Thủ phạm từ phòng ngủ...
Những ngày thời tiết ẩm ương như hiện nay tỷ lệ trẻ mắc các bệnh viêm mũi họng, ho hắng lại tăng lên. Tình trạng trẻ đến viện ho, sốt, sổ mũi đã uống kháng sinh nhiều lần vẫn chiếm đa số - PGS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Ho là triệu chứng thường gặp nhất trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, được coi là một cơ chế bảo vệ quan trọng cho đường hô hấp dựa trên quan điểm sinh lý bệnh học. Ho giúp cơ thể trẻ thực hiện 2 chức năng quan trọng là đẩy dị vật hoặc thức ăn ra ngoài nếu không may rơi vào đường hô hấp; loại bỏ các chất xuất tiết từ đường hô hấp.
Tuy nhiên, không phải cứ ho là trẻ bị nhiễm trùng như hen phế quản, viêm hô hấp mà có thể do tiếp xúc với các loại khói, bụi như khói thuốc lá, thuốc lào, bếp than, bếp củi, thậm chí ở ngay trong phòng ngủ của nhà cũng chứa các hạt bụi lơ lửng trong không khí khiến trẻ ho.
PGS Dũng kể ông tiếp nhận bệnh nhi mới 14 tháng tuổi nhưng cháu bé ho kinh niên, bố mẹ tự mua đủ các thuốc cho uống nhưng không đỡ. Bé cứ ốm lai rai suốt, ho từng cơn và nôn trớ hết thức ăn.
Nhiều mạt bụi trong phòng ngủ của bé cũng là thủ phạm gây ho
Khi đi khám, bác sĩ tư vấn và hỏi trong gia đình có sử dụng bếp than tổ ong hay hút thuốc lá không thì giật mình vì nhà bé ở nhà tập thể cũ, không khí ẩm thấp, bố hút thuốc dù bố cháu có ra ngoài hành lang hút thuốc thì cháu vẫn bị những tác nhân này gây cho ho.
Một số cháu bé cứ lai rai viêm mũi họng suốt không khỏi và khi đi khám thì bác sĩ tư vấn hỏi kỹ hoá ra phòng của trẻ sẽ bị các tác nhân gây ô nhiễm như kín quá, không thông gió; ẩm thấp; hay có nấm mốc, ô nhiễm bụi (kể cả bụi không nhìn thấy nằm ở trong điều hòa, trong rèm cửa, giường ngủ… lâu ngày không được vệ sinh; các chất tiết của các con gián; phấn hoa bay vào…) làm cho trẻ thường bị ho hắng lặp lại nhiều lần.
Những nguyên nhân này cha mẹ chẳng mấy khi để ý đến mà chỉ vội đổ lỗi cho thời tiết, nhiễm khuẩn. Với những trẻ bị tác nhân gây ho này chỉ cần tránh trẻ khỏi các yếu tố trên sẽ đỡ.
3 dấu hiệu ho nguy hiểm
PGS Dũng cho biết khi trẻ có 3 đặc điểm ho như sau cha mẹ cần chú ý và đưa bé đến bác sĩ tránh biến chứng:
Ho kèm theo sốt
Ho kèm theo khó thở
Ho kèm theo tiếng thở bất thường
Chú ý những cơn ho bất thường của trẻ
Nếu trẻ ho bình thường thì không phải lo vì ngay cả người lớn cũng vẫn ho vì những tác nhân như ngủ dậy thấy hơi lạnh, ra đường mùi khói xe khó chịu...
Phụ huynh cứ thấy con ho là sốt ruột, lo lắng. Có những bà mẹ than thở đêm con ho không ngủ được khiến mẹ cháu quắt queo theo con. Đó là tâm lý chung nhưng không phải vì thế mà đã cho bé uống thuốc vội. Đặc biệt khi các nghiên cứu trên thế giới đã công bố, chỉ có 15% bệnh nhân có triệu chứng ho là nhiễm khuẩn và cần dùng đến kháng sinh. 85% bệnh nhân còn lại mắc ho là do virus hoặc các nguyên nhân khác.
Dấu hiệu do vi rút là trẻ chảy nước mũi, ho, nước mắt chảy, mắt tèm nhèm. Các bé sẽ tự khỏi nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan phải theo dõi ba biểu hiện trên của ho để cho bé đi khám. Còn lại bé vẫn linh hoạt, khoẻ mạnh, ăn được, ngủ được chơi bình thường 5 – 7 ngày hoặc 1 – 2 tuần là cùng bé sẽ tự khỏi.
Phụ huynh cứ cho con uống kháng sinh không có tác dụng gì. Vì cho đến nay, vi rút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn và trong các trường hợp chống nhiễm trùng.
Đặc biệt, PGS Dũng nhấn mạnh cần loại bỏ ngay suy nghĩ cứ thấy con bị ho, viêm họng là các bậc phụ huynh tự động cho kháng sinh, thậm chí một số thầy thuốc cũng tương tự. Trẻ tới khám có triệu chứng ho + sốt + viêm họng là cho kháng sinh không.
Đây là hiện tượng rất phổ biến ở nước ta. Cứ thấy con ốm là ra hiệu thuốc mua thuốc và cho con uống kháng sinh gây nên tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh mà bệnh không khỏi.