Chuyên gia cho hay, vào mùa đông, khi cơ thể phải đối mặt với giá lạnh, bữa sáng cần cung cấp từ 300 đến 350 calo và là những món nóng ấm.
Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng cho buổi sáng mùa đông. |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho hay, bữa sáng vào mùa đông cần phải chiếm từ 20 đến 30% lượng calo cần nạp trong ngày. Để có đủ năng lượng cho cơ thể, cần ăn sáng đủ chất, bổ sung protein, vitamin, khoáng chất.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn những món ăn nóng để giúp các cơ quan hoạt động tốt, máu dễ dàng lưu thông, xua tan cái lạnh do cảm giác đói gây nên.
Bún bò, phở gà hay các loại súp thịt, hải sản, rau củ, ngũ cốc... đều là món ăn có độ nóng vừa phải, dễ ăn, dễ tiêu hoá và mang tới nguồn dinh dưỡng cần thiết. Xôi nếp ăn cùng thịt, giò, chả cũng là món ăn phù hợp cho bữa sáng vào mùa đông. Theo PGS.TS Nguyễn Lâm, cơm nếp có lợi cho sức khoẻ và trong 100 g gạo nếp có 344 kcal.
Bên cạnh đó, trứng vịt lộn ăn kèm với rau răm, vài lát gừng tươi cũng mang lại nguồn dinh dưỡng cho ngày mới.
Theo Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh - Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, trứng vịt lộn là một món ăn rất bổ dưỡng. Trong một quả trứng vịt lộn có tới 182 kcal năng lượng; 13,6 gr protein; 12,4 gr lipid; 82 mg canxi; 212 gr photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra, còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…
Rau răm, gừng vị cay nồng, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Do đó, chúng có tác dụng chống lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không ăn kèm rau răm, gừng với trứng vịt lộn.
Cũng theo các chuyên gia, bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm, cần ăn sáng đúng giờ, đều đặn. Không nên nạp các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh và các món vặt, đồ ăn nhẹ. Hạn chế các thực phẩm còn tồn từ hôm trước và tránh việc vừa đi bộ vừa ăn sáng, gây ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa và sự hấp thụ của cơ thể.
Theo Gia đinh.net