(HNM) - Cũng là ăn Tết, chơi Tết, nhưng Tết của người Mường lại thể hiện những bản sắc độc đáo riêng có.
ĂN TẾT
Trong năm, người Mường có nhiều cái Tết nhưng Tết Nguyên đán là quan trọng nhất và to nhất. Người Mường thường tổ chức ăn Tết từ ngày 27, 28 tháng Chạp, trước hết và trên hết là dâng cúng thần thánh và tổ tiên, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn.
Trước khi làm cỗ Tết, người Mường chọn mấy cây tre thẳng và cao, cây to nhất để dựng cây nêu chính trước nhà, những cây nêu nhỏ thì dựng ở bếp, vườn, chuồng gia súc... Trên ngọn cây nêu treo một vòng tròn nhỏ, mấy vật dụng sản xuất đan bằng tre nứa, ngoài để ngăn ngừa ma quỷ còn có ý nghĩa thờ phụng thần linh và tổ tiên.
Trong những ngày Tết, cùng với việc “đi Tết” ba đối tượng quan trọng nhất là cha, mẹ và thầy cúng thì người Mường rất chú trọng sửa mâm cúng gia tiên. Đặc điểm khác biệt trong việc cúng lễ và mâm cỗ cúng của người Mường so với các dân tộc khác là cúng đích danh (bao nhiêu tiền nhân đã khuất là bấy nhiêu phần lễ cúng). Vì thế, mỗi nhà có số mâm cúng khác nhau. Chẳng hạn, nhà người con trưởng có đến 7 mâm cúng, trong khi nhà người con thứ chỉ có một vài mâm cúng...
Nếu có ban thờ đủ rộng thì trên đó người Mường đặt 3 mâm: Phía ngoài là mâm cúng bố mẹ, ở giữa là mâm cúng ông bà, phía trong là mâm thờ từ các cụ trở lên. Nếu bày mâm cúng trên sàn nhà thì trải chiếu, đặt mâm, lót lá chuối rồi bày thịt lợn theo các lớp, sao cho có đủ các phần thịt ở các bộ phận. Bên cạnh đó có bát canh, bát miến. Xung quanh mâm, xếp theo vòng tròn là những chiếc bánh chưng, bánh dày, nhiều hay ít tùy vào số người được cúng. Tất nhiên không thể thiếu rượu, trầu cau, một ít tiền... Ngoài mâm cúng chính còn có phần thức ăn ở trong nồi, hàm ý khi tổ tiên ăn hết sẽ tiếp thêm để ăn cả ngày.
Bắt đầu lễ cúng, gia chủ lần lượt xướng tên và nơi ngự của từng vị được thờ cúng rồi bái lạy từng vị một, sau đó nêu lý do và chỉ dẫn đường đưa các vị về nhà gia chủ. Kết thúc, gia chủ và con cháu cùng bái lạy thần thánh và tổ tiên. Nếu là lễ có nhờ thầy cúng thì thầy cúng sẽ khấn và dâng lên 10 tuần cơm rượu với ý nghĩa là các vị được thờ cúng đã dùng đủ, xin mời trở lại nơi ngự và cho phép con cháu được hưởng lộc. Một người làm thủ tục “rút mâm lui, lùi mâm xuống”. Trước khi ăn, con cháu xếp hàng kính lạy các bậc bề trên, nghe lời chúc năm mới mạnh khỏe, làm ăn may mắn và lời dặn dò nhớ ơn tiên tổ.
Từ lúc bắt đầu ăn uống, mỗi lần uống rượu, lấy thức ăn là một lần mọi người mời nhau. Cùng với đó, có người kể chuyện, hát ví, hát xường (thường), đang (rang), bọ mẹng (đối đáp), ví, đúm..., làm cho bữa cơm cuối năm trở thành một sinh hoạt văn hóa gia đình rất đặc sắc: “Ba mươi ngày Tết/ Mồng một ngày lành/ Đem cành hoa về treo vóng/ Bày mâm cơm cửa trong/ Dãy mâm cơm gian ngoài/ Bàn cơm ăn rượu uống/… Cúng hết ông tổ, bà thổ công/ Mời hết vòng rượu khách/ Mời đến lượt rượu chủ/ Lần rượu nữa, lần rượu chung mọi người…”.
Còn một thủ tục cúng bái mà chỉ người Mường mới có là lễ cúng ngoài trời đêm giao thừa. Lễ vật rất đơn giản, chỉ gồm một con cá diếc và một chiếc bánh chay. Sáng sớm mồng Một năm mới, gia chủ hạ lễ, mang cho trâu của nhà ăn với dụng ý trâu có công lớn và đã vất vả quanh năm, nay được ăn trước để có sức cày bừa tiếp.
Trong các nghi lễ cúng bái ngoài trời dịp Tết, còn có lễ cúng bản mệnh cho các thành viên trong nhà và mỗi người được dựng riêng một cây hương để cúng.
Kết thúc Tết vào ngày 7 tháng Giêng, người Mường tổ chức lễ hội “mở mắt cồng, mắt lệnh”, cũng là lễ hội “xuống đồng”, một lễ hội có quy mô lớn nhất, để mọi người vui vẻ, tự tin bước vào một năm sản xuất mới với mong ước đạt những thành quả mới.
CHƠI TẾT
Với người Mường, Tết là dịp vui nhất trong năm, vì thế ngoài ăn Tết no đủ còn phải chơi Tết với các trò chơi, hoạt động diễn xướng văn nghệ, thể thao...
Nổi bật nhất và không thể thiếu là hát sắc bùa (thắc bùa, xéc bùa) trong tiếng cồng chiêng rộn rã, phụ họa cho lời chúc mừng năm mới của người có uy tín trong cộng đồng, hay của trùm phường bùa: “Đám sắc bùa chúng tôi đến nhà ông/… Trâu bò nhà ông nhốt buộc đầy sân/ Đụn lúa nếp nhà ông ăn đến tháng Năm/ Đụn lúa chăm (tẻ) nhà ông ăn đến tháng Mười/ Tết nhất vui cười/ Phường bùa chúng tôi liệu Ba mươi Tết về dộng về chơi/ Rồi chúng tôi còn đến chơi chuyến nữa”. Cách chúc Tết bằng hình thức tổ chức phường sắc bùa đến từng nhà chúc mừng chỉ riêng người Mường mới có. Trong không khí vui tươi đó, mọi người lại cùng nhau uống chén rượu xuân, ăn cỗ và tiếp tục múa hát.
Box: Trong thời hiện đại, bên cạnh việc nỗ lực gìn giữ phong tục cổ truyền, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, người Mường cũng thể hiện sự hội nhập rất nhanh với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cả với xu thế chung của thế giới. Không khép kín không gian văn hóa bản làng như xưa, nhưng cũng không hòa tan, làm mất đi những giá trị, tinh hoa văn hóa mà bao đời đã tạo dựng, vun đắp. |
Ngày Tết, trong mỗi ngôi nhà người Mường diễn ra cảnh thăm thú, giao tiếp đầm ấm giữa gia chủ và người đến chúc Tết. Không chỉ có trà, nước, trầu cau, mà hầu như nhà nào cũng mời khách phải “nâng đũa” cho bằng được. Sau vài tuần rượu, câu chuyện tới hồi rôm rả thì chủ và khách bắt đầu hát Đang đối (đối đáp ngẫu hứng). Thường là khách lên tiếng trước, cảm ơn sự tiếp đãi của chủ nhà rồi cất lên câu hát theo điệu Đang tồn nhằm tôn vinh chủ nhà: “Nghe đồn nhà ta đang ăn nên làm ra/ Giờ thấy mâm cơm đầy quả lời đồn có thật”, hoặc: “Đáng lẽ tiếp cơm rau cũng xong. Đằng này anh (chị) lại tiếp mâm cỗ nhà quan...”. Chủ nhà cảm ơn, cất giọng theo điệu Đang kèng hay Đang tàn xần, nội dung tỏ ý khiêm nhường, cho rằng mình chưa xứng như lời khách đề cao: “Bầu rượu nhạt, mong anh (chị) đừng ngại lần sau...”.
Nếu vì lý do nào đó mà không thể hát Đang đối thì có thể nhờ người có tài Đang đối giúp cho. Tiếp khách tại nhà thì mời người hát giỏi đến giúp, đi hát giao duyên nam nữ trong bản ngoài mường cũng có thể nhờ người hát giỏi giúp cho.
Khi bên nam hát trước, ngoài điệu Đang tồn để tôn vinh “đối phương” (bên nữ), có thể dùng điệu Đang kèng (trêu chọc): “Em là ai mà mấy chục Tết vẫn còn ở nhà cha mẹ...”. Bên nữ đáp lại, giả vờ như chưa hề biết chàng trai cùng bản, sử dụng điệu Đang ướm: “Anh là ai… Muốn bắt quen mà sao thấy lạ...”. Trong cuộc hát giao duyên, có thể tùy lúc sử dụng điệu xường. Bên nam hát: “Em ơi! Đói bụng về thưa với bố mẹ đừng vội ăn rau má/ Đói dạ về bảo bố mẹ đừng ăn lá rau xanh/ Hãy đợi cơm tốt canh lành với con rể hiếm”. Bên nữ đáp: “Anh sẵn lòng khen cơm, anh phải đi cho đến mạ/ Anh sẵn lòng khen cá, anh phải đi cho đến khe…”. Cuộc hát cứ thế kéo dài. Tuy nhiên, hát bọ mẹng mới là thể loại thể hiện tài năng rõ nhất khi phải ứng tác tại chỗ. Bên nam hát: “Đã rắp tâm yêu rồi lấy/ Còn để sợi chỉ thắt tơ vàng/… Bỏ mình anh âu sầu, thương nhớ như con tằm nằm trong lòng cái nia”. Bên nữ đáp liền: “Em hẹn sang chơi cùng với trúc/ Em định sang đánh trục với thông/… Cho thỏa lòng hoa lòng lá/ Cho thỏa lòng dạ đôi ta, anh ơi!”.
Trong thời hiện đại, bên cạnh việc nỗ lực gìn giữ phong tục cổ truyền, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, người Mường cũng thể hiện sự hội nhập rất nhanh với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cả với xu thế chung của thế giới. Không khép kín không gian văn hóa bản làng như xưa, nhưng cũng không hòa tan, làm mất đi những giá trị, tinh hoa văn hóa mà bao đời đã tạo dựng, vun đắp. Người Mường nay đã biết tiếp thu những giá trị mới, làm giàu thêm tính nhân văn trong phong tục tập quán, trong giao lưu văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động trong đời sống nói chung.