Mỗi khi ăn hải sản xong bạn thường bỏ vỏ đi. Nhưng nếu bạn biết những tác dụng sau của vỏ hải sản thì bạn sẽ giữ nó lại, bởi nó có thể giúp bạn vượt qua nhiều bệnh nguy hiểm.
Cầm máu bằng mai mực
Trong Đông y, vị thuốc này có tên là ô tặc cốt hay hải phiêu tiêu, có vị mặn chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng cầm máu, giảm đau, làm se da chống lở loét. Mai mực có nhiều loại, nhưng chỉ dùng những mai dày, màu trắng như phấn, chưa bị gãy vỡ. Loại màu vàng hoặc thâm đen là kém phẩm chất. Thành phần hóa học của mai mực gồm: muối canxi, các chất hữu cơ và chất keo.
Sáng mắt nhờ vỏ ốc khổng
Được lấy từ ốc chín lỗ hay cửu khẩu, bào ngư. Ốc khổng là một loại ốc có vỏ cứng như vỏ sò, sống ở nơi nước biển có độ mặn cao. Khi bắt bào ngư về, người ta rửa sạch đất cát, rêu rong, sau đó rửa bằng nước muối pha loãng rồi cạy vỏ phơi khô dùng làm thuốc, còn ruột đem nấu chín, phơi khô làm món ăn rất quý.
Việc cạy ốc khổng tươi tuy có khó khăn hơn nấu chín rồi cạy, nhưng vỏ sẽ có phẩm chất tốt. Dược liệu có tên thuốc là thạch quyết minh, có vị mặn, tính bình, không độc, có tác dụng bổ gan thận, thanh nhiệt, trị chóng mặt, hoa mắt, thong manh, mắt mờ có màng mộng, thị lực kém. Liều dùng hàng ngày là 4-8g dưới dạng thuốc bột hoặc 15-30g dưới dạng thuốc sắc.
Vỏ hàu đa năng
Vỏ hàu tên thuốc là mẫu lệ. Sau khi lấy thịt, đem vỏ hàu chế biến như sau: Cho vỏ vào nồi cùng với cát, trát kín nung khoảng 12 giờ đến khi vỏ có màu xanh nhạt và bóp vụn ra là được.
Có thể nung khô hoặc tẩm giấm, rồi tán thành bột mịn. Vỏ hàu chứa canxi với hàm lượng cao dưới dạng muối carbonat, phosphat và sulphat, magie, sắt, nhôm và chất hữu cơ, có vị mặn, chát, tính hơi lạnh, không độc. Nhờ đó, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, giải độc, lợi tiểu, trừ nóng khát, hư tổn, chữa di tinh, bạch đới, đái dắt, đau dạ dày, băng huyết.
Vỏ ngao mật giúp thanh nhiệt
Ngao có tên khác là nghêu, vỏ hình tam giác có nhiều khía, được dùng trong Đông y với tên là văn cáp, hải cáp phấn. Sách Dược tính chỉ nam ghi “làm tan được đờm dãi, chữa được chứng mụn nhọt ác sang hay là chứng mụn nhiều máu mủ độc”.
Thực tế, người ta tách thịt ngao, cho vỏ vào nước, nấu trong khoảng 5-6 giờ, rồi phơi khô. Khi dùng, để nguyên hoặc tẩm giấm (tỷ lệ 1kg vỏ ngao cần 100ml giấm). Nhiều người dùng vỏ ngao chữa đau họng, ho đờm, trĩ với liều 12-20g thuốc sắc hoặc bột hòa nước uống. Đặc biệt phụ nữ sau đẻ bị đau bụng cho uống 15g hòa với rượu hâm nóng.
Chữa bại liệt từ vỏ sò
Các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu bại liệt thuộc trường Y Purdue (Mỹ) đã khẳng định hợp chất đường được gọi là chitin có trong các loại vỏ sò, vỏ hến... có thể giúp điều trị các chấn thương ở xương sống, đem lại niềm hy vọng cho bệnh nhân bại liệt.
Nghiên cứu trên loài chuột lang, các chuyên gia nhận thấy khi chất đường này được tiêm vào chuột lang bị bại liệt, nó lấp đầy các lỗ trong tế bào thần kinh và sau 30 phút, các tín hiệu xung điện giữa các chi và não được phục hồi. Các nhà khoa học hy vọng nó có thể mở ra hướng điều trị ở người./.
Theo Suckhoegiadinh
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201507/tac-dung-cua-vo-hai-san-trong-chua-benh-621858/