Nếu quên đã trở thành chuyện quen thuộc, hãy tự đặt câu hỏi nguyên nhân tại sao như vậy khi bạn chưa đến 40.
Chúng ta vẫn nghĩ khi về già trí nhớ sẽ kém đi nhưng ở xã hội hiện đại, điều này có thể xảy ra ở độ tuổi còn trẻ. Vì vậy, cho dù bạn 16 hay 60 tuổi và lo lắng về nguy cơ suy giảm trí nhớ, tốt nhất là nên biết những lý do phổ biến và để tránh các yếu tố có thể làm vấn đề trầm trọng thêm.
Trầm cảm
Khi chán nản, ai đó khó có thể tập trung và nhớ lại điều gì vì mải bận tâm với những cảm xúc tiêu cực. Thật không may, không ai miễn nhiễm được với chứng trầm cảm, kể cả với trẻ em khi thường xuyên phải tiếp xúc với tình huống căng thẳng của lứa tuổi. Một số trường hợp tức thời có thể làm cho con người ta bị trầm cảm như mất đi người thân yêu, bị các thành viên khác trong gia đình hiểu lầm. Một số cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi và lo âu cũng có thể tăng khả năng hay quên và không tập trung.
Rối loạn tâm trí
Hầu hết mọi người có thói quen làm nhiều việc cùng lúc với hy vọng công việc được giải quyết càng nhanh càng tốt. Với một số người, điều này thoạt đầu có vẻ thú vị và đầy thử thách nhưng về sau có thể dẫn đến rối loạn tâm thần và căng thẳng. Thời điểm tâm trí họ bị quá tải với những thứ phải làm, họ sẽ bị cảm giác rối loạn, lạc lối. Với một tâm trí lẫn lộn, trí nhớ kém là hệ quả dễ phát sinh và điều duy nhất giúp giải quyết chuyện này là tập trung vào một việc tại một thời điểm. Hãy nhớ rằng bộ não của chúng ta càng xử lý nhiều cùng lúc thì khả năng suy giảm trí nhớ càng tăng.
Không giải thoát được cảm xúc thật
Có những cá nhân tự gò ép mình che giấu cảm xúc thật mỗi khi sợ hãi, xấu hổ hay tự hào. Mặc dù thực tế này sẽ giúp những người đó thực hiện tốt công việc trong bộn bề cuộc sống nhưng điều này lại có thể gây ra những hạn chế nghiêm trọng đối với trí nhớ của họ. Não được tạo thành từ hai phần - bên trái và bên phải. Phần bên trái của não bộ điều chỉnh chức năng về mặt lý tính, ngược lại, bên phải tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật và cảm xúc, tức thiên về cảm tính. Khi hai yếu tố này của não bộ được sử dụng thường xuyên, tâm trí con người có được sự cân bằng, như vậy một bộ nhớ tích cực đồng nghĩa với việc tăng cường hoạt động ở cả hai bán cầu não. Do đó, làm việc một cách lôgic, chuẩn mực nhưng đôi khi cũng cần tăng cường khả năng sáng tạo, bằng cách đó, chức năng nhận thức sẽ được hoàn thiện.
Thiếu vitamin B1
Vitamin B1 (Thiamine) là loại dưỡng chất thiết yếu trong quá trình chuyển hóa thức ăn và chuyển đổi thành năng lượng, đồng thời giữ vai trò hàng đầu trong các chức năng của hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Theo các chuyên gia, một lượng lớn vitamin này nằm trong bộ não của chúng ta với chức năng duy trì việc sản xuất các dẫn truyền xung động thần kinh có tác động tới tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của mỗi người. Đối với những người không nhận được đủ lượng thiamine từ chế độ ăn uống, họ có thể bị hội chứng Wernicke-Korsakoff, một loại rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ. Để ngăn chặn tình trạng này, nên chú ý bổ sung vitamin B1 tự nhiên qua các nguồn thực phẩm như: Mầm lúa mì, bột đậu nành, bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, hạt dẻ, gà, gan, thịt lợn…
Thiếu ngủ
Giấc ngủ giúp cơ thể và tâm trí có cơ hội tái tạo và sửa chữa những phần tế bào, mô đã hao mòn. Ngoài ra, quá trình sóng não được tạo ra khi ngủ cũng là lúc trí nhớ được lưu trữ. Các sóng não cũng có thể chuyển phần ghi nhớ tới vỏ não trước trán, tức là các phần chứa trí nhớ dài hạn. Khi ta thiếu ngủ, những thông tin lưu trữ không thể di chuyển về phía vỏ não trước trán, điều này dẫn đến sự lãng quên và mất trí nhớ ngắn hạn. Vì vậy, ngủ đủ giấc là điều kiện đầu tiên giúp cải thiện trí nhớ, ngăn chặn suy giảm nhận thức.
Theo ANTĐ
|