Loài cây đẹp có nhiều tác dụng
Loài cây đẹp đó là cây Lộc vừng còn gọi là cây Mưng, có nơi đặt vào bộ tứ quý (Sanh, Sung, Tùng, Lộc); có nơi đặt vào bộ tam đa sinh vật cảnh (Vạn tuế ứng với Thọ, Lộc vừng ứng với Lộc, Sung ứng với sự sung túc), được trồng làm bonsai trong các bể, ang, chậu, hay cây cảnh, cây bóng mát nơi nhà ở, công sở, sân vườn, bờ ao, đầm hồ, đô thị, bệnh viện, trường học, công viên, khu sinh thái…
Theo TS Nguyễn Hoàng Điệp – Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông, cây Lộc vừng đẹp từ hình dáng đời thường, tới phong thủy. Đặc biệt hoa chùm dây đẹp, chuỗi dài 6-30cm, chăm sóc tốt chuỗi có thể dài tới 70cm, rủ mềm và thơ mộng, dễ tạo dáng thế.
Thời Pháp thuộc ở Hồ Gươm có trồng 3 cây lộc vừng, mỗi mùa hoa đỏ rực làm nổi bật không gian Hồ Gươm, và để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng người Hà Nội.
Dù là cây cảnh, hay bonsai thì Lộc vừng cũng có các loại lá tròn, lá dài, với hoa màu trắng, đỏ, vàng, thường nở rộ vào tháng 3, kéo dài đến tháng 8. Màu đỏ của hoa làm nổi bật không gian sống, mùi hương thơm thoang thoảng, quyến rũ.
Tuổi thọ cây Lộc vừng tới hàng trăm năm, tán dày, rộng có tác dụng điều hòa không khí rất tốt. Việt Nam mưa bão nhiều, nắng hè rất gay gắt, một cây lộc vừng cổ thụ có thể chắn gió, giúp cản không khí nóng nực của mùa hè, và thổi gió mát vào nhà.
Dân gian hay dùng quả Lộc vừng giã nát làm bả đánh bắt cá. Rễ lộc vừng vị đắng, thơm, mát dùng bào chế các loại thảo dược để trị sởi, chữa bệnh. Quả lộc vừng trị hen suyễn và ho.
Quả xanh để ép nước, bôi vào vết chàm, ngâm rượu chữa nhức răng. Hạt lộc vừng được giã nhuyễn, trộn với dầu và bột, để trị tiêu chảy, các bệnh mắt, trị đau bụng…
Vỏ lộc vừng chứa nhiều tannin – như các loại trà để chữa đau bụng, tiêu chảy từng cơn. Đọt non của Lộc vừng ở một số nước Đông Nam Á dùng để nấu canh chua, ăn kèm một số món cuốn…
Tây y cũng dùng các hoạt chất từ quả và rễ cây lộc vừng để sản xuất thuốc kháng sinh, chống viêm loét dạ dày, hành tá tràng, ung thư dạ dày, giảm đau, kháng nấm.
Giá trị phong thủy của cây Lộc vừng
Xưa các đình làng, dinh thự vua quan xưa hay trồng cây Lộc vừng với mong muốn mang lại may mắn và tài lộc, thịnh vượng, bình yên.
Tên Lộc vừng được cho là lộc ứng, phát lộc như vừng (mè), tuy hạt nhỏ nhưng nhiều, dồi dào và có khả năng sinh sản vô định.
Theo quan niệm dân gian:
Gốc cây Lộc vừng to, vững chắc tượng trưng cho ý chí kiên định, khó lay chuyển.
Tuổi thọ cao của Lộc vừng mang ý nghĩa trường thọ, bách niên giai lão.
Chữ “Lộc” ứng với tài lộc – “vừng” là nhỏ nhặt, nhưng nhiều.
Hoa Lộc vừng màu đỏ, tươi sáng tượng trưng cho hỷ sự, sung túc, hưng vượng… rất thích hợp để làm quà biếu tặng tân gia, thăng chức, lễ tết, sinh nhật… Mỗi năm lộc vừng chỉ ra hoa một lần và chỉ 10-15 ngày là đỏ rực cả cây.
Nhiều người tận dụng thời gian Lộc vừng nở hoa để phát triển việc làm ăn, đặc biệt là người kinh doanh lớn - họ tin khi Lộc vừng ra hoa nghĩa là thành công nở rộ, làm việc gì cũng được như ý.
Hoa của cây Lộc vừng màu đỏ rất đẹp, có ý nghĩa thịnh vượng, phát lộc. Trồng cây Lộc vừng để tài lộc vào nhà như nước, vừa để ngắm vừa được ăn.
Và muốn tăng nguồn năng lượng dương cho ngôi nhà, nhiều người thường trồng 2-3 cây cổ thụ, hoặc cây cảnh khác để dung hòa nguồn năng lượng ẩn trong cây, cũng là “kiêng” việc “không trồng một cây cổ thụ”, bởi Các cụ xưa còn kiêng “không trồng duy nhất một cây cổ thụ”, nên thường trồng cây Lộc vừng với vài cây cổ thụ khác, với quan niệm cây Lộc vừng sống lâu sẽ tích tụ nhiều khí trong lành.
Vì vậy cây Lộc vừng cổ thụ rất có giá, với quan niệm khi mua lại cây Lộc vừng già thì được thêm cả tài lộc của chủ cũ.
Theo TS Nguyễn Hoàng Điệp, cây Lộc vừng nên trồng trước nhà để tăng nguồn năng lượng dương, giảm năng lượng âm có thể ảnh hưởng đến ngôi nhà.
Cửa chính là mặt tiền, là nơi đón các loại khí quy tụ về, có cả vượng khí và âm khí nên màu đỏ của cây Lộc vừng có khí dương đến sẽ mang may mắn, hỷ sự, tài lộc, phúc lành cho gia chủ.
Nên trồng Lộc vừng ở vị trí thoáng đãng, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, ánh sáng để cây phát triển tốt, cho hoa đẹp, mới làm đẹp ngôi nhà, tăng lưu chuyển năng lượng, mới thu hút tài lộc, may mắn, đem đến sự hài hòa, tài lộc thịnh vượng, hạnh phúc.
Theo nhiều nhà nghiên cứu phong thủy, nếu bố trí nhà ở theo phong thủy thì trước khi có ý định trồng cây cổ thụ, cây cảnh hãy tham khảo tư vấn của các chuyên gia phong thủy xem địa thế, vị trí ngôi nhà và mệnh gia chủ trồng loại cây gì, màu gì phù hợp.
Không nên tùy tiện trồng cây lưu niên vì có thể làm hỏng phong thủy ngôi nhà.