Ảnh minh họa
Các nhà khoa học thấy rằng việc tiếp xúc với những vi sinh vật trong môi trường thôn quê có thể làm giảm nguy cơ bị hen, dị ứng và các bệnh viêm mạn tính khác. Điều này có thể giải thích tại sao tỷ lệ mắc những bệnh này lại cao ở những người dân thành phố có mức sống thấp.
Theo các nhà nghiên cứu, những người này ít được tiếp cận với không gian xanh, đồng nghĩa với việc họ ít được tiếp cận với các vi sinh vật “thôn quê” và do đó dễ mắc những bệnh viêm mạn tính do rối loạn hệ miễn dịch.
Một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết cho rằng sự gia tăng các bệnh viêm mạn tính ở các nước phương Tây giàu có có liên quan với lối sống “quá sạch sẽ”. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng việc tiếp xúc nhiều với mầm bệnh có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch lại không thể áp dụng với những người dân nghèo thành thị - những người có tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và bệnh viêm mạn tính cao hơn hẳn.
Theo nghiên cứu mới đây thì nguyên nhân của điều này là do “giả thuyết vệ sinh” đã bị hiểu sai.
Các nhà khoa học tại Trường Đại học London và Đại học Arizona nhất trí rằng các vi sinh vật và một số loại nhiễm trùng là rất quan trọng vì chúng có thể giữ cho hệ miễn dịch khỏi khởi động đáp ứng viêm khi chưa cần thiết – như xảy ra với bệnh hen và dị ứng. Tuy nhiên những nhiễm trùng trước đây quan trọng đối với hệ miễn dịch thì phần nhiều đã bị xóa sổ ở các nước đang phát triển.
Những căn bệnh hiện đại mà chúng ta mắc phải từ trường học, công sở và những nơi đông đúc khác ngày nay không thực sự làm giảm các bệnh viêm.
“Ý kiến cho rằng chúng ta quá sạch sẽ đang cho ấn tượng sai lầm”, TS Lowry nói. “Bạn muốn mọi người rửa tay vì vệ sinh cá nhân là rất quan trọng để tránh những bệnh nhiễm trùng nguy hại”.
Trong lịch sử tiến hóa, hệ miễn dịch của con người phơi nhiễm với các vi sinh vật và nhiễm trùng theo 3 cách quan trọng: vi khuẩn truyền sang trẻ nhỏ từ những người trong gia đình, con người tiếp xúc với các vi sinh vật không gây bệnh trong môi trường, và con người chung sống với các nhiễm trùng mạn tính.
Để được cơ thể dung nạp, những “nhiễm trùng cổ xưa” này đã tiến hóa một cơ chế giữ cho hệ miễn dịch không khởi động phản ứng viêm. Tương tự, các vi khuẩn trong môi trường, vốn rất phong phú và vô hại, sẽ được hệ miễn dịch chấp nhận.
Ngược lại, những “nhiễm trùng đám đông” khá hiện đại như bệnh sởi hoặc thủy đậu sẽ gây đáp ứng viêm. Hệ quả là người bệnh bị chết hoặc nhiễm trùng được phản ứng quét sạch khỏi cơ thể và người bệnh trở nên miễn dịch khi bị nhiễm lại vi trùng đó trong tương lai.
Tóm lại, các tác giả coi những vi trùng và nhiễm trùng cũ có lợi cho chức năng của hệ miễn dịch là “những người bạn cũ”. Việc tiếp xúc với “những người bạn cũ này” có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các rối loạn do viêm.
Do những nhiễm trùng cũ này phần nhiều đã vắng mặt ở các nước phát triển, nên việc phơi nhiễm với vi sinh vật trong môi trường – như thường có ở nông thôn trong các trang trại và không gian xanh – sẽ trở nên quan trọng hơn.
Điều này giải thích tại sao người dân nghèo ở thành thị - những người thường không dễ có đủ tiền để đi nghỉ mỗi khi có dịp – lại dễ bị các bệnh viêm hơn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng vì những người sống ở nơi có mật độ dân cư đông đúc dễ nhiễm phải các bệnh “nhiễm trùng đám đông”, càng làm cho tình trạng viêm thêm nặng.
Như mọi người khác – vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên có thể goups họ tránh được những bệnh nhiễm trùng đám đông, trong khi việc thường xuyên lui tới những nơi có không gian xanh có thể giúp hệ miễn dịch được “giao lưu” nhiều hơn với những vi sinh vật có lợi.