Trong ngày đón Xuân họp mặt bên cạnh niềm vui thì cũng có không ít những rủi ro như: tai nạn giao thông; tai nạn sinh hoạt (té ngã, điện giật, bỏng...); ngộ độc thực phẩm; rượu... Vào dịp Tết, lượng bệnh nhân lại gia tăng tại các khoa Cấp cứu của mọi bệnh viện trên cả nước. Trong đó đáng kể là tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm...
Cấp cứu ban đầu tại hiện trường rất quan trọng vì ảnh hưởng đến việc điều trị khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện.
|
Sơ cứu người bị chấn thương (tai nạn giao thông; té, ngã...)
Biết sơ cứu đúng cách ngoài việc giúp nạn nhân, bệnh nhân được cứu sống còn giúp cho các bệnh viện, cơ sở y tế nâng cao chất lượng điều trị từ đó làm giảm chi phí và đưa người bệnh nhanh chóng trở về với gia đình, cộng đồng.
Đối với những trường hợp bị chấn thương do tai nạn giao thông, sinh hoạt cần lưu ý:
- Trước hết, đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, cùng lúc xem bệnh nhân có bất tỉnh không.
- Nếu bệnh nhân bất tỉnh, cần nhanh chóng kiểm tra và khai thông đường thở bằng cách lấy các dị vật: đất, cát, răng giả ra khỏi miệng... chú ý giữ đầu và cổ nạn nhân ở vị trí nằm thẳng.
- Kiểm tra bệnh nhân có ngưng hô hấp, ngưng tim không bằng cách sờ vào mạch cổ, bẹn, nghe tim đập. Nếu ngưng tim, hô hấp thì thực hiện nhấn tim, hà hơi thổi ngạt.
- Chấm dứt sự chảy máu bên ngoài bằng băng, ga-rô, nẹp hay các vật dụng có được.- Cố định các xương gãy bằng phương tiện sẵn có. Trường hợp gãy chân nếu không có nẹp thì có thể băng cố định chân gãy vào chân lành; gãy tay băng cố định vào thân rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân sinh học, các chất độc hại hóa học, vật lý gây nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Các tác nhân sinh học gây ô nhiễm bao gồm:
- Vi khuẩn có mặt trong phân, nước thải, rác bụi, thực phẩm tươi sống, không khí và trên cơ thể người ở vùng da, niêm mạc. Đặc biệt thức ăn chín còn thừa sau một vài giờ, số lượng vi khuẩn có thể sinh sản đạt đến mức gây ngộ độc thực phẩm.
- Nấm mốc thường có trong các loại ngũ cốc, quả, hạt có dầu dự trữ trong điều kiện nóng ẩm. Nấm mốc có thể sản sinh ra các độc tố nguy hiểm. Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh ra trong ngô, đậu và lạc gây ung thư gan.
- Virus thường có trong ruột người, có thể lây từ phân qua tay hoặc từ nước bị nhiễm phân vào thực phẩm. Với lượng ít virus cũng gây nhiễm bệnh.
- Ký sinh trùng thường gặp trong thực phẩm là giun sán.
Những chất độc hóa học thường gây ô nhiễm thực phẩm:
- Các chất ô nhiễm trong công nghiệp và môi trường: chất phóng xạ, kim loại nặng.
- Chất hoá học trong nông nghiệp: thuốc bảo vệ thực vật, động vật, thuốc thú y, chất tăng trưởng, phân bón, thuốc trừ giun sán và chất hun khói.
- Các chất chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản, chống ô-xy hóa, chất tẩy rửa sử dụng không đúng quy định…
- Chất độc hại tạo ra trong quá trình chế biến thịt hun khói, dầu mỡ bị cháy khét. Hợp chất tạo ra do phản ứng hóa học trong thực phẩm, sản sinh độc tố trong khi bảo quản, dự trữ, bị nhiễm nấm mốc, biến chất, ôi hỏng.
- Các độc tố trong mầm khoai tây, sắn, đậu mèo, măng, nấm độc, cá nóc…
|
Trong nhà nên chuẩn bị một số dụng cụ, thiết bị y tế
để sử dụng khi cần thiết.
|
Khi bị nhiễm độc hoặc nghi ngờ ngộ độc thì phải ngưng sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu… gửi đi xét nghiệm. Báo cho cơ quan y tế đến xác minh và tổ chức cấp cứu kịp thời cho người bị ngộ độc.
Loại trừ bớt chất độc ra khỏi cơ thể bằng gây nôn: thực hiện ngay bằng cách cho ngón tay vào họng để kích thích nôn; đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Bảng bên dưới giúp bạn điểm qua một số biểu hiện và nguyên nhân gây ngộ độc cũng như nguồn lây.
NGUYÊN NHÂN
|
THỰC PHẨM
|
CÁC BIỂU HIỆN NGỘ ĐỘC
|
Salmonella
|
Trứng, thịt gia cầm nấu chưa chin.
|
Sốt, tiêu chảy, đau bụng, nôn.
|
Campylobacter
|
Sữa tươi, nước chưa khử trùng hoặc đun sôi, thịt gia cầm nấu chưa chín.
|
Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, phân có máu.
|
Vibrio cholerae (phẩy khuẩn tả)
|
Sử dụng nguồn nước ô nhiễm để làm kem, đá hoặc rửa rau quả. Nấu chưa chín hoặc ăn cá sống, nguồn nước bị ô nhiễm.
|
Tiêu chảy, phân lỏng nhiều nước có kèm theo nôn và đau bụng.
|
Clostridium otulinum (vi khuẩn kỵ khí)
|
Thực phẩm đóng hộp bị ô nhiễm trong quá trình chế biến: cá, thịt, các loại rau.
|
Giảm trương lực cơ, đặc biệt là ở mắt (nhìn mờ) và ở phổi (gây khó thở).
|
Escherichia coli
|
Thịt, cá, rau, sữa tươi, nước bị ô nhiễm phân người.
|
Tiêu chảy, có loại gây triệu chứng giống hội chứng lỵ hoặc phân có máu, bệnh tả.
|
Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
|
Sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm nấu chưa chín. Nhiễm trùng từ mũi, tay và da lây sang thức ăn chín.
|
Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, không sốt, mất nước nặng.
|
Shigella (lỵ)
|
Sữa và thực phẩm bị ẩm ướt, nhiễm phân.
|
Tiêu chảy, phân có máu. Sốt trong những trường hợp nặng.
|
Bacillus cereus
|
Ngũ cốc, rau, sữa, thịt quay hoặc rán không bảo quản đúng.
|
Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
|
Thuốc bảo vệ thực vật
|
Các loại rau quả tươi, chè
|
Rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ. Tổn thương não gây hội chứng nhiễm độc não do thuỷ ngân, phốt-pho hữu cơ và clo hữu cơ. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, máu, tiết niệu, nội tiết, tuyến giáp và có thể dẫn đến tử vong.
|
BS. CKII. Trương Thế Hiệp
Phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM
Theo Giadinh.net.vn