GiadinhNet - Những bệnh phổ biến nhất đối với người qua tuổi trung niên (ngoài 40 tuổi) là tim mạch, các bệnh về xương khớp, hô hấp và đường tiêu hóa.
|
Phần lớn người cao tuổi đi khám chữa bệnh về tim mạch.
Ảnh minh họa.
|
Bước qua ngưỡng tuổi trung niên, con người bắt đầu cảm nhận rõ rệt sức khỏe yếu dần và nhiều chức năng cơ thể cũng bị suy giảm. Sự suy giảm chức năng ở mỗi người thường không giống nhau nhưng người tuổi càng cao thì càng dễ mắc bệnh. Những bệnh phổ biến nhất đối với người qua tuổi trung niên (ngoài 40 tuổi) là tim mạch, các bệnh về xương khớp, hô hấp và đường tiêu hóa. Trong đó, bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ lớn nhất và kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. Tại Việt Nam, hàng chục triệu bệnh nhân qua tuổi trung niên (trên 40 tuổi) đang mắc hoặc phải chịu di chứng từ căn bệnh nguy hiểm này.
Di chứng nặng nề
Bệnh tim mạch không chỉ riêng người già mắc mà cũng có nhiều người trẻ vẫn mắc phải, hoặc do yếu tố di truyền. Tuy nhiên có thể nói người có tuổi vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, vì lúc cho dù lúc trẻ bị rồi thì khi già vẫn tiếp tục bị. Bệnh tim mạch rất khó chữa khỏi hẳn, nó chỉ có thể ổn định một thời gian nhưng sớm hay muộn nó vẫn có thể tái phát. Bệnh tim mạch ở người cao tuổi có rất nhiều loại nhưng chủ yếu là xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp....
Bệnh này đã và đang là vấn đề sức khỏe rất được quan tâm trên thế giới, tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh tim mạch vẫn chiếm hàng đầu và có có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Theo Trung tâm thống kê sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, hơn 68 triệu người dân nước này đang có ít nhất một rối loạn về tim mạch và rất nhiều người khác được cho là có nguy cơ mắc một trong những bệnh lý nguy hiểm này. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hằng năm có đến 17,2 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số người bệnh tích lũy ngày một nhiều. Tại Việt Nam, những nghiên cứu gần đây trong giai đoạn 2003 – 2008 có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp, triệu chứng dẫn đến các vấn đề tim mạch. Trong đó, người trên 40 tuổi chiếm từ 15 đến 20%. Như vậy, số người qua tuổi trung niên gặp vấn đề về tim mạch tại Việt Nam đã lên đến hàng chục triệu người
Một thống kê ở Mỹ cũng chứng minh các bệnh về tim mạch chủ yếu ở người cao tuổi. Đáng lo ngại, cứ 5 người chết do bệnh tim mạch thì có tới 4 người trên 65 tuổi. Trong đó, hơn nửa số người bị đột quỵ tim mạch. Thông thường, nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Với các bệnh về tim mạch thì đàn ông có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác cao hơn so với nữ giới. Tình trạng nặng nhất và dẫn đến nguy cơ tư vong của bệnh của tim mạch là suy tim, tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim.
Ví dụ sau đây sẽ cho thấy bệnh về tim mạch có thể biến chứng rất nhanh và nguy hiểm với người già. Bệnh nhân tên Lương Minh Khang, (64 tuổi, TP.Hải Dương) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội. Khi vào viện, cơ thể ông trong tình trạng tụt huyết áp, ngừng tuần hoàn. Sau khi được cấp cứu thành công, Bệnh nhân được tiêm thuốc trợ tim và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp 10 giờ đồng hồ, có biến chứng rối loạn nhịp, ngừng tuần hoàn/Tăng huyết áp- Tiểu đường type II nên nguy cơ tử vong rất cao. Sau 30 giờ cấp cứu, bệnh nhân may mắn thoát chết nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề.
Cũng tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), chúng tôi còn được các bác sĩ cho tiếp cận hồ sơ bệnh án của ông Nguyễn Xuân Thọ (73 tuổi, ở xã Dũng Nghĩa, Vũ Thư, Thái Bình), ông Thọ bị hẹp khít van động mạch chủ từ lâu, đã có chỉ định phẫu thuật thay van tim nhưng bệnh nhân, gia đình chưa đồng ý phẫu thuật. Đến khi bệnh nhân khó thở nhiều lên, người mệt mỏi, suy tim nặng..., gia đình mới đưa vào Bệnh viện Thái Bình điều trị. Sau 2 tuần điều trị không thuyên giảm, tình trạng khó thở diễn ra thường xuyên hơn và kèm theo sốt... nên bệnh nhân được chuyển lên Phòng cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch, Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo và cho bệnh nhân thở máy. Kết quả khám và làm xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị hẹp khít van động mạch chủ, suy tim nặng, ứ huyết và viêm phổi nặng, gây suy hô hấp nặng, suy thận cấp, nguy cơ tử vong vô cùng lớn.
|
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Anh
|
Cách giảm nguy cơ với bệnh tim mạch
Lão hóa hệ tim mạch
Lão hóa là một quá trình tự nhiên xảy ra cho tất cả cơ quan trong cơ thể. Quá trình này khởi đầu ngay từ khi chúng ta được sinh ra và diễn tiến ngày một nhanh khi tuổi càng cao. Những biến đổi do lão hóa ở hệ tim mạch (đặc biệt làxơ vữa động mạch) là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi. Như đã nói, mạch máu bị xơ cứng, giảm đàn hồi làm tim phải tăng hoạt động, về lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả là thành tim bị dày lên. Tim càng dày thì càng cần có nhiều máu đến nuôi. Trong khi đó, các mạch máu bị xơ vữa lại hẹp, gây ra thiếu máu cơ tim, nặng hơn nữa là nhồi máu cơ tim. Hậu quả cuối cùng là suy tim. Các van tim ở người cao tuổi cũng bị thoái hóa, trở nên xơ và hóa vôi. Trong đó, van động mạch chủ thường bị nhất, các van khác cũng có thể bị ảnh hưởng và gây nên bệnh van tim người cao tuổi.
|
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này, trừ yếu tố di truyền thì bệnh chủ yếu là do các thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người gây ra. Ví như chế độ ăn uống không hợp lí khi ăn quá nhiều các đồ ăn với hàm lượng chất béo cao. Chưa có một chế độ luyện tập thể dục hợp lí. Hút nhiều thuốc lá là yếu tố nguy cơ số một đối với đột tử và bệnh mạch ngoại vi. Ngoài ra, một số bệnh dẫn đến tim mạch đó là: Bệnh béo phì dẫn đến mỡ thừa, cholesterol tăng cao trong máu, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ đột qụy tim mạch tăng cao theo tuyến tính. Bệnh tim có thể là một trong những biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Vậy làm thế nào để nhận biết bệnh tim mạch? Trên thế giới đã có nhiều ngiên cứu về vấn đề này, ví dụ như một nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 11. 000 người gồm cả nam và nữ ở độ tuổi từ 40 trở lên, tại Đan Mạch trong suốt 35 năm. Nghiên cứu cho thấy những người với các dấu hiệu như hói đầu, chân tóc lùi ra sau trán, nếp nhăn ở dái tai, và có ban vàng (u mỡ) ở mí mắt. Kết quả của những triệu chứng trên cho thấy có 39% nguy cơ dễ bị các bệnh về tim và 57% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Để phòng tránh bệnh này cũng có rất nhiều cách, nhưng trước hết là phải nói không với thuốc lá. Người hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc bệnh ho lao, ung thư phổi, ung thư vòm họng. Và có thể các bạn chưa biết rằng, hút nhiều thuốc lá cũng dẫn đến bệnh tim. Nó cực kì nguy hiểm với hàng nghìn chất độc hại dần dần hủy hoại cơ thể bạn. Hơn nữa, phải luôn duy trì trọng lượng cơ thể một cách ổn định và vừa phái. Với những nguy cơ bệnh tim mạch cao, cân nặng đóng một vai trò không nhỏ. Có thể duy trì trọng lượng bản thân bằng việc kiểm soát cân nặng thường xuyên, qua đó có chế độ tập luyện và ăn uống hợp lí nhất.
Một cách khá đơn giản mà không mất chi phí trong việc phòng tránh bệnh tim đó là tập thể dục điều độ. Đặc biệt với những người ở độ tuổi trung niên trở lên, việc tập thể dục điều độ là vô cùng quan trọng. Một chế độ tập luyện khoa học sẽ giúp người cao tuổi có độ bền và sự dẻo dai. Làm giảm huyết áp và giảm cholesterol đem lại cho bạn một trái tim khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cần giảm ăn đồ ăn chứa nhiều chất béo, mỡ động vật. Những đồ ăn chứa nhiều chất béo và mỡ động vật khiến tăng cholesterol trong cơ thể, dẫn đến các bệnh về tim. Không nên ăn các thức ăn có nhiều bơ sữa, chất béo như các đồ chiên rán, chúng sẽ gây ra bệnh béo phì và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim.
Ngoài ra, cần ăn nhiều chất xơ. Các chất xơ có trong rau củ quả sẽ giúp người cao tuổi giảm lượng mỡ trong cơ thể, duy trì sức khỏe và sống lâu hơn. Việc sử dụng các loại hạt cũng là một điều rất tốt. Nên ăn nhiều các loại hạt như hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt bí…chúng sẽ cung cấp cho cơ thể những loại dầu tốt có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt với người cao tuổi cần tránh các yếu tố gây stress. Nhiều căng thẳng, dồn nén không có lợi cho người mắc bệnh huyết áp hay tim mạch, đây là nguyên nhân chính của nhồi máu cơ tim. Hãy luôn để cơ thể trong trạng thái thoải mái nhất. Để làm được điều này, người già cần cân bằng cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình. Luôn lạc quan và vui vẻ, suy nghĩ theo hướng tích cực trước mọi vấn đề xấu, khi làm được điều này đã giúp sức khỏe của mình tốt hơn, sống lâu và sống khỏe hơn mỗi ngày.
Thật ra bệnh về tim mạch có rất nhiều dạng, nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy mỗi dạng vẫn sẽ có những chế độ và cách điều trị phù hợp cho từng cơ thể nên tốt nhất người cao tuổi phải là đi khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của mỗi người. Một hồ sơ hoàn toàn trong sạch về sức khỏe tại một thời điểm nào đó không thể đảm bảo được rằng suốt đời không có bệnh tật.
Th.s, B.S Đỗ thị Thúy Anh
(Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam)
Theo Giadinh.net.vn
|