Trà rất tốt, nhưng vẫn có sự tương khắc lớn với những thực phẩm này
Hoa Đà, một danh y Trung Hoa thời Đông Hán cũng từng viết rằng, trà vị chát, uống vào lợi tư duy, ít ốm, thân nhẹ nhàng, mắt tinh sáng.
Trong sách Thần nông bản thảo có viết đại ý rằng, Vua Thần Nông nếm hàng trăm thứ cỏ, gặp phải 72 loại cỏ độc, uống trà là giải độc được ngay.
Nghiên cứu Đông y cho rằng, trà có rất nhiều tác dụng trị bệnh hiệu quả. Trong lá trà có các loại chất đặc biệt như Caffeine (giúp tinh thần phấn chấn, tăng cường sức khỏe trái tim), catechins (chất chống oxy hóa làm giảm cholesterol).
Ngoài ra còn có các chất khác như vitamin (có thể bổ sung các loại vitamin bao gồm vitamin A, E, B1, B2 và C…), khoáng chất (trong lá trà rất giàu Kali có thể thúc đẩy giúp loại bỏ natri trong máu, phòng chống bệnh cao huyết áp), flavanol (giúp loại bỏ chứng hôi miệng) và saponin (chống viêm), nhóm axit butyric (giúp giảm huyết áp).
Tuy nhiên, dù là thực phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe tới đâu, cũng đều có những lưu ý nhất định. Sự ‘tương khắc trong thực phẩm’ nếu không biết, không những không hấp thụ được các chất dinh dưỡng một cách thuận lợi, mà còn sinh ra chất độc dẫn tới sinh bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người bị nhẹ thì khó chịu, nôn nao, nặng thì đau bụng, nôn mửa, thậm chí ngộ độc nguy hiểm. Danh sách thực phẩm tương khắc với trà có nhiều, nhưng 4 loại thực phẩm phổ biến sau đây bạn nên hạn chế.
1. Không uống trà sau khi uống rượu
Có rất nhiều người thích uống trà sau khi uống rượu vì nghĩ rằng uống trà có thể giúp giải rượu, kích thích tiêu hóa thức ăn, lợi tiểu. Tuy nhiên cách uống này rất gây bất lợi cho thận.
Chất theophylline có trong lá trà có tác dụng lợi tiểu, còn chất acetaldehyde trong rượu lúc này chưa hoàn toàn được phân hủy, nếu uống trà sau khi uống rượu sẽ làm cho chất acetaladehyde này đi vào trong thận, dẫn tới sự kích thích lớn trong thận.
Từ đó gây ra tổn thương tới các chức năng của thận, có thể sinh ra một loạt các triệu chứng khác như lạnh thận, tiểu dắt, đau tinh hoàn hoặc một số triệu chứng khác. Có rất nhiều thực phẩm và đồ uống để giải rượu dành cho bạn khi cần thiết.
2. Không uống trà với thuốc tây
Chất axit tannic trong lá trà kết hợp với một số loại thuốc sẽ có phản ứng hóa học dẫn tới kết tủa, ảnh hưởng tới sự hấp thu thuốc.
Các chất kích thích như caffeine và theophylline có chứa trong lá trà làm suy yếu hoặc chống lại tác dụng an thần có chứa trong thuốc. Do đó bạn nên dùng nước ấm để uống thuốc, mới có thể phát huy hết tác dụng của thuốc.
Tốt nhất là dùng nước lọc ấm để uống thuốc.
3. Không uống trà với đường kính
Nhiều người vẫn có thói quen và đường vào trà để uống, nhưng đó là một thói quen có hại. Lá trà có vị đắng tính hàn, mục đích khi dùng trà là để sử dụng vị đắng trà để kích thích tuyến tiêu hóa, thúc đẩy bài tiết dịch tiêu hóa và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Cùng với việc tận dụng tính hàn lạnh của trà để đạt tới hiệu quả thanh nhiệt giải độc, nếu cho thêm đường kính vào đó sẽ làm ức chế hiệu quả này của trà. Nếu bạn muốn ra ngoài uống trà cũng cố gắng lựa chọn và gọi loại ít đường hoặc không đường.
4. Không uống trà khi ăn thịt dê
Đông y nghiên cứu cho rằng, thịt dê là loại thực phẩm bổ dưỡng, được nhiều người tìm mua vì nghe nói về công dụng giúp quý ông sung mãn hơn.
Thực tế, những công dụng quý của thịt dê không chỉ là lời đồn mà phần nhiều có những chứng cứ xác thực. Theo đông y, thịt dê có tính nóng, không độc có công dụng làm mạnh dương đạo, ấm trung tiêu, an tâm thần.
Thường xuyên ăn thịt dê có tác dụng bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi ăn thịt dê xong không nên uống trà. Nguyên nhân là vì trong thịt dê có nhiều protein, trong khi trà xanh có chứa axit tannic, chúng phản ứng với nhau tạo thành hợp chất không tiêu hóa được, vừa mất chất dinh dưỡng, vừa gây ra táo bón.
Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, chất độc sẽ nằm lâu trong ruột, thấm ngược trở lại cơ thể, gây hại đến sức khỏe.
Do vậy, sau khi ăn thịt dê xong không nên lập tức uống trà mà nên đợi từ 2 -3 tiếng sau mới nên uống. Điều này áp dụng cũng tương tự với thịt chó.
Theo Trí thức trẻ