Rối loạn tiền đình ngày càng trở nên phổ biến hơn. Rối loạn tiền đình có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là tuổi trung niên, lão niên, phụ nữ tiền mãn kinh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Tiền đình là bộ phận phía sau ốc tai hai bên, nó là hệ thống có vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh thăng bằng tư thế, điệu bộ và các cử động phối hợp khác như cử động của mắt, đầu, thân mình.
Ảnh minh họa
Các triệu chứng ban đầu của rối loạn tiền đình thường ít xuất hiện, nếu có thì có thể là mất ngủ, người mệt mỏi. Thường vào buổi đêm về sáng, người bệnh thức giấc mở mắt ra nhìn mọi vật xung quanh thì có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn. Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn. Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh. Mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả.
Nguyên nhân của chứng bệnh này có thể kể đến như: môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống...), tuần hoàn kém và các vấn đề thần kinh như căng thẳng, tâm lý không ổn định.
Để điều trị hiệu quả rối loạn tiền đình, bệnh nhân cần tuân thủ một số chú ý bao gồm:
- Kết hợp nhiều biện pháp điều trị như: dùng thuốc, vật lý trị liệu, tập luyện,… Không tự ý sử dụng đơn thuốc nếu không được bác sĩ chỉ định.
- Xác định điều trị rối loạn tiền đình cần điều trị kiên trì và lâu dài.
- Thời gian điều trị chia làm nhiều giai đoạn: Cấp, duy trì và tập luyện.
- Nên có bác sĩ chuyên trách theo dõi bệnh nhân. Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
Theo Dân Trí
|