Tuy nằm trên địa bàn 4 xã nhưng các làng này lại kề nhau và vì người dân có nghề chế tác lược chải tóc (và một số sản phẩm mỹ nghệ khác) từ sừng trâu, nên có chung tên gọi dân gian là xóm Lược. Chính xác thì chỉ có 3 làng Phước Long, Phước Thọ, An Thiết làm nghề. Làng Vạn Hòa chuyên cung cấp nguyên liệu và mua sản phẩm để bán lại khắp nơi trong tỉnh và trong nước.
Truyền thuyết về 3 anh em ông Xá (ông Xá, bà Tá, bà Hợp) còn lưu truyền trong vùng, kể rằng: Sau khi đưa dân đến đây khai phá, lập làng, ông Xá đã khuyến khích họ chăm lo các nghề thủ công như chằm nón, chế tác sừng để phụ vào nghề cày ruộng, lo thêm cái ăn, cái mặc. Ông Xá rấm binh chống lại Triều đình nhưng không thành, phải chịu hình phạt tự “thăng thiên” bằng 7 thước lụa điều; song nghề chế tác sừng và nghề làm nón thì vẫn còn truyền lưu đến tận ngày nay.
Xóm Lược hiện có khoảng chừng 60 hộ tham gia chế tác sừng, trong số đó có khoảng 20 hộ chuyên nghiệp (hầu như không làm nông); gần 40 hộ còn lại chỉ làm nghề trong thời gian nông nhàn, hoặc vào ban đêm. Số nghệ nhân lành nghề có hơn 60 người, số tinh nghề, có thể làm ra những sản phẩm độc đáo, giàu tính thẩm mỹ (đồ thờ, cờ tướng...), còn không đầy 10 người, hầu hết đã cao tuổi.
Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó hình dung làm thế nào để từ những chiếc sừng trâu, người thợ lại chế tác ra hàng chục sản phẩm vừa bền, lại vừa đẹp như các loại lược (lược dày, lược thưa, lược chuyên dùng cho thợ cắt tóc, lược xếp), cài tóc phụ nữ, con cờ các loại, tượng trang trí, đồ thờ, bút, thắt lưng, gọng kính, hộp đựng đồ trang sức phụ nữ...
Chế tác sừng nằm trong số không nhiều những nghề thủ công mà người thợ phải sử dụng khá nhiều công cụ và phải qua nhiều khâu gia công mới có được sản phẩm hoàn chỉnh. Chẳng hạn, muốn làm chiếc lược chải đầu, người thợ cần đến ít nhất 9 loại công cụ, bao gồm: Cưa các loại (gồm 5 cỡ), bộng ép (để ép sừng thành từng khối), bào (10 cỡ lưỡi khác nhau), nhiếp (để phân cỡ răng lược), miết (để sửa lưỡi bào), thứa (điều chỉnh đường cưa), đục, cùm, dao khắc...
Từ sừng trâu thô đến chiếc lược xinh xắn phải đi qua hàng loạt công đoạn: Đầu tiên dùng cưa cắt sừng theo chiều dọc với những kích cỡ khác nhau. Tiếp đến là hơ nóng và đều trên lửa cho sừng mềm ra để đưa vào bộng ép thành từng khối. Trên khối sừng đã ép, người ta dùng dao và nhiếp phân vạch kích cỡ tương ứng với từng sản phẩm. Phân cỡ xong, dùng cưa, thứa để “ra sừng”. Các mảnh sừng có kích cỡ này được bào cho thật đều và nhẵn trước khi đem phân vạch, rồi dùng một chiếc cưa thật mảnh và sắc “cắt răng” cho thật đều để trở thành chiếc lược sơ chế. Lược sơ chế phải chỉnh lại răng, chạm khắc và đánh bóng để có được thành phẩm vừa ý người dùng.
Một chiếc lược dày răng loại 1, dùng cho các bà, các cô dài chừng 9 phân, rộng 5 phân. Lược này cắt 2 hàng răng dọc theo 2 cạnh dài. Mỗi hàng có chừng 100 răng đều tăm tắp. Thật kỳ công mà cũng thật khéo tay. Đó mới chỉ là sản phẩm “thường thường bậc trung” so với những sản phẩm độc đáo như vỏ bút máy, con cờ tướng, chân đèn, bát hương hay các con giống trang trí (voi, trâu, cua, tôm hùm...).
Bà con kể rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945- 1954), xóm Lược là nơi sản xuất và cung cấp những quản bút bằng sừng đẹp nổi tiếng cho thầy trò Trường Trung học kháng chiến Rừng Xanh, đóng ở khu rừng Xanh, nằm cách xóm Lược chừng vài cây số về phía Tây.
Theo các nghệ nhân, từ Nghệ An trở vào Nam không đâu có nghề chế tác sừng. Vì thế sản phẩm họ làm ra (chủ yếu là lược) được những người bán lược (ở làng Vạn Hòa, xã Tịnh Thọ) mang đi bán tận Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào, Campuchia. Một số người bán lược kiêm luôn nghề thu mua sừng nguyên liệu từ Châu Đốc, Long Xuyên, Bảy Núi về cung cấp cho người sản xuất.
Số nghệ nhân làm ra được các sản phẩm độc đáo, giàu tính mỹ nghệ như đã nói trên kia, còn lại rất ít, hầu hết là người cao tuổi. Họ chỉ làm sản phẩm để giữ nghiệp tổ hoặc theo đặt hàng của một số người thích chơi đồ mỹ nghệ. Lớp tuổi trung niên nhiều người thạo việc nhưng vì thu nhập thấp nên không còn bao nhiêu người theo nghề.
Cũng như nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống khác, cái khó hiện nay của nghề chế tác sừng liên quan đến các khâu vốn, nguyên liệu, năng lực đa dạng hóa sản phẩm của người thợ và thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm của nghề chế tác sừng đẹp, giá cả không cao, nhiều người thích dùng nhưng lâu nay chỉ được bày bán ở những chợ quê hoặc mang đi bán dạo quanh những xóm lao động ở thành thị nên số lượng tiêu thụ không nhiều và rất chậm. Các loại sản phẩm tinh xảo (cờ sừng cẩn xà cừ, đồ thờ, con giống...) đủ sức góp mặt kiêu hãnh trong các nội thất sang trọng hoặc trong sưu tập của những người thích chơi hàng mỹ nghệ, lại ít được giới thiệu nên gần như bị lãng quên.
Nghề chế tác sừng ở xóm Lược đang có nguy cơ mai một, bao nhiêu tri thức dân gian quý báu truyền lại từ đời này sang đời khác rơi rớt dần theo thời gian. Những người thợ làm lược dù tha thiết với nghề nhưng đành phiêu dạt tha hương vì miếng cơm, manh áo. Giữ nghiệp của ông cha, hầu hết là những người cao tuổi, gần đất xa trời.
Nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp của người thợ và làm cho người thợ sống được với nghề, đó là hai mặt của một vấn đề cần giải quyết thỏa đáng, đồng bộ để tìm ra lời giải cho bài toán hồi phục làng nghề xóm Lược.
Nhìn ra cả nước, làng nghề lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) từng đứng trước nguy cơ thất truyền, nhưng nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của chính quyền, nhiều người thợ đã quyết tâm giữ gìn, khôi phục lại nghề tổ. Họ vừa nghiên cứu thị trường, tìm lối ra cho những chiếc lược truyền thống, vừa mày mò cải tiến cách làm cũng như mẫu mã để có những chiếc lược đẹp hơn, giá cả phải chăng. Sản phẩm của làng nghề chế tác sừng Thụy Ứng được khắp nơi trong nước ưa chuộng và xuất khẩu ra nước ngoài, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo của Việt Nam.
Bài học từ Thụy Ứng xem rất cần cho làng nghề xóm Lược!
Lê Hồng Khánh/ thegioidisan.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/xom-luoc-va-nghe-che-tac-sung-20180618105403903.htm