Theo các bác sĩ, khi dầm mưa, nếu thấy ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, sợ lạnh, đầy bụng, có khi đi tiêu phân lỏng, có sốt nhẹ, có thể hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững... có thể đun nước gừng tươi để uống. Công thức gồm: 1 củ gừng tươi 15 – 20g, rửa sạch, thái lát, đổ 100ml nước đun sôi 20 phút, gạn ra, thêm đường và uống nóng. Ngoài ra, bạn cũng có thể đánh gió bằng gừng tươi giã nhỏ, trộn với tóc rối, bọc vào miếng vải thưa, đánh gió (xuôi từ trên xuống và tránh các hạch bạch huyết ở mang tai, nách, háng, bên trong khuỷu tay, khoeo chân) sẽ nhanh giải cảm.
Bên cạnh đó, có một phương pháp cũng thường dùng khi bị cảm lạnh đó là xông người bằng nước xông, gồm các loại lá tre, bưởi, sả, cúc tần, hương nhu (mỗi thứ khoảng 20g, tùy nơi mà thay bằng lá chanh, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá gừng, nghệ, ngải cứu, tràm, bạch đàn, đại bi, long não...), nấu nước đến sôi, rồi xông 5-10 phút cho vã mồ hôi. Sau đó lau khô đắp chăn, nằm nghỉ, tránh gió lạnh.
Theo các bác sĩ đông y, khi xông hơi, dược liệu theo hơi thở vào tận phế nang làm thông suốt đường hô hấp, giảm tiết, giảm đau đầu, mình mẩy, giảm chóng mặt… Nhưng chỉ nên xông 1 – 2 lần, xông nhiều sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, không tốt cho sức khỏe.
Khi bị cảm lạnh, người bệnh nên ăn cháo giải cảm, sẽ nhanh vã mồ hôi và mau phục hồi sức khỏe. Lưu ý sau khi uống nước gừng, đánh gió, ăn cháo hành giải cảm hoặc xông giải cảm cơ thể sẽ vã nhiều mồ hôi. Khi đó nên tránh ra gió, vì lúc đó các lỗ chân lông đang mở rộng gió nhập vào, không tốt cho người bệnh.
Theo bác sĩ Duy Anh (BV E – Hà Nội), cảm lạnh lưu ý không nên dùng thuốc kháng sinh vì không công hiệu với virus gây cảm lạnh (trừ khi bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi). Sau một thời gian, nếu triệu chứng cảm lạnh không giảm, lại có nóng sốt cao, đau họng, nôn ói… cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được bác sĩ điều trị sớm.
Theo Lương y Dương Đức Mến (Láng Hạ, Hà Nội), mùa mưa bão, nên trữ sẵn trong nhà vài loại thuốc uống trị cảm lạnh (phụ nữ có thai không dùng), thuốc nhỏ mũi trị cảm trong tủ thuốc gia đình. Dù mưa nhỏ cũng nên mặc áo mưa tránh ướt.
"Khi đã bị cảm lạnh thì cần có sự chăm sóc tốt, ăn tăng cường chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể, ăn nhiều hoa quả tươi để tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại những biến chứng do các nhiễm trùng cơ hội có thể xâm nhập. Đặc biệt, trẻ em sau một đợt cảm lạnh bị bội nhiễm viêm phổi dễ bị suy dinh dưỡng gầy sút, các bà mẹ cần chăm sóc con hơn nhưng không nên kiêng khem quá kỹ cho trẻ." - Lương y Mến cho biết thêm.
T.A/ Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn Giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/cach-chua-cam-lanh-vi-dinh-mua-don-gian-hieu-qua-2015060116125839.htm