(HNHN) Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều làng nghề (LN) nhất cả nước với trên 1.300 làng có nghề, hàng trăm LN được công nhận với một khối lượng lớn sản phẩm. Trong số hàng triệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN), trong đó tranh TCMN được đánh giá là mặt hàng "cô đọng" đậm nét tài hoa và trí tuệ của những người thợ LN.
Từ các làng tranh truyền thống
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều gia đình lại có thói quen chọn mua một vài bức tranh về treo trong nhà. Cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, đến với làng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, khách không chỉ ngỡ ngàng bởi các sản phẩm chén, bát, bình, lọ… đa dạng, hợp túi tiền mà còn bị "hút hồn" với sản phẩm tranh gốm sứ.
Anh Lê Xuân Việt, chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Việt Lan cho biết, "Xưa kia, các nghệ nhân làng Bát Tràng đã từng làm tranh gốm, nhưng kích thước tranh thường nhỏ và số lượng không nhiều, chủ yếu phục vụ các vua chúa, quan lại. Từ cuối năm 1990 đến nay, thợ trẻ LN đã sáng tạo học tập, rồi kết hợp giữa các mẫu tranh truyền thống với một số dòng tranh hiện đại, cho ra đời sản phẩm tranh gốm sứ đa dạng, phong phú và gần gũi với cuộc sống". Để làm được một bức tranh gốm sứ cần nhiều thời gian và sự khéo léo tỉ mỉ của người thợ.
Khách hàng tham quan sản phẩm tranh khảm của làng nghề Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Nguyễn Mai
Ngược Bát Tràng về LN Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề khảm xà cừ (khảm ốc) Việt Nam. Khách được gặp một dòng tranh khảm mỹ nghệ. Anh Nguyễn Bá Nam, người có đôi bàn tay khéo léo trong làng cho biết, "Trước đây, các hộ trong làng thường khảm trên bàn ghế, tủ, đồ thờ, nay nhiều hộ chuyển sang hàng tranh. Loại tranh này hợp với các nhà cổ hoặc nhà có đồ dùng bằng gỗ như sập gụ, tủ chè… giá thành vừa phải với "túi tiền" nhiều người.
Sát với huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín lại có thế mạnh với sản phẩm tranh thêu. Đến đây, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi rất nhiều cửa hàng, xưởng thêu nằm cạnh nhau và "thế giới tranh" muôn màu sắc hấp dẫn. Nghệ nhân thêu Nguyễn Quốc Sự, xã Quất Động tâm sự, người dân nơi đây rất yêu nghề thêu, những lúc nông nhàn họ đều ngồi thêu. Vì thế mà nhà nào cũng có khung thêu, nhiều gia đình có dăm, bảy đời làm nghề. Trong rất nhiều sản phẩm thêu thì chiếm số lượng lớn nhất vẫn là hàng tranh. Bật mí về xu hướng thị trường, anh Đào Văn Tin, chủ cơ sở thêu tay Vân Tin, xã Thắng Lợi cho biết, những bức tranh thêu theo đề tài "phong thủy" treo trong nhà đang được bán rất chạy trên thị trường như: Long Trầu, Hổ Phục, Phụng Cuốn, Thái Sơn… bởi những bức tranh này cần nhiều kỹ xảo, phải có tay nghề cao mới có thể thêu được.
…Đến tranh hiện đại
Dù tuổi còn trẻ, song Nguyễn Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và truyền thông Sao Khuê đã có thâm niên làm tranh đá quý 9 năm nay. Chị Hạnh cho biết, từ năm 1999, đã say mê với những bức tranh đá quý. Năm 2004, Hạnh chính thức chọn nghề tranh để lập nghiệp. Tranh đá quý, hay còn gọi là "cẩm ngọc lên tranh" vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có giá trị phong thủy. Người làm tranh, bán tranh không chỉ để kiếm sống mà là lòng yêu nghề, muốn chuyển tải sự tinh tế, cái hồn vào sản phẩm đến người chơi tranh. Hiện công ty của Hạnh đang có 7 thợ làm tranh cung cấp cho thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương và một số tỉnh, TP khác.
Đối lập với tranh đá quý vốn được coi là mặt hàng xa xỉ, đắt tiền, những bức tranh tre lại được làm từ chất liệu hết sức đơn sơ, thân thiện với con người. Hiện Hà Nội có 2 dòng tranh tre là: tranh ghép tre và mành tre có họa tiết, tập trung ở các huyện Đông Anh và Thanh Trì. Đây được đánh giá là loại tranh nghệ thuật độc đáo và mới lạ mang đậm bản sắc của dân tộc.
Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội, trong số các sản phẩm TCMN của Hà Nội, tranh TCMN được coi là nhóm sản xuất mang chất nghệ thuật cao có ở nhiều ngành. Tuy nhiên, do sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật cao, nên nhiều cơ sở sản xuất ở các LN cũng đối mặt với những khó khăn nhất định.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tranh TCMN, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và tiêu thụ sản phẩm, từ ngày 14 đến ngày 20-12-2011 tại Phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội, số 176 Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội, Trung tâm Khuyến công, tư vấn và PTCN Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và truyền thông Sao Khuê tổ chức "Tuần trưng bày sản phẩm chuyên đề tranh TCMN".
Tham gia tuần trưng bày có hơn 20 DN đến từ các LN và các thợ TCMN trên địa bàn Hà Nội đã mang tới trưng bày, quảng bá những sản phẩm đặc sắc được làm từ đôi tay khéo léo của mình như: tranh đá quý, tranh tre, tranh thêu, tranh sơn mài, tranh gốm, tranh khảm trai…
Theo hnm
|