Vào mùa sấu, món ăn thông dụng có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa phải kể đến là nước rau muống luộc dầm sấu. Ngoài ra, sấu còn được sử dụng nấu canh chua với thịt nạc băm, làm mứt, tương, ngâm đường.
Quả sấu còn là dược liệu rất tốt trong chữa bệnh.
Sấu không chỉ là món ngon thường có trong bữa cơm gia đình Việt trong những ngày hè mà còn là dược liệu rất tốt trong chữa bệnh.
Chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng
Lấy từ 4-6 g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8 g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền. Hoặc có thể lấy quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.
Chữa ho
Cùi quả sấu tươi 15 g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3-5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Hoặc cùi sấu 25 g sắc với 250 ml nước còn 100 ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày. Với trẻ em, có thể lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.
Trị bỏng
Vỏ thân cây sấu sử dụng làm thuốc trị bỏng và tử cung xuất huyết…. Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta còn sử dụng quả sấu giã ra trị ngứa lở, ăn uống không tiêu, còn vỏ rễ cây được làm thuốc trị sưng vú ở phụ nữ.
Tăng cường hệ tiêu hóa
Nhờ có vị chua thanh nên sấu có tác dụng thanh nhiệt giải khát và kích thích làm tăng tiêu hóa. Lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn.
Cách bảo quản sấu
Sấu xanh: Sấu xanh cắt cuống cho mủ chảy hết ra ngoài, rửa sạch, để ráo nước. Xếp vào hũ giữ trong ngăn đá. Với cách bảo quản này bạn sẽ cất giữ được sấu dùng cho cả năm, mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Sấu chín: Sấu chín sẽ không còn mủ, nên chẳng cần cắt cuống, bạn chỉ việc rửa sạch để ráo nước. Bảo quản giống sấu xanh.