Thông tin uống 8 cốc nước củ sả tươi mỗi ngày có thể làm teo khối u ung thư đang được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội. Nhiều người đang đặt niềm tin mù quáng vào thứ “thần dược” này.
Loạn thông tin nước sả tươi chữa được ung thư
Phương pháp “thần kỳ”?
Mới đây, thông tin uống 8 cốc nước củ sả tươi mỗi ngày sẽ có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư được dân mạng chia sẻ liên tục. Phương pháp “thần kỳ” này đang rộ khiến nhiều bệnh nhân ung thư vui mừng vì con đường sống sẽ được kéo dài thêm.
Nick HoangQuyen, người đăng thông tin này còn khẳng định, nhiều chuyên gia nổi tiếng hàng đầu về thuốc đông y đã kiểm tra lại sự ảnh hưởng của tinh chất dầu sả trên tế bào ung thư. Kết quả cho thấy, trong khi tinh chất dầu sả diệt tế bào ung thư thì tế bào lành vẫn sống bình thường.
Với những lời quảng cáo có cánh, nhiều người ngay lập tức áp dụng bài thuốc “thần kỳ” này để hy vọng có thể khỏi bệnh.
Là người không may mắn, ông Trần Văn Mười (tại Thanh Hóa) mắc bệnh ung thư dạ dày cho biết: “Tôi không dám đi bệnh viện vì gia đình hoàn cảnh, nghe đâu, ung thư chữa tốn tiền lắm, vì thế, tôi lân la lên mạng, vô tình đọc được bài “Uống nước cây sả làm cho tế bào ung thư tự tiêu”.
Người ta đăng lên thì chắc là người ta đã uống rồi. Vậy thì mình lo gì. Vì thế, tôi rất tích cực uống nước sả tươi. Nhà tôi trồng nhiều sả nên việc lấy “thần dược” uống là vô cùng đơn giản”.
Cứ như vậy, ông Mười không chịu đi bệnh viện mà một mực tin rằng, cứ uống nước sả tươi mỗi ngày 8 cốc là khối u ung thư sẽ biến mất. Chẳng cần phải tốn tiền. Hơn 3 tháng qua, dù kiên trì uống nhưng ông không thấy khá hơn mấy. Uống nước sả bụng luôn cồn cào thậm chí là người còn mệt hơn. Vì trót nói với gia đình, bạn bè, đó là “thần dược” nên giờ ông không dám than với ai.
Cũng là một tín đồ của những bài thuốc nam, cứ nghe ở đâu mách có “thần dược” là chị Hoàng Thị Phương (Phú Thọ) lại săn lùng bằng được cho bố mình uống.
Nói chuyện với PV, chị Phương cho biết: “Mình thường xuyên vào các trang mạng xã hội, các bà mẹ bìm sữa, họ chia sẻ rất nhiều bài thuốc hay. Dù không thấy có tài liệu nào ghi về những bài thuốc “thần kỳ” này nhưng mình vẫn muốn cho bố thử.
Ông bị ung thư phổi, cứ phải đi viện xạ trị nhìn rất thương mà sức khỏe chẳng cải thiện được mấy. Mình mong sẽ có phép nhiệm màu từ loại nước này”.
Không có cơ sở khoa học
Không nghe bất kỳ lời khuyên của ai, chị Phương một mực nghĩ rằng, chỉ cần cho bố mình uống ngày đủ 8 cốc nước sả do chính tay chị sắc là bố chị sẽ khỏi bệnh, không phải chịu đựng những cơn đau nữa.
Thậm chí, chị còn phơi khô củ sả rồi nghiền thành bột, trộn vào cơm cho bố mình ăn. Hay ngâm sả với một lượng nước vừa phải nhưng để vài ngày, như vậy nó mới ngấm được vào người.
“Nhưng tôi không ngờ, vì ép ông cụ uống quá nhiều nước sả, ăn nhiều bột, thức ăn chế biến từ sả mà cơ thể ông cụ hoàn toàn suy kiệt vì 1 thời gian dài chỉ ăn toàn ăn rau, củ không đủ dưỡng chất. Nhìn ông cụ ngày một yếu đi mà tôi thấy ân hận vô cùng, đúng là tiền mất tật mang”, chị Phương cho biết.
Nhiều người quá tin vào "thần dược" này mà tiền mất tật mang.
Trước tình trạng nhiều bệnh nhân ung thư đang tin vào "phép màu" từ những bài thuốc không rõ nguồn gốc, hay thông tin trên mạng ảo, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh - Học Viện Y Dược cổ truyền Việt Nam cho rằng: “Hiện nay chị em thường xuyên lên mạng đọc những thông tin lan truyền không được kiểm chứng rồi làm theo thì thật sự rất nguy hiểm.
Cây Sả (Cymbopogon sp., họ Lúa – Poaceae) có khoảng 55 loài và rất gần gũi với con người, vì được sử dụng nhiều dưới dạng gia vị, mỹ phẩm (tinh dầu dùng để chế nước hoa, làm thuốc, chủ yếu là giải cảm, tiêu độc; không có bất cứ bằng chứng khoa học nào về tác dụng chữa ung thư).
Tâm lý con người khi mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư, thường “vái tứ phương” và tin dùng tất cả cái gì, phương pháp nào có thể bấu víu được.
Nhưng tôi khuyên người bệnh nên bình tĩnh, thông thái hơn bằng cách gửi gắm sinh mệnh mình cho các thầy thuốc được đào tạo bài bản, các cơ sở khám chữa bệnh có năng lực chứ không nên chạy theo những lời đồn thổi không có cơ sở khoa học".