La hán quả thuộc loại cây dây leo rụng lá theo mùa, cây mọc hoang và được trông tại vùng Tây Nam Trung Quốc.
La hán là loại cây được trồng để lấy quả. Quả la hán vừa được dùng làm nước uống giải khát thanh nhiệt cơ thể vừa là một vị thuốc đông y.
Quả la hán khô, màu nâu vàng sẫm hơi bóng có lông nhung, hình tròn hoặc tròn dài, đường kính 5-8 cm. Quả giòn dễ vỡ sau khi vỡ mặt trong có màu trắng vàng, xốp nhẹ. Hạt bên trong bẹt hình tròn trong hạt có hai lá mầm vị ngọt. Quả la hán tốt là quả tròn, lớn, cứng chắc, màu nâu vàng, lắc không kêu.
Tác dụng của quả la hán
Theo Đông Y quả la hán vị ngọt, tính mát, không độc đi vào hai kinh phế và đại trường (sách Quảng Tây Trung dược chí nói quy kinh phế và tỳ).
Có công năng nhuận phế, lợi hầu, giải khát, nhuận tràng thông tiện. Do đó được sử dụng để trị ho phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, đại tiện bí kết (trị đờm, ho gà, huyết táo)... Cụ thể được sử dụng trong viêm long đường hô hấp trên như hầu họng, viêm amidan..., trị viêm phế quản cấp hay mạn hay chứng táo bón kinh niên do ruột khô..
Ngoài ra còn thấy nước sắc của quả la hán có tác dụng trấn khái (chống ho), khử đàm (trừ đờm) rõ ràng và lại còn có khả năng làm tăng cường chức năng miễn dịch của các tế bào của cơ thể. Trà la hán còn là thứ giải khát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với người bị nóng trong mà đông y gọi là “thể tạng uất hỏa nội kết”.
Một số bài thuốc sử dụng quả la hán
Chữa mất tiếng: La hán 1 quả, thái lát, thêm lượng nước thích hợp sắc lên, chờ nguội, chia ra uống nhiều lần, mỗi lần một ít.
Chữa ho gà (bách nhật khái): La hán 1 quả, hồng khô 25 g, sắc nước uống; hoặc dùng trái la hán 1 quả, phổi lợn 40 g (bóp hết bọt), hầm chín, thêm gia vị vào ăn.
Chữa viêm họng: Lấy quả la hán thái hãm với nước sôi, uống thay nước trong ngày.
Chữa ho đờm vàng quánh: la hán 20g, tang bạch bì 12g, sắc lấy nước uống trong ngày.
Bổ phế (hỗ trợ trong trị lao): La hán 60g, thịt lợn nạc 100g, hai thứ thái lát cho hầm cùng, nêm gia vị đủ, ăn cùng cơm.
Chữa táo bón: Dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.
Trị cảm nóng và khát: Lấy một quả la hán bổ đôi quậy đều trong nước sôi uống thay trà.
Những người không nên dùng la hán
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội cho biết: Trái la hán có vị ngọt, tính mát có tác dụng nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện. Do đó thích hợp nhất với những người có thể chất nhiệt, có bệnh lý hô hấp và tiêu hóa thuộc thể "nhiệt" theo cách phân loại của Đông y.
Tuy nhiên, BS Siêm cũng nhấn mạnh người thể chất "dương hư" thì không nên lạm dụng. Người có thể chất “dương hư” - hay còn gọi là "hư hàn" (dân gian gọi là "tạng hàn") thường có biểu hiện thích ấm, sợ lạnh, da nhợt nhạt, chân tay lạnh, thích uống ấm, đại tiện lỏng loãng; rêu lưỡi trắng...
La hán là một loại quả không có tính độc, rất tốt cho sức khỏe của con người. Những bệnh nhân tiểu đường hay béo phì nên sử dụng quả la hán thường xuyên để hỗ trợ việc điều trị bệnh. Các gia đình cũng nên sử dụng nước quả la hán để thanh nhiệt giải khát, đồng thời thải độc cho cơ thể nhằm giúp chúng ta có một sức khỏe dồi dào, và cơ thể dẻo dai.
Nha Trang (th)http://www.ngaynay.vn/nhung-tac-dung-vang-voi-suc-khoe-cua-qua-la-han-p215804.html