Với kinh nghiệm làm nghề gần nửa thế kỷ, người dân ở Long Thành Trung có thể tạo ra các sản phẩm từ mây, tre, nứa công phu, bền, đẹp theo nhiều mẫu mã, được khách hàng ưa chuộng, tiêu biểu như: bàn ghế, tủ, kệ, salon, nhà lều… Để sản phẩm đạt chất lượng cao hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, làng nghề cần thiết phải có một tổ chức định hướng phát triển theo hướng bền vững và Hợp tác xã Mây tre Long Thành Trung đã ra đời vào tháng 11/2010 theo xu thế đó. Hoạt động chính của Hợp tác xã là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mây, tre, nứa nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Máy trẻ lạt đều phục vụ cho việc đan được thuận tiện tốt hơn
|
Nghề mây, tre đan truyền thống tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nơi đây
|
Thăm làng nghề mây tre nứa ở Long Thành Trung, các sản phẩm tại đây đều được chuyên môn hóa qua từng công đoạn, từ chẻ, vót tre, nứa thành từng nan nhỏ đến việc phơi, gia công sản phẩm… Đặc biệt, công đoạn chẻ đã được sử dụng bằng máy, thay vì chẻ bằng tay như trước đây. Theo anh Hà Ngọc Quyết, chủ một cơ sở làm sản phẩm mây tre nứa, máy chẻ cho năng suất cao gấp 10 lần so với làm thủ công. Để cho ra một sản phẩm mây tre nứa đạt chất lượng về tính năng sử dụng và mẫu mã, ngoài việc chọn được cây nguyên liệu đẹp, người thợ còn phải rất cẩn thận ở mọi khâu, nhất là khi gia công những sản phẩm khó. Do vậy, từ những nguyên liệu mây, tre, nứa thô sơ, qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, đã biến thành những chiếc bàn ghế, tủ, kệ, salon đủ các kích cỡ, màu sắc đẹp và tinh xảo. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của anh Quyết tạo công ăn việc làm cho 3 thợ chính với thu nhập của mỗi người bình quân trên 100.000 đồng/ngày, 4 thợ phổ thông mỗi người khoảng 70.000 - 80.000 đồng/ngày.
Tre, nứa là nguyên liệu của làng nghề mây truyền thống.
|
Những thanh nứa được cắt và phơi khô trước khi sử dụng.
|
Nghề mây, tre đan đòi hỏi bàn tay khéo léo, sáng tạo của người thợ.
|
Thực tế, lãnh đạo xã Long Thành Trung đã tạo điều kiện về mặt bằng cho Hợp tác xã Mây tre Long Thành Trung làm văn phòng, đồng thời xin cấp trên 100 triệu đồng để trang bị các phương tiện cho Hợp tác xã. Điều này cho thấy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến sự phát triển của làng nghề truyền thống. Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Thành cũng hỗ trợ Hợp tác xã máy móc cần thiết để sản xuất như: máy cắt, cưa, bào… Đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong Hợp tác xã thì được Quỹ hỗ trợ khuyến công hay Ngân hàng chính sách xã hội cho vay với mức 20 triệu đồng và hoàn trả trong 3 năm.
Ngoài ra, Hợp tác xã Mây tre Long Thành Trung còn phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Hòa Thành tổ chức dạy nghề cho các xã viên có nhu cầu học nghề hay nâng cao tay nghề làm sản phẩm mây tre nứa. Đây là một cách thức hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm mây tre nứa Long Thành Trung, góp phần giúp cho làng nghề ngày càng phát triển, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thu Hằng/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/lang-nghe-may-tre-long-thanh-trung-20180813155702704.htm