Nếu bạn đi tiểu nhiều hơn 7 lần mỗi ngày và đêm phải thức dậy đi tiểu từ 2-3 lần mỗi đêm là những dấu hiệu ban đầu bạn cần đi khám sớm.
Ảnh minh họa
|
Khi bàng quang đầy nước tiểu, các tín hiệu thần kinh được phát lên não bộ, yêu cầu cơ thể xả thải. Tuy nhiên, nếu bàng quang bạn có vấn đề (hoạt động quá mức), những tín hiệu này sẽ được phát ra ngay cả khi lượng nước tiểu ở mức thấp. Việc tiểu tiện thường xuyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, cụ thể như trầm cảm, mất ngủ…
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiểu đêm nhiều lần, có những nguyên nhân bệnh lý như: bệnh về viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt, bệnh thận, đái tháo đường…. Ngoài ra, bệnh còn do những tác động bên ngoài như: chức năng sinh lý bị suy giảm, chế độ ăn uống không hợp lý, do mất ngủ hoặc ngủ ít, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt ở người già, sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cà phê…) đều là những nguyên nhân gây ra bệnh.
Việc đi tiểu nhiều lần, màu sắc bất thường của nước tiểu phần nào phản ánh tình trạng sức khỏe của bạn. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt nếu không cải thiện được tình trạng bệnh, tốt nhất bạn nên đi khám sớm để tìm hướng xử lý. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh qua tình trạng tiểu tiện của bạn:
Tiểu tiện quá 7 lần/ngày và hơn 2-3 lần/đêm
Theo các chuyên gia, những dấu hiệu báo bệnh ban đầu bạn không nên bỏ qua là: tiều nhiều hơn 7 lần/ngày và hơn 2-3 lần/đêm. Nếu bạn đã điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học rồi mà không cải thiện được tình hình thì nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng nếu để lâu sẽ là gánh nặng cho thận của bạn.
Nước tiểu màu vàng sẫm/màu đỏ
Vi khuẩn, virut có thể xâm nhập và gây tổn thương đến đường tiết niệu, gây bệnh trong đường tiết niệu làm cho nước tiểu chuyển sang màu vàng đục, nặng hơn là màu đỏ.
Theo các chuyên gia, khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ kèm theo cảm giác đau và nóng rát khi đi tiểu. Còn khi nước tiểu có màu đỏ là có hiện tượng tiểu ra máu. Lúc đó, bạn cần đi kiểm tra ngay đề phòng hiện tượng do chấn thương, bệnh về thận hay ung thư, sưng tấy hay nhiễm khuẩn thận và các nguyên nhân khác.
Nước tiểu nổi bọt
Nếu bọt nước tiểu khá lớn hoặc lớn bé không giống nhau và tan đi nhanh chóng thì không nên lo lắng nhưng nếu thấy trên bề mặt của nước tiểu có một tầng bọt nổi lên, không tan ra, điều này có thể là biểu hiện của viêm thận thời kỳ đầu hoặc cảnh báo về bệnh viêm tiền liệt tuyến.
Nước tiểu nặng mùi
Trước tiên, bạn cần kiểm tra lại đồ ăn hay uống bạn đã dùng như món măng tây. Một số người có enzym làm phân hủy măng tây thành một hỗn hợp có mùi nồng dễ nhận ra trong 20 tới 30 giây sau khi ăn. Như vậy không có vấn đề đáng lo ngại. Cà phê cũng có thể khiến nước tiểu có mùi, nhất là khi bạn bị thiếu nước.
Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTI) cũng có thể khiến nước tiểu có mùi hôi. Nếu có dấu hiệu các bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu khác như cảm giác rát khi tiểu tiện, sốt hay nước tiểu vẩn đục, hãy đi khám ngay. Có thể bạn cần dùng kháng sinh để điều trị.
Cách hạn chế tiểu nhiều
- Tránh ăn, uống quá nhiều chất có tính axit, tránh làm tăng nồng độ axit trong cơ thể. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế ăn thịt để đào thải axit ra ngoài cơ thể, duy trì độ kiềm ổn định, tốt cho sức khỏe, giảm áp lực lên thận.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, hít thở sâu, đều đặn giúp đào thải lượng axit dư thừa ra khỏi cơ thể để hạn chế khả năng phát bệnh.
- Duy trì được tâm trạng tốt và giảm áp lực sẽ tránh được bệnh tiểu nhiều lần.
- Tránh các loại đồ ăn chứa nhiều nước khoảng 4 giờ trước khi đi ngủ.
(Theo giadinh.net.vn)
|