Nhiều người thích trồng hoa và chơi hoa đơn giản vì nó giúp làm đẹp không gian sống. Nhưng ngoài tính năng trang trí, một số loài hoa còn được các đầu bếp chế biến thành những món ăn hấp dẫn và lạ miệng.
ảnh minh họa
Đặc biệt, nghiên cứu của Đại học Chiết Giang và các trung tâm nghiên cứu khác ở Trung Quốc còn phát hiện tiềm năng phòng chống bệnh tật của một số loài hoa ăn được.
Công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm, các chuyên gia cho biết họ đã tiến hành phân tích mức độ hợp chất chống ôxy hóa trên những loại hoa ăn được phổ biến ở Trung Quốc như mẫu đơn, kim ngân, bách hợp, nguyệt quế, oải hương, đào, dâm bụt, hoa hồng và hoa cúc. Họ phát hiện mẫu đơn và kim ngân là 2 loại hoa có nồng độ chất chống ôxy hóa mạnh phenolic và flavonoid cao nhất.
Flavonoid là hợp chất thường có trong thực vật, giữ vai trò là chất bảo vệ, bảo tồn axít ascorbic trong tế bào và ngăn chặn một số tác nhân gây hại cho cây. Trong y học, flavonoid có đặc tính kháng viêm, chống dị ứng, chống vi-rút, bảo vệ hệ tim mạch và ngăn ngừa ung thư.
Mặc dù nghiên cứu chỉ được tiến hành trong phòng thí nghiệm và chưa có đánh giá tổng quan về tác dụng chống ung thư trực tiếp từ các loài hoa, song các nhà khoa học tin tưởng những nghiên cứu tiếp theo nếu tập trung vào tiềm năng sử dụng chất chiết xuất từ hoa làm phụ gia thực phẩm có thể sẽ giúp ích trong việc tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh mãn tính.
Ngoài những loại hoa được đề cập trong nghiên cứu, một số loài hoa dưới đây cũng được chứng minh có ích cho sức khỏe:
Sen
Như chúng ta biết, tất cả các bộ phận của sen bao gồm cánh sen, nhị sen, tim sen, hạt sen, ngó sen hay củ sen đều ăn được.
Với thành phần chống ôxy hóa, các món ăn từ sen còn có tác dụng bảo vệ tim, gan và giảm cholesterol. Tuy nhiên, sen cũng có tác dụng hạ đường huyết và huyết áp nên bệnh nhân cần thận trọng khi dùng đồng thời với một số loại thuốc.
Bồ công anh
Đây là loại hoa giàu vitamin A, B, C, D và các khoáng chất như kali, canxi, kẽm và sắt. Tại châu Âu, bồ công anh được sử dụng như loại thuốc điều trị sốt, tiêu chảy, nổi nhọt, tăng nồng độ axít, các bệnh về mắt và da. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, người ta dùng loài hoa này để chữa trị bệnh gan, viêm ruột thừa, túi mật và sỏi mật. Ngoài ra, bồ công anh còn có tính năng lợi tiểu và hỗ trợ tiêu hóa.
Một số đồ uống và thức ăn phổ biến từ bồ công anh bao gồm rượu vang, si-rô và mứt.
Lưu ly
Với ưu điểm giàu axít gamma-linolenic (GLA) cùng các axít béo khác như axít palmitic, axít oleic, axít stearic, axít linoleic, axít eruxic và axít nervonic, hoa lưu ly được dùng để kiểm soát viêm nhiễm bao gồm viêm khớp, viêm da dị ứng cũng như sốt, tiêu chảy, đau tim, bệnh về phổi và đường hô hấp.
Ngoài ra, lưu ly còn điều hòa nội tiết tố, hệ thống trao đổi chất và tăng lượng sữa ở phụ nữ cho con bú.
Hoa hồng
Là loại hoa phổ biến nhất trên thế giới với hơn 100 loài khác nhau. Cánh hoa hồng rất giàu vitamin A, B3, C, D, E, tinh dầu, axít tannic, axít malic, pectin, chất chống ôxy hóa và bioflavonoid. Do đó, người ta hay sử dụng cánh hoa hồng để giảm stress và đau đầu, điều trị trầm cảm, mất ngủ cũng như các chứng loạn thần. Ngoài ra, bộ phận này của hoa hồng còn có công dụng lọc máu, nhuận tràng, lợi tiểu, trợ tim, chống nhiễm trùng cho hệ tiêu hóa và hệ hô hấp.
Đối với chức năng sinh sản, cánh hoa hồng hỗ trợ điều trị vô sinh và các vấn đề kinh nguyệt.
Nghệ tây
Nhụy hoa nghệ tây thường được chiết xuất làm gia vị giúp tăng hương vị và màu sắc cho món ăn. Chất chiết xuất này chứa nhiều thành phần chống ôxi hóa (đặc biệt là nhóm dưỡng chất carotenoid) cùng các khoáng chất như kali, canxi, sắt, selen, đồng, mangan, kẽm, magiê cùng vitamin A, C, riboflavin, niacin, axít folic. Do đó, nó được dùng để khử trùng, hỗ trợ tiêu hóa, điều chế thuốc chống trầm cảm, chống co giật và ung thư. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên tránh dùng loại gia vị này vì có thể gây kích thích tử cung dẫn đến sẩy thai.
Được biết, loại gia vị này rất mắc tiền do người ta phải dùng tới 75.000 bông hoa mới thu được 450g bột gia vị.
Dâm bụt
Loài hoa này được dùng để chế biến món ăn trên khắp thế giới, chủ yếu là làm gia vị, mứt, súp và nước sốt. Cánh hoa là nguyên liệu làm nên loại trà Karkade nổi tiếng ở Ai Cập, Brazil và Mexico. Do chứa nhiều chất chống ôxy hóa, hoa dâm bụt mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như nhuận tràng, lợi tiểu, hạ huyết áp, giảm co thắt dạ dày, ruột và tử cung. Đặc biệt, hoa còn được dùng điều chế thuốc trị chán ăn, kích ứng dạ dày viêm đường hô hấp, các bệnh về tim và thần kinh.