Từ xa xưa đến nay, Tết là thời gian đoàn tụ của gia đình người Việt. Có rất nhiều công việc cần chuẩn bị cho ngày Tết như trang trí nhà cửa, mua sắm… Dù mỗi khu vực, vùng miền có sự chuẩn bị Tết có những nét riêng đặc trưng, nhưng đều mong muốn cả gia đình được mạnh khỏe, hành phúc và thành công trong năm mới sắp đến. Cho nên những món ăn cho ngày Tết thường được chuẩn bị rất cẩn thận và đặc sắc. Vậy những món ăn đó là gì?.
Sau đây là tư vấn của BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
1. Bánh chưng:
Cứ mỗi dịp Tết về là chúng ta lại nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày, về truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và trời đất. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong.
Để có được chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi sự chuẩn bị tỉ mỉ từ nguyên liệu, sự tinh tế và khéo léo trong quá trình thực hiện như: Khâu chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu cho bánh chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài không ôi thiu hay bị mốc.
Thịt ướp dùng nước mắm, vo nếp không sạch, đãi đậu không kỹ hay rửa lá còn bẩn, không lau khô lá trước khi gói đều có thể khiến thành phẩm chóng hỏng. Sự kết hợp của sự dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt bùi của đậu xanh với vị béo của thịt mỡ, vị cay nhẹ của tiêu sẽ mang hương vị Tết thêm trọn vẹn, đầy đủ và sung túc.
2. Dưa hành:
Dưa hành, hành muối là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam. Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) để chống ngấy trong những ngày tết.
Những chất đạm, chất béo của mâm cao cỗ đầy ngày Tết được vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành, vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
3. Thịt đông:
Thịt đông là món không thể thiếu của nhiều gia đình Việt Nam vào dịp Tết, đặc biệt là người miền Bắc. Phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự thuận lợi, suôn sẻ trong cả một năm. Sự hòa quyện, gắn kết giữa các thành phần của món ăn như một lời chúc may mắn dành cho tất cả các thành viên trong gia đình.
4. Thịt gà luộc:
Ngày Tết không chỉ là thời gian gia đình sum họp mà còn là thời gian để tỏ lòng biết ơn, thành kính với cội nguồn, ông bà, tổ tiên. Món gà luộc để cúng cho ngày cuối, đầu năm và là món ăn không thể thiếu cho bất cứ mâm cỗ trong dịp Tết. Không biết tự bao giờ mà gà luộc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp trọng đại. Vì người ta tin rằng món gà luộc sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy.
5. Giò lụa:
Giò lụa hay chả lụa là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc vào Nam như một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng, là món ăn phổ biến trong mâm cỗ ngày Tết. Món ăn này có màu trắng ngà, hơi hồng nhạt, trên bề mặt giò hơi lỗ rỗ, ăn có vị thơm, ngọt, giòn./.