Gốc tự do là gì và ảnh hưởng tới sức khỏe con người như thế nào? Gốc tự do sinh ra từ đâu và làm thế nào để hạn chế được tác hại của gốc tự do? Mời các bạn cùng theo dõi chi tiết!
1. Gốc Tự Do Là Gì?
Gốc tự do (free radical) là những nguyên tử hay phân tử bị mất đi một điện tử ở lớp vỏ ngoài cùng. Chúng sinh ra liên tục trong quá trình chuyển hóa của cơ thể hoặc hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, stress, rượu bia, thuốc lá, căng thẳng tâm lý (stress), ô nhiễm, chấn thương, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ…
Con người tồn tại được nhờ các phản ứng chuyển hóa liên tục diễn ra trong cơ thể. Các phản ứng này đồng thời cũng sinh ra nhiều nguyên tử hay phân tử bị mất đi một điện tử âm được gọi là gốc tự do (free radical). Y học hiện đại xem gốc tự do là nguồn gốc của lão hóa và bệnh tật.
2. Gốc Tự Do Phá Hủy Tế Bào Như Thế Nào?
Do bị mất điện tử nên gốc tự do rất không ổn định và luôn có xu hướng chiếm đoạt điện tử từ các cấu trúc lân cận, tạo ra hàng loạt gốc tự do mới. Quá trình này diễn ra theo phản ứng dây chuyền, gây tổn thương màng tế bào, các phân tử protein và ngay cả ADN… Hậu quả là xuất hiện những biến đổi làm tổn hại, rối loạn chức năng, thậm chí gây chết tế bào. Mỗi ngày một tế bào phải hứng chịu 10.000 đợt tấn công của các gốc tự do. Và trong suốt 70 năm cuộc đời, chúng ta sẽ phải liên tục chống chọi với 17 tấn gốc tự do
3. Gốc Tự Do Gây Ra Những Bệnh Gì?
Chính vì nguy hại như vậy, gốc tự do được xem là “sát thủ giấu mặt” gây ra quá trình lão hóa và phần lớn các bệnh tật. Y học hiện đại đã thống kê, sự tấn công của gốc tự do gây ra hơn 60 loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt nguy hiểm là các bệnh ảnh hưởng đến não bộ như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, Alzheimer, tai biến mạch máu não…
GỐC TỰ DO GÂY NÊN NHIỀU BỆNH CHO CƠ THỂ
1.Não: Thoái hoá thần kinh, đau nửa đầu, đột quỵ, ung thư não
2.Mắt: Thoái hoá võng mạc, thoái hoá điểm vàng, đục thủy tinh thể
3.Da: Lão hoá da, vẩy nến, viêm da
4.Hệ miễn dịch: Viêm nhiễm mãn tính, các rối loạn tự miễn, bệnh lupus, viêm đường ruột
5.Tim: Suy tim, xơ hoá cơ tim, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim
6.Mạch máu: Tái hẹp lòng mạch, xơ vữa mạch máu, rối loạn chức năng tế bào nội mô, cao huyết áp
7.Phổi: Hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, dị ứng, ung thư phổi
8.Thận: Bệnh thận mãn tính, thải ghép thận, viêm cầu thận
9.Đa cơ quan: Tiểu đường, lão hoá, mệt mỏi mạn tính…
10.Khớp: Thấp khớp, thoái hoá khớp, viêm khớp vẩy nến.
4. Gốc Tự Do Làm Tổn Thương Não Bộ Như Thế Nào?
Gốc tự do tấn công vào tất cả các cấu trúc tế bào trong cơ thể, nhưng não bộ là nơi phải chịu đựng nhiều tổn hại nhất.
Não chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại tiêu thụ đến 20%–25% nhu cầu oxy và năng lượng của toàn cơ thể. Bên cạnh đó, não còn là cơ quan béo nhất với hơn 60% thành phần là các axit béo chưa bão hòa rất dễ bị oxy hóa. Chính vì vậy, quá trình chuyển hóa các chất tại não diễn ra rất mạnh mẽ, làm sản sinh ra nhiều gốc tự do.
Tuy là nơi “tập kết” nhiều gốc tự do nhưng hệ thống chống gốc tự do tại não lại kém hơn nhiều so với các cơ quan khác, ví dụ chỉ bằng 1/10 so với gan. Do vậy, não rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi sự tấn công của gốc tự do, gây ra hai nhóm bệnh thường gặp là thoái hóa tế bào thần kinh và bệnh lý mạch máu não.
Ngoài ra, não có cơ chế ngăn chặn nhiều dưỡng chất thẩm thấu vào các các tế bào thần kinh được gọi là “hàng rào máu não”. “Hàng rào” này một mặt bảo vệ não khỏi sự xâm nhiễm của các chất hay vi khuẩn gây hại, mặt khác lại ngăn cản nhiều chất chống gốc tự do hỗ trợ tốt cho não và trí nhớ. Vì vậy, bộ não con người chính là cơ quan bị gốc tự do tấn công dữ dội nhất, từ đó sinh ra hàng loạt bệnh lý nguy hiểm.
Với nhóm bệnh thoái hóa tế bào thần kinh, gốc tự do làm tổn thương cấu trúc, thậm chí gây chết tế bào não làm suy giảm chức năng não bộ. Tùy vùng não bị ảnh hưởng mà các triệu chứng có thể xuất hiện khác nhau như: suy giảm trí nhớ, khả năng học tập – tư duy kém, giảm tập trung trong công việc… Nếu diễn tiến lâu dài sẽ dẫn đến sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, Parkinson…
Với nhóm bệnh mạch máu não, gốc tự do gây tổn thương thành mạch, thúc đẩy sự hình thành các mảng xơ vữa và tạo huyết khối. Lòng mạch bị hẹp lại khiến lưu lượng máu đến nhu mô não bị giảm, gây ra các vấn đề về tuần hoàn não như cơnthiếu máu não thoáng qua, tai biến mạch máu não, đau nửa đầu…
5. Làm Thế Nào Để Hạn Chế Tác Hại Của Gốc Tự Do?
Theo thời gian, các gốc tự do không ngừng sản sinh và gây hại trong khi hệ thống phòng vệ của cơ thể lại từng bước suy yếu dần. Do đó, để bảo vệ sức khỏe – đặc biệt là bộ não, cần hạn chế các yếu tố tăng sinh gốc tự do, và bổ sung các chất chống gốc tự do cho cơ thể.
Giảm yếu tố tăng sinh gốc tự do: Gốc tự do không chỉ sinh ra từ các quá trình chuyển hóa trong cơ thể mà còn hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như: môi trường ô nhiễm (khói bụi, ánh nắng, phóng xạ…), rượu bia, khói thuốc lá, hóa chất, chấn thương, nhiễm khuẩn, căng thẳng thần kinh – stress… Vì thế, cần hạn chế tối đa tác động của các yếu tố này.
Bên cạnh đó, chế độ ăn cần tránh những thực phẩm có thể làm tăng sinh gốc tự do như mỡ động vật, thực phẩm đóng hộp… Thường xuyên tập thể dục và giữ tinh thần phấn chấn, thoải mái cũng giúp hạn chế gốc tự do.
Bổ sung chất chống gốc tự do từ thiên nhiên: Ngoài việc hạn chế những yếu tố có hại từ bên ngoài, một chế độ dinh dưỡng giàu các chất chống gốc tự do có thể giúp cơ thể tăng khả năng phòng vệ và trung hòa gốc tự do một cách hữu hiệu.
Trong khẩu phần ăn hằng ngày, nên tăng cường các thảo dược, trái cây và rau của quả vì đây là nguồn cung cấp dưỡng chất thực vật (phytonutrient) dồi dào các chất chống gốc tự do.
Nên tập thể dục cho não bộ với các hoạt động tinh thần như tham gia văn hóa, văn nghệ, trò chơi trí tuệ, đọc sách, luôn suy nghĩ những điều tích cực, lạc quan, yêu đời.
KhoeMoiVui.Com
http://khoemoivui.com/goc-tu-do-nguon-goc-cua-benh-tat-va-lao-hoa/