Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khẩu trang, từ khẩu trang vải thông thường đến khẩu trang y tế, khẩu trang than hoạt tính rồi đến cả những loại khẩu trang chuyên dụng. Gần đây, trên một số tờ báo đăng bức ảnh gây ngạc nhiên là có một hội nghị hơn 1.000 nhà khoa học tại Hàn Quốc lại chỉ có lác đác vài người đeo khẩu trang dù đang có dịch MERS-CoV lưu hành. Vậy khẩu trang có giúp phòng được các bệnh lây truyền qua đường hô hấp?
Khẩu trang vải thông thường được may từ 2 lớp vải. Nó chỉ ngăn được một phần các giọt bắn nên có giá trị rất ít trong việc phòng lây truyền bệnh qua đường hô hấp. Chủ yếu khẩu trang này ngăn chúng ta hít phải các hạt bụi, khói khi đi lại ngoài đường. Trong khi đó, khẩu trang y tế hay còn gọi là khẩu trang phẫu thuật tuy mỏng nhưng thường được làm bằng 3 lớp vải không dệt và tiệt trùng kỹ càng. Loại khẩu trang này thường có các nếp gấp và một thanh chì giúp khẩu trang ôm khít vào mặt người đeo, giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh lây truyền qua không khí.
Cách đeo khẩu trang y tế đúng.
Khẩu trang than hoạt tính cũng giống như khẩu trang y tế, nhưng lớp giữa có tẩm thêm than hoạt tính. Các nhà sản xuất thường quảng cáo các tính năng ngăn ngừa khí thải độc hại và vi khuẩn của chúng, nhưng thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh khả năng phòng bệnh vượt trội của chúng so với khẩu trang y tế, dù rằng giá cả của chúng cao hơn khá nhiều.
Dùng thế nào cho đúng?
Do đặc tính và khả năng phòng bệnh của từng loại khẩu trang khác nhau, nên việc cũng phải phù hợp
Khẩu trang vải chỉ có tác dụng phòng khói, bụi, không dùng để phòng lây bệnh qua đường hô hấp.
Khẩu trang y tế giúp bảo vệ người lành, ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua giọt nhỏ nhưng không ngăn được các bệnh lây truyền qua không khí. Khẩu trang y tế được khuyến cáo cho mọi người đeo khi vào các phòng chờ trong bệnh viện, khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân trong thời gian không quá lâu. Cần hết sức lưu ý khi đeo phải cho cạnh có thanh chì lên phía trên sống mũi. Dùng tay bóp thanh chì ôm khít vào sống mũi, sau đó bạn kéo các nếp khẩu trang cho ôm kín miệng và cằm. Nên nhớ là khẩu trang này làm bằng vải không dệt nên chỉ dùng được một lần, nếu giặt đi dùng lại thì các sợi vải bị xô lệch nên chúng sẽ không còn tác dụng phòng bệnh.
Bệnh nhân khi đeo khẩu trang phẫu thuật có thể hạn chế phát tán giọt nhỏ khi nói chuyện, ho nhẹ, làm giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Nhưng nếu bệnh nhân hắt hơi hoặc ho mạnh, luồng không khí mạnh từ mũi, miệng bệnh nhân thoát ra mạnh có thể khiến khẩu trang không bám sát mặt bệnh nhân và tạo lối thoát cho các giọt bắn ra ngoài. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân khó thở, suy hô hấp nên không thể đeo khẩu trang. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo bệnh nhân khi ho, hắt hơi nên che kín mũi, miệng bằng một khăn giấy và sau đó vứt bỏ ngay vào thùng rác.
Điều hết sức lưu ý khi dùng khẩu trang là mặt ngoài khẩu trang là nơi bị vấy bẩn bởi các giọt bắn, giọt nhỏ nên không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang. Không lột khẩu trang bỏ túi rồi đeo lại vì có thể làm vấy bẩn túi áo, túi quần hoặc đeo lộn mặt bẩn về phía mũi miệng người đeo.
Theo ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương/Sức khỏe & Đời sống
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/nguy-hai-khi-dung-khau-trang-sai-cach-20150701174420582.htm