Thứ Năm ngày 31/03/2016
(HNMO)- Theo ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên, công tác tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là đầu là: Môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm bẩn…
Vào 15h ngày 31/3, Báo Hànộimới Điện tử đã tổ chức tư vấn về phòng, chống bệnh ung thư. Tại đây, ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên, đang công tác tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã trả lời các thắc mắc của độc giả. Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:
Các bước để phát hiện ung thư
-Xin BS cho biết, có bao nhiêu loại ung thư? (độc giả Hoàng Minh, quận Cầu Giấy).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Hiện nay có khoảng 200 loại ung thư khác nhau. Các ung thư được phân loại theo nhiều cách khác nhau, song thường phân loại theo 2 cách:
Theo loại mô, tổ chức khởi phát tế bào ung thư, gồm:
+ Ung thư biểu mô, hay gặp nhất, chiếm khoảng 80-90%.
+ Ung thư của tổ chức liên kết.
+ U tủy xương.
+ Lơ xơ mi.
+ U lympho, gồm: U lympho ác tính không Hodgkin và bệnh Hodgkin.
+ Ung thư hỗn hợp: carcinosarcoma, teratosarcoma,..
Theo loại cơ quan phát sinh ung thư tiên (nguyên phát): Ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại-trực tràng,..
-Xin BS cho biết: Những nguyên nhân gây bệnh ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng, dạ dày nói riêng? Biện pháp để phòng tránh ung thư? (bạn Ngọc Bình, quận Nam Từ Liêm).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Các nghiên cứu về dịch tễ, sinh học đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh ung thư, gồm:
+Yếu tố nghề nghiệp, môi trường: Những cơ quan dễ bị ảnh hưởng do tiếp xúc với tác nhân gây ung thư do yếu tố nghề nghiệp, môi trường thường là da, đường hô hấp trên, phổi, bàng quang. Người tiếp xúc nhiều với tia cực tím mà không được bảo vệ có nguy cơ mắc ung thư da, tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, phẩm nhuộm làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
|
ThS.BS Lê Thị Lệ Quyên tư vấn về ung thư |
+Chế độ ăn: Bao gồm loại thức ăn, khẩu phần ăn và cách thức chế biến và bảo quản thức ăn. Ví dụ: Chế độ ăn quá nhiều chất béo, là yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến,... Muối dưa, cà để lâu, thịt xông khói được cho là yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày,..
+Hút thuốc lá, thuốc lào: Trong thuốc lá có khoảng trên 60 chất hóa học đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ của hầu hết các loại ung thư, trong đó hay gặp nhất là ung thư phổi, ung thư khoang miệng, hầu họng, thực quản. Nguy cơ gây ung thư bao gồm cả người hút thuốc trực tiếp và người hút thuốc thụ động do hít phải khói thuốc của người bên cạnh.
+ Yếu tố gen: Nguy cơ mắc ung thư cao hơn ở những người trong gia đình có người mắc một số ung thư: UT vú, UT đại trực tràng.
+Yếu tố vi sinh vật: Nhiễm virut viêm gan B, C mãn tính là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan, nhiễm HPV là yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung, nhiễm helibacter pylori là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày,..
Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày cũng nằm trong yếu tố đã liệt kê ở trên.
Để phòng tránh ung thư, bạn cần tránh các yếu tố nguy cơ kể trên: Không hút thuốc lá, chế độ ăn khoa học, tránh tiếp xúc với môi trường độc hại; tiêm phòng virut viêm gan, HPV; Khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc và phát hiện sớm các loại ung thư: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung,…đặc biệt nếu bạn là người có yếu tố nguy cơ cao.
-Để phát hiện bệnh ung thư, cần có những bước khám, xét nghiệm gì? Hiện có những biện pháp trị ung thư nào? Biện pháp nào là tối ưu nhất, thưa BS? (Thanh Hòa, quận Bắc Từ Liêm)
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Để chẩn đoán bệnh ung thư, bạn cần đến cơ sở chuyên khoa về ung bướu. Trước hết bác sỹ sẽ khám lâm sàng cho bạn, trên cơ sở đó sẽ cho bạn làm các xét nghiệm cần thiết, phù hợp với tình trạng bệnh: Xét nghiệm máu, chụp x-quang, siêu âm, nội soi, xét nghiệm tế bào, trong trường hợp cần thiết để có thông tinh chi tiết hơn về cơ quan cần đánh giá, bác sỹ sẽ cho bạn làm những xét nghiệm chuyên sâu hơn: chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, xạ hình xương,…Thông thường, để chẩn đoán xác định hầu hết các bệnh ung thư, sẽ cần xét nghiệm giải phẫu bệnh, khi đó sẽ cần sinh thiết tổn thương để lấy bệnh phẩm làm xét nhiệm.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư khác nhau, bao gồm:
-Điều trị tại chỗ, tại vùng:
+Phẫu thuật
+ Xạ trị: Xạ trị chiếu ngoài, xạ trị áp sát liều cao, hạt phóng xạ.
-Điều trị toàn thân:
+ Thuốc hóa chất.
+ Điều trị nội tiết.
+ Thuốc điều trị nhắm trúng đích.
+ Điều trị miễn dịch.
Mỗi phương pháp điều trị đều có ưu, nhược điểm riêng. Tùy theo từng loại bệnh, giai đoạn và thể trạng của người bệnh bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp, thông thường người bệnh sẽ được điều trị bằng “đa mô thức”, tức là phối hợp các phương pháp với nhau để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
-Bố tôi bị ung thư dạ dày, đã cắt một nửa dạ dày, xin BS cho thực đơn trong ngày đối với người bị ung thư dạ dày như thế nào? (bạn Minh Hùng, quận Thanh Xuân).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Chào bạn, không có một thực đơn chung cho tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày bởi nó còn phụ thuộc vào thể trạng, tình trạng dinh dưỡng và khẩu vị của từng người bệnh nữa. Để được tư vấn kĩ hơn chế về chế độ dinh dưỡng cụ thể cho bố, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị. Nói chung, người bệnh sau mổ cắt một phần dạ dày do ung thư thường gặp phải vấn đề suy dinh dưỡng thứ phát do lượng thức ăn bị giảm và kém hấp thu, do vậy bạn cần cho bố ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày 6-8 bữa, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, hợp khẩu vị và có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều đạm và rau củ quả; giữa các bữa nên uống thêm dưỡng chất, sinh tố.
Ngoài ra hầu hết người bệnh bị thiếu máu do hiện tưởng giảm hấp thu sắt, axit folic và vitamin B12, do vậy cần bổ sung thêm các yếu tố này theo hướng dẫn của bác sỹ. Một vấn đề nữa cũng khá thường gặp sau mổ đó là hội chứng Dumping, thường xảy ra trong hoặc 15-30 phút sau ăn do lượng thức ăn có hàm lượng cao di chuyển quá nhanh từ dạ dày sang ruột, biểu hiện bằng: buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, chóng mặt,…Do vậy, cần ăn chậm và hạn chế thức ăn chứa hàm lượng đường cao nhiều sacarose, fructose.
-Bạn tôi bị ung thư hầu họng, bác sỹ chỉ định cho điều trị tia xạ. Tuy nhiên, nghe nói điều trị hóa chất và tia xạ có nhiều tác dụng phụ, và khiến cơ thể bệnh nhân mệt mỏi. Xin hỏi có đúng như vậy không? Những tác dụng phụ gì? Có thể hạn chế những tác dụng phụ đó không, thưa BS (bạn Thanh Hải, quận Bắc Từ Liêm).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Điều trị hóa chất và tia xạ là những phương pháp cơ bản trong điều trị ung thư hiện nay, bên cạnh lợi ích mang lại thì các phương pháp này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào từng phương pháp và từng loại ung thư.Trường hợp bạn của bạn bị ung thư hầu họng thì trong quá trình xạ trị, hóa chất có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
+Xạ trị: Thường gặp phải vấn đề tại vùng xạ trị: Đau họng, viêm niêm mạc miệng-họng, khô miệng,.. thường xuất hiện sau khi bắt đầu xạ trị 10-17 ngày, kéo theo các vấn đề về tiêu hóa: chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân.Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng phụ này là tạm thời và sẽ hết sau khi kết thúc xạ trị khoảng 2-4 tuần.
+Hóa chất: Thường được phối hợp với xạ trị trong điều trị ung thư vùng hầu-họng, các tác dụng phụ thường gặp là: Buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi; ngoài ra có thể gặp giảm bạch cầu, thiếu máu,.. Để hạn chế tác dụng phụ trên bạn cần gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn cụ thể.
-Tôi đọc báo được biết, biện pháp tốt nhất chữa ung thư là “bỏ đói” tế bào ung thư. Có đúng không ạ? Để “bỏ đói” tế bào ung thư cần làm gì, thưa BS? (Thanh Mai, quận Đống Đa).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Chào bạn, đúng là trên thế giới hiện nay có một số tài liệu nói về phương pháp điều trị ung thư bằng cách “ bỏ đói” tế bào ung thư thông qua việc kiêng ăn một số thực phẩm dinh dưỡng mà không cần phải điều trị bằng phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Tuy nhiên đây mới chỉ là vấn đề mới đưa ra để thảo luận, chưa có bằng chứng về khoa học nên không được chấp nhận. Trên thực tế người bệnh ung thư có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn người bình thường, việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp cơ thể có hệ miễn dịch tốt để “kìm hãm” sự phát triển của ung thư, khi không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh sẽ chết vì suy kiệt suy dinh dưỡng trước khi bệnh tiến triển.
Vì vậy quan điểm cho rằng ăn kiêng để “bỏ đói” khối u làm cho khối u chậm hoặc ngừng phát triển mà không cần điều trị bằng các phương pháp kinh điển như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất là quan điểm hết sức sai lầm.
-Xin BS cho biết những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung? Những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung? Có những biện pháp điều trị ung thư cổ tử cung nào? Nếu xạ trị và hóa trị trong điều trị ung thư cổ tử cung có thể gây ra những tác dụng phụ nào? (Bạn Thanh Hường, quận Nam Từ Liêm).
-ThS.BS Lê Thị Lệ Quyên: Triệu chứng của ung thư (UT) cổ tử cung (CTC) thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh, ở giai đoạn tiền ung thư và ung thư cổ tử cung xâm lấn giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện qua khám sàng lọc: Xét nghiệm tế bào, nội soi CTC và sinh thiết vùng nghi ngờ.Khi bệnh giai đoạn muộn hơn sẽ có các biểu hiện do sự xâm lấn và di căn của ung thư.
Các dấu hiệu hay gặp là:
-Ra máu âm đạo bất thường: sau giao hợp, giữa kỳ kinh, sau mãn kinh.
-Khí hư hôi, lẫn máu.
-Khi u lớn xâm lấn tới chậu hông và các cơ quan lân cận: xâm lấn bàng quang gây tiểu máu,xâm lấn niệu quản gây ứ nước thận, xâm lấn trực tràng gây táo bón, đi ngoài phân lẫn nhầy máu (ít gặp).
Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ của UT CTC:
Nhiễm HPV mãn tính là một nguyên nhân gây UT CTC. Hiện nay đã xác định được 8 tuýp HPV gây UT CTC là các tuýp: 16,18,31,33,35,45,52,58. Trong đó tuýp 16,18,45 là nguyên nhân gây ra 94% UT biểu mô tuyến và tuýp 16 được xem là tuýp có khả năng gây ung thư mạnh nhất.
Các yếu tố nguy cơ:
+ Có quan hệ tình dục sớm trước tuổi 16.
+ Có nhiều bạn tình và những bạn tình này lại có nhiều bạn tình khác.
+ Sinh đẻ sớm.
+ Điều kiện vệ sinh sinh dục kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Các phương pháp điều trị UT cổ tử cung hiện nay gồm: Phẫu thuật, xạ trị (xạ ngoài, xạ áp sát liều cao) và điều trị hóa chất; trong đó phẫu thuật đóng vai trò cơ bản trong điều trị triệt căn.
Tác dụng phụ của xạ trị trong điều trị ung thư cổ tử cung: Xạ trị có vai trò quan trọng trong UT CTC, tuy nhiên trong quá trình xạ trị (xạ ngoài, xạ áp sát liều cao) người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ do tia xạ gây ra tại chỗ và các cơ qua lân cận: Viêm trực tràng gây tiêu chảy, có thể đại tiện ra máu; Viêm bàng quang gây tiểu buốt, tiểu rắt; Tác dụng phụ tại chỗ: Đau, chảy máu cổ tử cung trong xạ trị áp sát.
-Bệnh ung thư có yếu tố di truyền không? Bố tôi bị ung thư, liệu tôi có bị hay không, thưa BS? Ung thư lây qua những con đường nào, thưa BS? (bạn Thái Bình, quận Bắc Từ Liêm).
ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Chào bạn, UT là bệnh lý ác tính của tế bào gây ra do sự xuất hiện và phát triển bất thường của đột biến gen tạo thành các “gen ung thư”. Đại đa số các trường hợp mắc ung thư sự hình thành các “gen ung thư” xảy ra trong cuộc đời của họ do yếu tố bên ngoài tác động vào, một số là do được truyền lại các “gen tiền ung thư” từ thế hệ trước, gặp điều kiện thuận lợi của môi trường sẽ hình thành các “gen ung thư”, những người này sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người khác, còn lại một số rất ít trường hợp đã được ghi nhận trẻ bị ung thư ngay từ khi ra đời do “gen ung thư” từ thế hệ trước di truyền lại. Trường hợp của bạn có bố bạn bị UT nhưng chưa chắc bạn đã bị UT, bạn chỉ có nguy cơ mắc cao hơn người mà trong gia đình không ai mắc. Bệnh UT không lây.
Nên khám sức khỏe định kỳ
-Tôi đã nghe nói nhiều về ung thư nhưng tôi chưa thực sự hiểu ung thư là gì? Để tránh bệnh ung thư, người dân cần làm gì? Mong BS trả lời giúp. Cảm ơn BS. (bạn Quỳnh My, quận Hoàn Kiếm).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: UT là bệnh lý ác tính của tế bào do tác động của tác nhân gây tổn thương nhiễm sắc thể trong nhân tế bào, làm tế bào phân chia và phát triển không theo quy luật kiểm soát của cơ thể, xâm lấn các mô lành lân cận và di căn tới các cơ quan ở xa.
Lời khuyên giúp phòng bệnh ung thư:
- Không hút thuốc lào, thuốc lá.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, an toàn.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Khám sức khỏe định kỳ.
-Tiêm phòng vacxin đầy đủ: viêm gan , HPV,..
- Ung thư di căn như thế nào? Làm thế nào để ngăn chặn sự di căn này? Khi đã di căn thì ung thư đang ở giai đoạn nào? Liệu có chữa khỏi thưa BS? (bạn Hồng Hà, quận Cầu Giấy).
ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Di căn là một trong những đặc tính cơ bản của UT, tế bào UT từ vị trí nguyên phát ban đầu di chuyển tới hạch vùng lân cận (di căn hạch) hoặc di căn tới cơ quan ở xa ( di căn xa); di căn xa có thể xảy ra theo 3 đường: đường bạch huyết (chiếm đa số), đường máu, đường tự nhiên (trong khoang tự nhiên, phúc mạc).
Hầu hết các hệ thống phân loại ung thư trên thế chia ung thư ra làm 4 giai đoạn (I, II, II, IV), trong đó giai đoạn IV là khi bệnh có di căn ở các vị trí khác ngoài vị trí xuất phát ban đầu. Ở giai đoạn này không có khả năng điều trị triệt để, mục tiêu điều trị chính là kiểm soát triệu chứng, kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.
-Hiện nay có phải tỷ lệ bệnh nhân ung thư trẻ hóa ngày càng gia tăng không? Vì sao? Giữa người lớn và trẻ em bị ung thư, tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở trẻ em có cao hơn người lớn không, thưa BS? (bạn Trần Vân, quận Hai Bà Trưng).
ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Đúng là hiện nay độ tuổi mắc của một số bệnh ung thư đang có xu hướng trẻ hóa, cả ở các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài: Môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm bẩn, tình trạng béo phì, ít vận động cùng với áp lực xã hội lên người trẻ tuổi ngày càng cao là những lý do được đưa ra.
Trẻ em thường mắc các bệnh UT về hệ tạo máu, UT phần mềm, UT xương, các UT này nói chung có tiên lượng xấu hơn các loại UT biểu mô khác ở người lớn do bệnh thường tiến triển nhanh và ít đáp ứng với điều trị.
-Xin BS cho biết nguyên nhân của bệnh ung thư đại trực, cách phát hiện và cách chữa trị? (bạn Hồng Thoa, quận Hoàn Kiếm).
ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Chào bạn, hiện nay chưa có nguyên nhân cụ thể nào được chứng minh gây UT đại-trực tràng (UT ĐTT) mà chỉ có các yếu tố nguy cơ gây bệnh được các định gồm:
-Tiền sử gia đình có người mắc UT ĐTT. 25% bệnh nhân UT ĐTT có tiền sử gia đình có người bị UT ĐTT.
- Các rối loạn di truyền liên quan đến UT ĐTT. Chia thành 2 nhóm:
+ Nhóm tổn thương dạng đa polyp, với hàng nghìn polyp trong lòng đại-trực tràng (hội chứng đa polyp tuyến có tinh chất gia đình và các biến thể: hội chứng Gardner, hội chứng Turcot…)
+ Nhóm tổn thương không phải dạng đa polyp (hội chứng Lynch).
- Bệnh viêm ruột (viêm loét đại-trực tràng chảy máu, bệnh Crohn). Nguy cơ thành UT trong 10 năm đầu thường thấp, tuy nhiên từ những năm sau trở đi nguy cơ mắc UT ĐTT tăng thêm trung bình 0.5-1% /năm và 8- 25% xuất hiện UT ĐTT sau 25 năm.
- Các yếu tố liên quan đến lối sống, môi trường: Chế độ ăn giàu chất béo, ít chất xơ và vitamin.
Để phát hiện sớm bệnh UT ĐTT cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt trên người có yếu tố nguy cơ nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư bằng các xét nghiệm: xét nghiệm phân, nội soi đại –trực tràng…
Các phương pháp điều trị UT ĐTT hiện nay gồm: Phẫu thuật, xạ trị , điều trị toàn thân bằng hóa chất và thuốc điều trị đích. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
-Những dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến? Nguyên nhân và cách chữa trị là gì, thưa BS? (bạn Huỳnh Mến, quận Bắc Từ Liêm).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Ung thư tiền liệt tuyến (TLT) là bệnh khá thường gặp ở nam giới, thường ở nhóm người cao tuổi. Các triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến chủ yếu là các rối loạn đường tiểu do sự cản trở của u với đường ra của nước tiểu: tiểu rắt, tiểu khó,khi tiểu phải rặn, tiểu không hết bãi.Trong giai đoạn có biến chứng có thể gặp: đái buốt, nước tiểu đục khi có nhiễm khuẩn, đái máu.
Nguyên nhân cụ thể của ung thư tiền liệt tuyến chưa được xác định rõ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
-Tuổi cao: sau 50 tuổi.
-Tiền sử gia đình: người có bố hoặc anh em trai mắc UT TLT có nguy cơ mắc UT TLT cao gấp 2-3 lần người có tiền sử gia đình bình thường.
- Chủng tộc: người Mỹ gốc Châu Phi có nguy cớ mắc UT TLT cao hơn chủng tộc khác.
-Các yếu tố khác: béo phì, hút thuốc lá,..
Các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến gồm: Phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội tiết, hóa chất. Tùy thuộc giai đoạn bệnh, tuổi, thể trạng và các bệnh phối hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
-Xin BS cho biết có những bệnh ung thư não nào? Nguyên nhân và cách chữa trị?
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: U não bao gồm khối u nguyên phát ở não (khởi nguồn từ mô não) và u thứ phát ở não do ung thư từ nơi khác di căn đến. Có nhiều các phân loại u não nguyên phát khác nhau: Phân loại theo nguồn gốc phôi thai (u ngoại bì, u trung bì, u hỗn hợp,..) theo loại tế bào ( u sào bào, u nguyên bào thần kinh đệm, u tế bào Schwann,…) hoặc theo vi trí u (u bán cầu đại não, u thân não, u tiểu não, u tuyến yên,…). Không phải tất cả u não đều là ung thư, song do u gây chèn ép hoặc ảnh hưởng tới chức nội tiết nên vẫn cần phải điều trị triệt để.
Nguyên nhân cụ thể gây ung thư não hiện nay vẫn chưa được xác định, các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc u não.
- Tiếp xúc hóa chất độc hại , chất phóng xạ,..
- Chưa có bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng điện thoại di động , tiền sử chấn thương sọ não có liên quan tới u não.
Sau khi chẩn đoán xác định bệnh nhân có u não, bác sĩ sẽ căn cứ vào đặc điểm của khối u: vị trí, kích thước, số lượng u, u có gây ảnh hưởng nội tiết hay không và tình trạng chung của người bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị bằng phẫu thuật hay xạ trị.
-Những bệnh nhân ung thư thường có tâm lý bi quan, chán nản, lời khuyên của BS với những bệnh nhân ung thư? (bạn Quỳnh Trâm, quận Long Biên).
-ThS. BS Lê Thị Lệ Quyên: Khi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, diễn biến tâm lý thường gặp của người bệnh là sốc, hoang mang, chán nản và tuyệt vọng. Là người thầy thuốc cần phải hiểu được điều này để đồng cảm và dự đoán các tình huống xảy ra. Bác sĩ ngoài việc điều trị bệnh cần phải giúp giải thích cho bệnh nhận hiểu rõ về bệnh, phương pháp điều trị cụ thể và những chuẩn bị cần thiết về mặt tâm lý và thể chất. Bên cạnh đó, bác sỹ cũng cần chuẩn bị tâm lý, giải thích cặn kẽ về tình trạng của người bệnh với thân nhân của họ. Đây cũng chính là những người chăm sóc, động viên người bệnh hàng ngày và cũng là người hỗ trợ bác sỹ theo dõi tình hình bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực khoa học công nghệ, y sinh học… đã cho ra đời các phương pháp điều trị mới, các thuốc điều trị mới… mang lại hiệu quả điều trị ngày càng cao cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng. Nhiều loại ung thư khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị chuẩn mực hoàn toàn có cơ hội khỏi bệnh. Ung thư không phải dấu chấm hết, càng hiểu rõ về bệnh, chúng ta sẽ càng nhiều cơ hội chiến thắng bệnh tật.
Hànộimới Điện tử
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tu-van/829781/moi-truong-o-nhiem-thuc-pham-ban-thu-pham-hang-dau-khien-so-ca-ung-thu-tre-hoa
|