- Sởi không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có thể mắc. Bệnh nhân lớn tuổi nhất bị mắc sởi được ghi nhận ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương năm nay 47 tuổi.
47 tuổi vẫn mắc sởi
Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết trong số bệnh nhân nhập viện điều trị vì sởi thì có khoảng 85-90% bệnh nhân là người lớn. Người lớn tuổi nhất mắc sởi được ghi nhận năm nay 47 tuổi.
Theo lý giải của ông Kính, người bệnh này sinh vào khoảng năm 1967-1968, lúc này chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng nên chưa được tiêm vắc xin, nếu chưa mắc sởi thì sẽ không có miễn dịch.”Bất kể ai chưa có miễn dịch đều có thể mắc sởi, kể cả người lớn”, ông Kính nói.
|
Bệnh nhân sởi điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ |
Anh N.C.C. (năm nay 34 tuổi) cho biết anh không nhớ mình đã được tiêm chủng hay chưa, cũng không nhớ đã từng mắc sởi hay chưa. Tuy nhiên, anh chủ quan vì nghĩ sởi gây bệnh ở trẻ nhỏ.
Khi dịch sởi đang bùng phát mạnh ở Hà Nội thì anh có dấu hiệu sốt cao không dứt, ho, vào bệnh viện khám sau 4 ngày có triệu chứng lâm sàng, anh được kết luận mắc sởi và nằm điều trị ở BV 6 ngày. Sau khi anh mắc sởi thì con gái 7 tháng của anh cũng lây nhiễm theo,
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của BV cho biết từ đầu vụ dịch đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào diễn biến nặng, có một vài ca phải thở oxy nhưng sau đó tiến triển tốt và đều đã ra viện, hiện chỉ còn lại những bệnh nhân sởi thông thường, không có biến chứng nặng. Hiện số ca mắc sởi là người lớn đang chững lại. Số bệnh nhân này đều mắc sởi cổ điển.
Ông Nguyễn Văn Kính cho biết đối với người lớn, nếu mắc sởi thì biến chứng thường gặp nhất là viêm não gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp làm bệnh nhân có thể tử vong (trong khi với trẻ nhỏ biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi). Hiện BV chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến sởi người lớn.
Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi của bệnh viện, tuy không chủ quan với bệnh (bất kỳ với bệnh nào, không chỉ riêng bệnh sởi) nhưng với trẻ em tầm tuổi 8-9 trở lên nếu mắc sởi thì nguy cơ biến chứng không cao như trẻ nhỏ bởi lúc này sức đề kháng của trẻ tốt hơn, hệ miễn dịch tự nhiên cũng bền vững hơn.
Trong nhóm người lớn mắc sởi, các bác sỹ đặc biệt lưu ý đối tượng là phụ nữ có thai. Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết nếu mắc sởi khi đang có thai thì nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng đến thai nhi rất cao. Virus sởi có thể gây sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân, thậm chí dị tật.
Hiện nay, số bệnh nhân mắc sởi là trẻ em vào nhập viện tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ có xu hướng tăng lên do nhiều gia đình lo ngại tình trạng quá đông gây nhiễm chéo tại BV Nhi Trung ương.
Quá tải sởi người lớn
Ngày 23/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết đơn vị này đang phải gồng mình “gánh” sởi.
|
Tại Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM, bệnh nhân mắc sởi là người lớn phải nhập viện ngày càng nhiều. ( Ảnh: Thanh Huyền).
|
Tại Khoa Nội A của bệnh viện đã bố trí riêng một khu với khoảng 40 giường bệnh chuyên điều trị cho bệnh nhân sởi nhưng hiện đã quá tải, phải san bớt bệnh sang nằm cả ở Khoa Nhiễm C.
Riêng từ 7h sáng tới 15h ngày 23/4, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhiệt Đới đã khám cho 35 trường hợp bị sởi, trong đó 17 ca là người lớn, 6 ca phải nhập viện điều trị (3 người lớn, 3 trẻ em).
Như vậy, tỷ lệ mắc bệnh sởi ở người lớn và trẻ em tại bệnh viện này gần như ở mức 50/50.
Theo thống kê, hiện tại Bệnh viện Nhiệt Đới đang điều trị cho 92 trường hợp sởi nội trú. Bệnh nhân ở TPHCM là 59 ca, còn lại là bệnh nhân từ tỉnh chuyển lên. Số người lớn mắc sởi đang nằm viện lên tới 33 ca.
Từ đầu tháng 4 đến nay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã điều trị nội trú cho 341 ca sởi (129 trường hợp là người lớn).
Có thể nhận thấy diễn biến của dịch sởi đang phức tạp lên từng ngày.
Vào tháng 2, Khoa Nội A của bệnh viện này chỉ có 25 bệnh nhân sởi nội trú, đã được nhận định là cao gấp 3 lần ngày thường. Nay, số bệnh nhân nằm kín 40 giường dành riêng cho sởi và còn hàng chục ca tràn cả sang Khoa Nhiễm C.
Để tránh lây chéo trong bệnh viện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã thực hiện cách ly bệnh nhân sởi nằm ở khu vực riêng và theo từng phòng tùy mức độ nặng nhẹ để tiến hành điều trị.
Từ đầu năm đến ngày 18/4, bệnh viện tiếp nhận 938 trường hợp mắc sởi, tăng hơn 62 lần so với cùng kỳ năm 2013 (15 bệnh nhân).
Trong đó, có đến 90% (843 ca) nhập viện điều trị nội trú, so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ có 1 ca nhập viện.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là một bệnh có thể tự điều trị tại nhà, tuy nhiên hiện nay lượng bệnh nhân sởi đang ngày một gia tăng, nhiều ca bệnh nặng, bị biến chứng.
Bệnh sởi nếu xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi có thể gây ra biến chứng viêm phổi nặng, suy dinh dưỡng. Còn nếu bệnh xảy ra ở người lớn thì các biến chứng dễ gặp là viêm cơ tim, viêm não.
|
Cẩm Quyên - Thanh Huyền
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/172100/nhung-thong-tin-bat-ngo-ve-dich-soi-o-nguoi-lon.html
|