Chuẩn bị lễ cúng thần nước
Với quan niệm “vạn vật hữu linh” người Jrai cho rằng có một vị thần đã tạo ra nguồn nước, đó là thần nước (Yang Ia). Khi tìm được nguồn nước, việc làm đầu tiên trước khi lập làng là người dân phải tổ chức cúng bến nước với lễ vật là: 1 con lợn đen, 1 con gà đen và 1 ghè rượu. Sau khi lập làng, hàng năm người dân đều duy trì việc cúng bến nước để tạ ơn vị thần đã ban cho con người nguồn nước dồi dào để mọi người dân được khỏe mạnh. Lễ cúng máng nước thường được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 3 sau khi tỉa lúa hoặc tháng 12 sau khi mùa màng thu hoạch xong.
Những bầu nước sạch đầu nguồn
|
Người Jrai có hai loại nguồn nước để sinh hoạt. Ở những vùng đất gần đồng bằng thì họ chọn đất lập làng ở ven sông rồi chọn một nơi cố định làm bến nước sinh hoạt. Đối với các vùng đồi núi thì người Jrai chọn một nơi có mạch nước chảy từ vùng núi xuống. Đồng bào lắp máng nước bằng tre (được gọi là “Ia Nang”) để người dân dễ sử dụng. Bến nước không chỉ là nơi để lấy nước về sinh hoạt mà còn là nơi gặp gỡ hàng ngày để chia sẻ những thông tin cần biết của dân làng. Sáng sớm thức dậy, những phụ nữ thường đi lấy nước và kể cho nhau nghe những chuyện đã diễn ra trong gia đình và những nơi xung quanh, sau đó họ mang những câu chuyện đó về kể lại cho các thành viên khác trong gia đình mình.
Hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa (Hơjan lĕ rah) đổ về, già làng huy động dân làng tổ chức cúng bến nước (ngă yang pên ia). Đây cũng là dịp người dân cùng có trách nhiệm làm sạch bến nước, sửa sang lại đường xuống lấy nước cho thuận tiện. Khởi đầu, mọi người tập trung sửa chữa máng nước cũ hoặc bắc máng nước mới, gia cố hệ thống giá đỡ đường ống máng nước để đưa nước về bôn làng. Dân làng chia nhau đi kiếm cá, hái rau, gài bẫy bắt thú, chuẩn bị những ghè rượu ngon để cùng nhau thưởng thức trong những ngày diễn ra lễ hội.
Rộn ràng lễ cúng bến nước của người Jrai
Từ sáng sớm, già làng đã gọi mỗi gia đình một người tham gia việc chuẩn bị cho lễ hội. Người ta mang theo cuốc, rựa để phát quang đường từ làng xuống bến nước, đào đắp đường xuống thành những bậc thang cho dễ lên xuống dưới bến để lấy nước. Những người khéo tay thì được phân công đi chặt cây lồ ô về làm cây nêu trang trí cho buổi cúng được trịnh trọng. Bến nước được dọn sạch sẽ, máng nước bằng tre cũ sẽ được thay thế bằng máng tre mới. Sau khi xong phần chuẩn bị, hai người dân trong làng được phân công mang một con heo đen và một con gà đen xuống bến nước. Già làng cử một người mổ heo và gà, sau đó giao cho những thanh niên trong làng nhóm lửa thui heo, gà. Sau khi heo, gà được nấu nướng chín, già làng đặt ghè rượu phía dưới máng nước, lấy phần gan heo và gà còn sống đặt vào tai ghè rượu rồi đọc lời khấn:
Những bầu nước lấy từ máng nước để nấu cơm
|
“Hỡi thần cây cối tre nứa, thần núi rừng... hãy đến đây với chúng tôi, cùng uống rượu ăn gan heo, gan gà này. Hỡi thần suối Chan hãy băng qua rừng, thần suối Ai men theo bờ ruộng, thần suối Kleng đi theo hướng Đông, thần suối Tong Bră dọc theo khe núi, thần suối Pok hãy đến với giọt nước của làng chúng tôi. Hôm nay chúng tôi làm lễ cúng dâng đến các vị thần gan gà, gan heo và rượu... Rượu thơm nồng được tưới lên bến nước, cầu mong thần phù hộ cho dân làng có cuộc sống tốt, luôn luôn khỏe mạnh, con cháu người thiểu số chúng tôi luôn mạnh khỏe đừng ốm đau bệnh tật. Hãy cho chúng tôi nguồn nước trong veo, tràn trề”.
Sau khi dứt lời khấn, già làng lấy gan heo, gan gà hòa vào một ít rượu cúng mang lên tưới trên đầu nguồn của giọt nước. Sau đó già làng uống rượu và ăn vài miếng thịt chín (thịt sống thì dành cho yang, thịt chín thì dành cho người). Uống xong, già làng mời những người già trong làng uống trước, khách khứa và thanh niên uống sau. Xong phần lễ cúng, mọi người cùng uống rượu và trò chuyện cho đến khi rượu nhạt thì về nhà. Những người phụ nữ xuống lấy nước đựng trong những chiếc bầu khô gùi về nhà để sử dụng trong gia đình.
TS. Trần Tấn Vịnh/ langvietonline
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/le-cung-ben-nuoc-cua-nguoi-rai-20180822095215758.htm