhạc cụ sử dụng để ăn mừng khao quân thắng trận.
Tổ tiên người Cor ở Quảng Ngãi đã sáng tạo nên trống đất của mình từ âm thanh thình thình của tiếng đào đất dội lại trong quá trình làm như những người Cor lớn tuổi am hiểu về phong tục, tập quán tại thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My cho biết.
Dù sáng tạo trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng trống đất là sản phẩm được chủ thể văn hóa sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất và chống giặc ngoại xâm. Với khả năng thẩm âm bẩm sinh, từ những âm thanh cộng hưởng của đất trong các hoạt động này, chủ thể đã làm nảy sinh ý tưởng làm trống đất.
Từ buổi sơ khai nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam, dù đời sống còn nhiều khó khăn vất vả khi sự hiểu biết còn hạn chế nhưng chủ thể văn hóa đã tìm tòi và sáng tạo nên một nhạc cụ độc đáo, thỏa mãn nhu cầu về thẩm mỹ âm nhạc của mình và gửi gắm vào đó những khát vọng về mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no. Đấy còn là minh chứng của một đời sống tâm hồn phong phú, lạc quan, yêu đời.
Sự khác biệt của trống đất
Thuộc bộ gõ nhưng khác với hầu hết các nhạc cụ cùng loại về cấu tạo, hình dáng, chế tác, trống đất được tạo nên từ việc khoét dưới đất và chỉ sử dụng 1 lần. Người diễn tấu ngồi thấp xuống đất để gõ vào các sợi dây được căng kết nối với mặt trống.
Múa Tắc xình được đệm bởi trống đất và các nhạc cụ tre nứa của người Sán Chay ở Thái Nguyên
|
Trống đất không khó làm, từ việc khoét 1 hay 5 hố đất và các công đoạn khác cũng không đến 30 phút nếu đã có sẵn như mo cau, tre nứa, dây rừng, thừng, dây lạt… nhưng quan trọng nhất là chất lượng âm thanh của trống đất. Âm thanh vang hay không, phụ thuộc vào sự thuần thục của đôi tay, khả năng thẩm âm đặc biệt của nghệ nhân. Sự độc đáo của trống đất chính là tính cá biệt hóa, tính cá nhân của nhạc cụ này rất rõ nét, mỗi cái trống đất, mang dấu ấn riêng của mỗi một cá nhân chế tác nên.
Sự độc đáo của trống đất không chỉ ở hình dáng, chất liệu tạo nên mà còn ở tính đa dạng trong công năng của nó ở mỗi vùng, mỗi cộng đồng dân tộc. Để làm trống đất, cả người Mường và người Cor ở Quảng Ngãi đều thực hiện những nghi thức cúng thần linh để xin phép trước khi làm trống đất.
Tuy nhiên, với người Cor ở Quảng Ngãi, trống đất thực sự là nhạc cụ thiêng. Già làng hay những người lớn tuổi, am hiểu phong tục tập quán của người Cor mới được đánh trống và thường làm trống đất để cầu mưa, khi thời tiết khô hạn kéo dài với ý nghĩa mong những tiếng trống đất mang những lời cầu nguyện của dân làng đến các vị thần linh để được ban mưa xuống cho mọi vật được sinh sôi, xanh tốt.
Với người Mường, trống đất được dùng trong các lễ hội hội như: Đâm đuống, Sắc bùa, Trống đu, đình Lưa, Xôi mới 10/10… hay cùng diễn tấu với các nhạc cụ khác khi hát Giang, hát Ví... Với người Sán Chay, lễ hội cầu mùa không thể thiếu trống đất. Trong đó, điệu múa Tắc xình trong lễ hội được đệm bằng trống đất và các nhạc cụ tre nứa.
Người Cor ở Quảng Ngãi trong lễ hội cầu mưa làm lễ với 5 chiếc trống đất
|
Nghệ nhân Đinh Hữu Tự - Một trong số rất ít nghệ nhân biết làm và diễn tấu trống đất của người Mường ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ chia sẻ: “Thực sự thời gian qua có rất ít cơ hội để cho mọi người thưởng thức trống đất. Thế nên điều quan trọng của việc duy trì, bảo tồn nhạc cụ dân dã này là làm sao có thể cải tiến để trống đất dễ chơi hơn và phù hợp hơn với đời sống hiện đại hơn”. Đây cũng là thực trạng chung đối với các loại trống đất.
Trống đất hầu như đã vắng mặt khá lâu trong đời sống văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng của các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sự xuất hiện trở lại gần đây của trống đất trong sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng ở một số địa phương là tín hiệu tốt trong việc bảo tồn, giữ gìn di sản độc đáo này. Nhưng để trống đất thực sự được “sống” trong đời sống, cần có sự nỗ lực chung tay của các cơ quan chuyên trách với nghệ nhân cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa.
Thu Loan/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/trong-dat-nhac-cu-co-xua-doc-dao-20190906090626647.htm