(SKGĐ) Đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm là những lợi ích mà phương pháp ngâm chân mang lại.
|
Ảnh minh họa |
Ngâm chân - lợi chân, lợi toàn thân
Trao đổi với phóng viên tạp chí Sức khỏe gia đình, Ths. BS Nguyễn Xuân Giao (Trưởng khoa Đông y thực nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương) cho biết: Ngâm chân là một kinh nghiệm được rút ra từ nền y học cổ truyền phương Đông. Điều này lý giải tại sao vua Vua chúa quan lại (Vương tôn quý tộc) lại thường xuyên ngâm chân trước khi đi ngủ. Từ thực tiễn cuộc sống những người bị cước chân, đau tức chân vẫn thường được khuyên là ngâm chân bằng nước ấm với muối hoặc một số vị thuốc Y học cổ truyền như lá lốt, ngải cứu để chữa phong tê thấp ở người già.
Trong Đông y đôi bàn chân được mệnh danh là trái tim thứ 2 của cơ thể vì nó là vị trí của rất nhiều huyệt đạo quan trọng. Khi ngâm chân đúng cách và thường xuyên không chỉ tốt cho đôi bàn chân mà còn tác dụng đến cả cơ thể. Bởi khi hai bàn chân thường xuyên tiếp đất. Đất thuộc âm (-), lại thêm sự ẩm ướt từ môi trường sẽ làm cho âm càng tăng, trở thành âm tà là nguyên nhân gây ra các bệnh đau nhức xương khớp…
Đặc biệt là phụ nữ sau sinh, dương khí hao tổn suy yếu rất dễ bị bệnh khi gặp âm tà (do ẩm thấp). Âm tất thắng dương. Điều này cũng lý giải vì sao ở Việt Nam, phụ nữ sau sinh thường đi tất suốt thời gian ở cữ (khoảng 3 tháng) cũng chính là nhằm giữ ấm đôi bàn chân. Bởi suốt thời kì mang thai 9 tháng 10 ngày và khi sinh nở làm cho người phụ nữ hao tổn khí huyết.
Theo chiều vận hành âm dương của lý luận y học cổ truyền thì âm (-) đi lên và dương (+) đi xuống, âm phải thăng và dương phải giáng làm cho âm dương giao hòa. Nhưng khi dương gặp phải âm tà thì sẽ làm hao tổn dương khí vì thế phần dương rất dễ bị bệnh.
Bởi vậy mà khi ngâm chân chính là việc ôn ấm để làm tăng dương khí. Bởi khí với huyết như hình với bóng. Khí là động lực để huyêt lưu thông trong lòng mạch ngược lại huyết là nơi nương tựa khí. Khí hành thì huyết hành, khí ngừng thì huyết trệ. Khí huyết lưu thông điều hòa thì lục phủ ngũ tạng, cân cơ não bộ được nuôi dưỡng đầy đủ nhờ đó mà cơ thể cường tráng khỏe mạnh, ngược lại khí huyết ngừng trệ, dẫn đến mất cân bằng âm dương tất sinh bệnh tật.
Việc ôn ấm của đôi chân chính là nhờ sự tác động bởi nhiệt, khi ngâm chân bao giờ người ta vẫn bằng nồi nước lá nóng hoặc pha nước ấm là bởi nhiệt sẽ làm dãn nở mạch máu tại vùng bàn chân được ngâm, làm tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, tăng nuôi dưỡng và đồng nghĩa với việc đó là sự tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Sở dĩ như vậy là bởi trong máu bao gồm các thành phần hữu hình và hồng cầu nuôi dưỡng.
Đồng thời, các thành phần miễn dịch nằm trong huyết tương là các kháng thể, miễn dịch tế bào… cùng với việc đem máu đến nuôi dưỡng là đem các tác nhân bảo vệ sức khỏe con người, vừa phòng bệnh, vừa chữa bệnh mà khi bị viêm diễm thì nó sẽ tiêu diệt các ổ viêm và ngăn các ổ dịch khác đến bảo vệ tế bào và tăng cường nuôi dưỡng cho tế bào.
Chính bởi vậy mà khi ngâm chân xong thường sẽ mang lại cảm giác rất khoan khoái, dễ chịu, tạo giấc ngủ sâu là vì thế.
Ngâm ngập cổ chân là nguyên tắc phải tuân thủ
Khi ngâm chân một điều hết sức chú ý là phải ngâm ngập cổ chân, trên mắt cá khoảng 2cm. Đó là vì ở cổ chân có 3 đường kinh dương (túc thiếu dương đởm, túc dương minh vị, túc thái dương bang quang) 3 đường kinh âm (túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can).
Đồng thời bàn chân là nơi có rất nhiều các huyệt nguyên, huyệt tỉnh của các đường kinh thường nằm xung quanh cổ chân và ngón tay. Huyệt tỉnh là nơi khởi nguồn của dương khí, huyệt nguyên là nơi hội tụ dương khí.
Vì vậy phải để nước ngập cổ chân để thuốc tác động lên các huyệt nguyên, huyệt tỉnh, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị… làm cho khí huyết trong kinh mạch này lưu thông. Từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.
Bởi vì mỗi đường kinh thúc đẩy chịu trách nhiệm nuôi dưỡng chức năng của một tạ phủ nhất định: can chủ cân (nuôi dưỡng gân cơ); thận chủ cốt (nuôi dưỡng về xương tủy), tỳ chủ về cơ nhục. Vì vậy, khi khí huyết đầy đủ, lưu thông tốt sẽ thúc đẩy cơ thể hoạt động tốt nên nó không chỉ có tác dụng nâng cao tăng cường sức khỏe mà còn phòng chữa bệnh rất hiệu quả.
Ngâm chân không chỉ thúc đẩy công năng của tỳ, can, thận mà còn thúc đẩy công năng của ngũ tạng. Khi công năng của ngũ tạng điều đạt thì chức năng truyền tống của lục phủ cũng thông suốt. Mặt khác, trong bát mạch kỳ kinh thì bốn mạch Xung, Nhâm, Đốc, Đới có quan hệ mật thiết với phụ khoa. Hai mạch trọng yếu là xung nhâm liên hệ trực tiếp đến các chtrức năng sinh lý ở phụ nữ như: Kinh, đới, thai, sản(Kinh là kinh nguyệt, Đới là đới hạ hay khí hư, Thai là thái nghén, Sản là hậu sản). Hai kinh mạch can thân lại liên quan với hai mạch xung nhâm cũng cường thịnh nhờ đó mà những vấn đề về sinh lý như Kinh, đới, thai, sản diễn ra bình thường.
Một số cách ngâm chân hiệu quá
Có rất nhiều cách đơn giản để có thể tự thực hiện ở nhà vừa không mất thời gian mà lại mang lại hiệu quả không ngờ sau:
Ngâm chân bằng chút muối ăn với nước ấm. Với cách này không chỉ giúp bạn cảm thấy khoan khoái và ngủ sâu hơn, thì nó còn là phương pháp chữa bệnh cước chân, tay vô cùng hiệu quả.
Ngâm chân hoặc xông chân với lá lốt, ngải cứu. Phương pháp này đặc biệt hữu hiệu cho người già vì nó làm giảm hẳn những triệu chứng đau nhức xương khi thời tiết thay đổi hay do bệnh tái phát.
Ngân chân với những bài thuốc đơn giản tại nhà như: ngải cứu, lá lốt, gừng tươi, xả… hoặc kết hợp các nguyên liệu như xuyên khung, ngải cứu, lá lốt, gừng. Mỗi vật liệu khoảng 20g đổ thêm 1,5 lít nước đun sôi khoảng 15 phút chắt nước pha thêm nước nước lạnh nhiệt độ khoảng 40-45 độ C (sờ tay cảm thấy nóng già là được). Sau đó ngâm bàn chân khoản 20-30 phút và chú ý là nước phải ngập trên cổ chân cũng sẽ rất tốt đặc biệt là xương khớp.
Ngân chân với gừng tươi. Rửa sạch, giã nhỏ gừng ngâm với rượu, mỗi tối chắt ra một chén nhỏ để ngâm chân cũng rất tốt.
Lưu ý khi ngâm chân:
- Sau khi ngâm chân xong bao giờ cũng dùng khăn khô lau sạch và lập tức ủ ấm. Ngâm được hàng ngày là tốt nhất. Mùa đông lại càng tốt nhất là phụ nữ sau sinh.
- Chú ý không nên ngâm chân với mật ong vì trong mật ong thành phần chủ yếu là đường, đường không thấm qua da. Nếu trên da có các vết thương phần mềm thì có thể bôi đắp trực tiếp thì tốt hơn.
|
Hiền Hậu
http://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/khoe-nho-ngam-chan-moi-ngay-17903/
|