Một dòng chảy rút xa bờ điển hình được xác định bằng cách thả thuốc màu xanh.
Không nên hoảng sợ khi gặp dòng chảy rút xa bờ
JCG kêu gọi người dân chú ý đến các dòng chảy rút xa bờ. Ngoại trừ vùng biển nội hải Seto, các địa phương khác đều khó tránh khỏi các vụ đuối nước do bị dòng chảy rút cuốn ra ngoài khơi.
Với tốc độ dòng chảy 2m/giây, con người khi bị cuốn vào dòng chảy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi quay trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khu vực có dòng chảy chậm bằng 1/10 mức đó vẫn có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Liên quan đến xử trí tình huống đối với dòng chảy xa bờ, Trưởng ban đối phó sự cố trên biển Azusa Matsuura cho biết: ’’Sau khi phát hiện mình bị cuốn ra xa bờ, việc hoảng hốt sẽ rất nguy hiểm. Biện pháp hữu hiệu lúc đó là bạn cần bình tĩnh bơi sang ngang để thoát khỏi dòng chảy nguy hiểm đó. Đặc biệt là khi dẫn trẻ con đi, cần liên tục giám sát trẻ và lưu ý xem khu vực xung quanh chỗ vui chơi có dòng chảy xa bờ hay không’’.
Chiều rộng của dòng chảy xa bờ từ khoảng 10-30m, và có nhiều trường hợp là ngay bên cạnh dòng chảy này sẽ có một dòng chảy hướng bờ.
Không chỉ có vùng biển gần đê chắn sóng tồn tại dòng chảy rút xa bờ mà cả các rãnh như bãi san hô cùng tồn tại các dòng chảy khe.
Việc thu thập thông tin về những khu vực nguy hiểm từ người dân địa phương cũng là một cách hiệu quả để phòng tránh các tai nạn. Các tay lướt ván chuyên nghiệp cũng thường sử dụng dòng chảy rút xa bờ để ra khơi nhanh hơn nhưng khác với việc ’’biết được sự tồn tại của nó và chủ động đi theo luồng nước ra biển,’’ nếu không hề biết và bị cuốn ra thì tình huống nguy hiểm nảy sinh.
Chủ nhiệm đội điều tra môi trường thuộc Ban thông tin biển JCG Hideyuki Ito cho biết: ’’Các nạn nhân bị cuốn thường là những người dân sống ở khu vực miền núi vì những người sống ở các khu vực không tồn tại dòng chảy rút xa bờ thường quen với địa hình biển ôn hoà như biển nội hải Seto.’’
Nhờ mạng lưới đường bộ ngày càng hoàn thiện và không ít trường hợp người dân ở những khu vực cách xa các địa phương gặp nạn ở biển, JCG đang tăng cường nhân lực để đưa ra những đối sách vượt ra ngoài khu vực quản lý của lực lượng này.
Lưu ý đến tai nạn ngoài các bờ biển
Mùa Hè đến, không chỉ khu vực tắm biển mà cả các bãi mò mua bắt ốc và du thuyền cũng dễ phát sinh tai nạn. Đặc biệt, là tai nạn sau khi ngắm pháo hoa cũng xảy ra hàng năm. Không ít trường hợp người lái tàu không quen với việc đi lại trong đêm tối khiến tàu va phải đê chắn sóng, va vào tàu khác đang lưu thông hoặc mất phương hướng.
Ông Matsuura cho biết: ’’Người lái tàu không được uống rượu mà phải đặc biệt cẩn thận đến từng chi tiết và cần đặc biệt chú ý đến việc phải cho khách mặc áo phao trước khi lên boong tàu.’’
Không chỉ trong trường hợp bị rơi khỏi tàu mà cả các tai nạn như va chạm tàu, lật tàu hay chìm tàu thì khả năng thoát chết sẽ cao hơn nếu hành khách được mặc áo phao. Áo phao không chỉ cần thiết được sử dụng trên thuyền mà ở cả những khu vực mò san hô cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh việc mặc áo phao.
Ông Matsuura đã gửi khuyến cáo tới người dân rằng: ’’Sóng có chiều cao gấp nhiều lần so với mức sóng mà cơ quan khí tượng thông báo thường xuất hiện trung bình 1/100 lần vỗ bờ.’’ Đặc biệt, tai nạn thường dễ xảy ra ngay cả khi cơ quan khí tượng dỡ bỏ cảnh báo ở trên thuyền và khu vực ven biển. Ngoài ra, ngay cả khi không có gì đặc biệt, người dân cần tiến hành kiểm tra và tu sửa tàu thuyền một cách thường xuyên để không để xảy ra bất kỳ hỏng hóc nào.
Tai nạn đuối nước thương tâm của các thanh niên Việt Nam
Dư luận trong hai ngày qua vẫn chưa hết bàng hoàng về tai nạn đuối nước thương tâm của nhóm các bạn trẻ Việt Nam khi vui chơi ở khu vực ven biển thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka. Theo cảnh sát Shizuoka, 4 trong nhóm bạn gồm 7 người đã đến tắm biển tại khu vực cấm và bị cuốn trôi. Hậu quả là một người tử vong và hai người hiện vẫn đang mất tích.
Nam thanh niên được bệnh viện xác định tử vong là Nguyễn Bá Tưởng sinh năm 1991 quê xã Mỹ Đức, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nạn nhân Nguyễn Bá Tưởng là thực tập sinh thuộc một nghiệp đoàn ở Shizuoka.
Sau một giờ tìm kiếm kể từ khi có thông báo về vụ việc, nạn nhân được lực lượng cứu hoả và cảnh sát phát hiện trôi dạt vào bờ biển phía Đông cách hiện trường 500m.
Hai người mất tích là Đỗ Thị Việt Trinh (nữ) sinh năm 1993 là thực tập sinh và Bùi Ngọc Điệp (nam) sinh năm 1991 hiện là lưu học sinh.
Cảnh sát Shizuoka cho biết vào hồi 12 giờ 25 phút ngày 15/8 có thông báo từ người dân ở hiện trường là ’’có người bị đuối nước’’ ở khu vực ven biển thuộc Tajimacho, quận Shinan, thành phố Hamamatsu.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm của các bạn trẻ hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, ’’thủ phạm’’ bị nghi ngờ gây ra nhiều tai nạn đuối nước trên biển chính là các dòng chảy rút xa bờ.
Trong những đợt nắng nóng oi ả, các hoạt động giải trí ở các công viên, ao hồ và biển của người dân gia tăng. Tuy nhiên, người dân cần trang bị các kiến thức cần thiết cũng như quan tâm đến những khuyến cáo của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người xung quanh.
Dòng chảy rút xa bờ (tiếng Anh: rip current), còn gọi là dòng chảy xa bờ, dòng rip hay dòng rút bờ, là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển.
Sóng đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Vận tốc trung bình của dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy rút xa bờ có thể lên đến 2,5m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic. Dòng chảy rút xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m. Tuy nhiên, có khi dòng chảy này rộng đến cả chục mét. Trong một ngày chúng có thể di chuyển đến những vị trí khác nhau trong vùng đới sóng đổ.